Đồng Nai: 75% đơn khiếu kiện ở huyện Nhơn Trạch là của người dân TP Hồ Chí Minh
“Người dân TP Hồ Chí Minh đến huyện Nhơn Trạch mua đất với diện tích hơn 1.300ha, chiếm 35% diện tích đất chuyên dùng ở huyện. Và 75% đơn khiếu kiện ở huyện là của những cư dân TP Hồ Chí Minh xuống đây mua đất”, ông Từ Ngọc Chiếu - chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - nói vậy hôm 11-8 khi tiếp đoàn kiểm tra thực hiện Luật Đất đai của Bộ Tài nguyên - môi trường.
Theo ông Chiếu, nội dung khiếu kiện của người dân chủ yếu là giá đền bù. “Gọi là “thành phố trong tương lai” nhưng hiện trạng huyện Nhơn Trạch vẫn chỉ là... huyện. Trong đợt “sốt” đất, người dân TP Hồ Chí Minh đem bạc tỉ xuống đây mua được một ha đất, nay được đền bù vài trăm triệu đồng (vì đất nông nghiệp chỉ được đền bù theo giá đất nông nghiệp) nên đâm đơn khiếu kiện, gây phức tạp cho địa phương”, ông Chiếu nói.
Theo UBND huyện, tiến độ thực hiện các dự án phát triển đô thị khá chậm (hiện còn 14 dự án đã quá hạn giới thiệu địa điểm nhưng chưa triển khai) vì các nhà đầu tư có tâm lý... chờ thời (chờ Nhà nước xây cầu Nhơn Trạch nối Đồng Nai - TP Hồ Chí Minh) nên nhiều đơn vị xin gia hạn nhiều lần, nhiều dự án đã có quyết định giao đất nhưng bỏ không từ hai, ba năm qua. Tuy vậy, chưa có dự án nào bị thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2003.
Sáng nay, 12-8, đoàn kiểm tra sẽ có cuộc gặp gỡ giới doanh nghiệp tham gia đầu tư tại tỉnh Đồng Nai và tổng kết đợt kiểm tra với UBND tỉnh vào buổi chiều.
Tây Ninh: dân không muốn chuyển mục đích sử dụng đất
Ngày 11-8, đoàn kiểm tra thi hành Luật Đất đai số 12 do tiến sĩ Võ Tử Can làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại UBND huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh). Khác với những địa phương khác mà đoàn đã đi qua, vấn đề bức xúc của dân về khiếu kiện đất đai không xảy ra nhiều.
Việc cấp “sổ đỏ” được thực hiện khá tốt, ở các xã còn có mô hình tổ nhân dân tự quản xuống từng hộ dân để hướng dẫn người dân đăng ký kê khai đất đai. Tuy nhiên người dân ở đây hầu như không có nhu cầu làm “sổ đỏ”. Theo ông Phạm Văn Hơi, trưởng Phòng TN-MT huyện, một trong những nguyên nhân khiến người dân “chê giấy” là vì Luật Đất đai 2003 quy định mức phí để chuyển mục đích sử dụng đất quá cao.
Trước tình hình này, huyện Dương Minh Châu kiến nghị Chính phủ nên xem xét hoặc có điều chỉnh lại mức thu nghĩa vụ tài chính đối với nông dân khi có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hằng năm lên đất ở hoặc đất chuyên dùng để người dân “dễ thở” hơn. Tiến sĩ Võ Tử Can cho biết hiện bộ đang dự thảo nghị định mới về đất đai, trong đó sẽ điều chỉnh lại mức thu này.
Báo cáo tình hình thực hiện các dự án đầu tư, UBND huyện Dương Minh Châu cho biết toàn huyện có 31 dự án với tổng diện tích 682,8ha. Trong đó dự án xây dựng trường ĐH dân lập và dự án Bệnh viện đa khoa Bình Dân do chủ đầu tư tự thỏa thuận với dân mức giá bồi thường.
Điều đáng mừng là mức chủ đầu tư và các hộ dân thỏa thuận vượt gấp đôi mức quy định của Nhà nước. Dù vậy ở các dự án này, qua kiểm tra đoàn cũng phát hiện một số vấn đề bất cập như có dấu hiệu chủ đầu tư lợi dụng xin thuê đất để... cho người khác thuê lại kiếm lời chứ không thực hiện đúng như dự án đã được duyệt ban đầu.
Vĩnh Long: cán bộ cơ sở chưa hiểu thấu đáo nghiệp vụ
Ngày 11-8, đoàn kiểm tra quản lý đất đai do ông Trần Hùng Phi - Vụ phó Vụ TN-MT - làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo huyện Măng Thít (Vĩnh Long). Nhiều vấn đề hạn chế về quản lý, quy hoạch sử dụng và giải quyết tranh chấp khiếu nại nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ cơ sở đã được đoàn hướng dẫn tháo gỡ.
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm - giám đốc Sở TN-MT tỉnh, có khoảng 3 - 5% cán bộ (trên tổng số 127 cán bộ địa chính ở xã, phường) chưa thật sự hiểu và nắm bắt nghiệp vụ thấu đáo. Trong khi đó nhu cầu chuyển nhượng, xin cấp “sổ đỏ” và tranh chấp đất đai ở địa phương khá phức tạp.
An Giang: người dân không lấy “sổ đỏ”
Sáng qua 11-8, đoàn cán bộ kiểm tra tình hình thi hành Luật Đất đai do ông Phạm Ngọc Chuyển làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại huyện Thoại Sơn, An Giang. Qua kiểm tra, trưởng đoàn Phạm Ngọc Chuyển cho biết huyện Thoại Sơn đã làm tốt công tác thi hành luật cũng như có những tham mưu, đề xuất giải quyết những trường hợp cụ thể phù hợp lòng dân. “Trong gần hai tuần làm việc vừa qua tại Đồng Tháp và An Giang, đây là địa phương tôi thấy có bước thực hiện năng động, hiệu quả nhất”, trưởng đoàn nói.
Tuy nhiên, cũng như những địa phương khác, một thực trạng mà Thoại Sơn đang gặp phải là tình trạng người dân có giấy đỏ rồi nhưng không đến nhận. Theo số liệu từ Phòng TN-MT huyện thì trong 17 xã có đến khoảng 3.000 hộ chưa đến nhận giấy.
Anh Huỳnh Lê Phong, trưởng Phòng TN-MT huyện Thoại Sơn, lý giải nguyên nhân: “Chủ yếu do người dân khó khăn về tài chính, có hộ chỉ đóng vài trăm ngàn đồng, thậm chí chỉ bảy tám chục ngàn đồng là có thể lấy “sổ đỏ” về nhưng họ lại không có tiền, thành ra cứ để “neo” lại ở phòng”.
Nghệ An: hầu hết các xã đều chưa có quy hoạch
Đoàn kiểm tra của Bộ TN-MT thực hiện đợt kiểm tra tại Nghệ An bắt đầu từ ngày 6 và kết thúc vào chiều 11-8. Trong thời gian năm ngày, đoàn đã kiểm tra tại năm điểm thì cả năm đều có những sai phạm trong việc thực hiện Luật Đất đai. Tại thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, hai đô thị này đều chưa có quy hoạch.
Tương tự, hầu hết các xã ở 19 huyện, thành, thị trấn của tỉnh Nghệ An đều chưa có quy hoạch ruộng đất. Tại xã Văn Sơn, huyện Đô Lương, đoàn kiểm tra phát hiện Phòng TN-MT tự ý đề ra một số loại thủ tục mới gây phiền hà làm tồn đọng 450 hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” của dân.
Qua kiểm tra, đoàn còn phát hiện một doanh nghiệp đầu tư ngoài tỉnh là Công ty Vinaconex 9 chưa được tỉnh giao, cấp đất tại khu đô thị mới ven đại lộ 3-2 thành phố Vinh nhưng đã khởi công xây dựng nhà ở, biệt thự từ nhiều tháng nay. Không chỉ riêng công ty này mà hàng loạt các nhà đầu tư vào khu vực ven đại lộ trên đều “tiền trảm hậu tấu”.
Hòa Bình và Phú Thọ: triển khai tốt việc cấp “sổ đỏ”
Kết thúc buổi kiểm tra tình hình thực hiện Luật Đất đai tại phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, sáng qua (11-8), ông Trần Bạch Giang - Cục trưởng Cục Đo đạc và bản đồ, trưởng đoàn kiểm tra số 4 - cho hay phát hiện tám cơ quan, đơn vị đã chuyển trụ sở từ thị xã Phú Thọ về TP Việt Trì nhưng tất cả số đất của tám cơ quan này vẫn không được thu hồi mà bị bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả.
Trước đó, đoàn kiểm tra số 4 đã kiểm tra tình hình thực thi Luật Đất đai tại Hòa Bình và đây là địa phương được trưởng đoàn Trần Bạch Giang đánh giá thi hành Luật Đất đai “tương đối tốt”. Thực tế, trong thời gian đoàn làm việc tại Hòa Bình, mặc dù đã thông tin về đợt làm việc này nhưng có rất ít người dân đến phản ánh, khiếu kiện với đoàn.
Tại hai địa phương trên, ông Giang đều cho rằng đã triển khai tốt việc cấp “sổ đỏ” cho người dân, tình trạng lấn chiếm đất đai kể từ khi có Luật Đất đai năm 2003 giảm đáng kể. Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra số 4 sẽ làm việc tại Phú Thọ đến hết ngày 12-8.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Đặng Hùng Võ: “Cán bộ vẫn cho rằng được quyền hành dân” Qua mười ngày kiểm tra tình hình thực hiện Luật Đất đai tại các địa phương, ông Đặng Hùng Võ cho biết: - Qua báo cáo sơ bộ của các đoàn gửi về, tôi nhận thấy có một số sai phạm chủ yếu tập trung ở xử lý việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhiều nơi có tình trạng áp dụng pháp luật không đúng, không thống nhất, áp dụng đối với người này khác với người kia nên nảy sinh tình trạng người dân bị thiệt. Cũng có nơi chưa có khu tái định cư nhưng đã cưỡng chế người dân trong diện di dời giải tỏa. Một dạng sai phạm phổ biến khác là sai phạm trong cấp giấy chứng nhận, nơi thì không cấp, nơi cấp rồi nhưng không phát cho dân. Tiếp nữa là vấn đề tranh chấp, tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân với đất quốc phòng, tranh chấp giữa nông, lâm trường với hộ gia đình, cá nhân. Bên cạnh đó có nhiều trường hợp đất cũ của người dân ở khu vực nông thôn nhưng chính quyền không hợp thức hóa, không công nhận cho dân. * Như vậy, các sai phạm đó là do chính quyền địa phương không hiểu hết pháp luật hay do họ cố tình sai phạm để hưởng lợi cá nhân? - Tôi cho rằng có mấy ý. Thứ nhất, có nơi vận dụng pháp luật không đúng nhưng là do vô tình. Thứ hai, sai phạm mang tính chủ quan khi các cấp huyện, cấp xã không quan niệm hệ thống hành chính phục vụ nhân dân là chủ yếu. Trong tư duy, họ vẫn cho rằng cán bộ thì có quyền được “hành” dân, được thế này, thế khác. Thứ ba là vấn đề tham nhũng. Có một số trường hợp không phải đấu giá mà có thể cấp trực tiếp đất cho các hộ gia đình nghèo ở khu vực khó khăn, nhưng nhiều khi người ta lấy đất đó chia cho người quen thuộc, còn những người cần được hưởng chính sách ưu tiên thì chưa chắc được. Có những nơi đất thu hồi thừa từ một dự án, đáng lẽ phải trả lại người đang sử dụng cũ nhưng lại giữ lại, phân cho đối tượng mới. * Xin cảm ơn ông.
|
|