Miễn trách nhiệm người tố giác hối lộ để chống tham nhũng
Các Website khác - 03/10/2005

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Thị Bắc là người đề xuất và bảo vệ đến cùng quan điểm khoan dung, khuyến khích người đã chót đưa hối lộ nhưng tích cực hợp tác với cơ quan pháp luật để xử lý kẻ nhận hối lộ. Bà Bắc đã trả lời phỏng vấn về việc này.

- Dự luật phòng chống tham nhũng được chuẩn bị khá kỹ, nhưng dường như vẫn chưa thuyết phục được các đại biểu Quốc hội chuyên trách. Theo bà tại sao?

- Pháp luật về phòng chống tham nhũng, về bộ máy các cơ quan pháp luật đấu tranh với tệ nạn tham nhũng chúng ta đều đã có, nhưng tại sao tham nhũng không bị ngăn chặn, đẩy lùi mà còn phức tạp hơn? Qua thực tiễn công tác, tôi thấy trong nhiều nguyên nhân có hai trở ngại chính cần được khắc phục ngay là ta chưa có cơ chế hiệu quả động viên cá nhân, tổ chức phát giác tội phạm, và thiếu một lực lượng điều tra chuyên sâu loại tội phạm này.

Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng nhận thức được vấn đề này, nhưng xử lý chưa đầy đủ. Ví dụ như phần khen thưởng người tố cáo, chỉ chung chung là theo Luật Thi đua khen thưởng. Đã coi tham nhũng là quốc nạn thì ngoài chuyện đương nhiên người tố cáo được bảo vệ, được giữ bí mật, cần quy định cụ thể ngay trong luật này cơ chế thưởng vật chất theo phần trăm tài sản thu hồi được từ việc phát giác đó. Thưởng cả người tố giác và cơ quan, cá nhân có công trong việc tìm ra, xử lý thành công vụ vi phạm pháp luật đó.

- Trích thưởng từ tài sản phi pháp, chúng ta có áp dụng đấy chứ?

- Trước đây có, nhưng giờ thôi rồi. Hồi còn kiểm sát chung, có quy định cơ quan thanh tra, kiểm sát được trích thưởng 30% giá trị tài sản phạm pháp thu hồi được. Việc trích thưởng rất cụ thể: bao nhiêu dành đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện nghiệp vụ, bao nhiêu cho tập thể, và bao nhiêu cho chính cá nhân tham gia chuyên án. Các lực lượng chuyên trách khác như chống buôn lậu, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường… cũng được hưởng cơ chế trích thưởng ở mức độ nào đó. Anh em làm việc rất phấn khởi.

- Hồi đó, việc thưởng người có công tố giác tội phạm có được triển khai thế nào?

- Cái này tới nay vẫn chưa có quy định cụ thể, thậm chí tới nay vẫn bất cập. Nhất là với người tố giác các vụ hối lộ. Có thể nói khá nhiều vụ tham nhũng có dấu hiệu tội hối lộ và nhận hối lộ, nhưng phanh phui rất khó, vì chỉ hai người biết với nhau. Khó hơn nữa là Bộ luật Hình sự rất lửng lơ về miễn trách nhiệm cho người tự tố giác. Điều 289 quy định: “Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”. Theo tôi, tình trạng tham nhũng phức tạp như thế này thì chính sách hính sự phải cởi mở hơn, bỏ hẳn chữ “có thể” để khuyến khích người ta cộng tác với cơ quan pháp luật.

- Qua công tác trong cơ quan tố tụng, bà thấy tâm lý của người tự thú việc đưa hối lộ thế nào?

- Người đã đưa hối lộ mà sau lại tố giác thì thường rơi vào hoàn cảnh bị ép phải hối lộ, và hầu hết là họ nhận thấy việc làm của mình là trái pháp luật. Có nhiều dạng: ép phải có tiền thì mới giải quyết; đã hối lộ rồi nhưng sau bên kia đòi nhiều hơn, dọa không giải quyết… Nhưng đa số là chưa xong việc, chứ tiền trao cháo múc rồi thì hiếm khi có việc tố cáo. Lúc đó cơ quan điều tra cũng chẳng có manh mối nào mà điều tra. Mấy vụ cán bộ thuế nhận hối lộ ở Hà Nội, thanh tra giao thông làm luật ở Hoà Bình, rồi cả vụ Lê Bảo Quốc, kinh nghiệm nghiệp vụ cho thấy người đưa chủ động tố giác, phối hợp với công an thì mới bắt quả tang được.

- Nhưng cũng sẽ có kẻ bẫy hối lộ để hại cán bộ?

- Dù cố tình bẫy hay ép bị đưa thì khi nhận được tố giác, cơ quan điều tra cũng phải làm rõ chứ không thể chỉ căn cứ vào tố cáo được. Hơn nữa, cán bộ nào mắc bẫy mà nhận tiền bạc thì bản chất hành vi đó cũng là nhận hối lộ, đều vi phạm tư cách công chức, nên không thể vì vậy mà thoái thác trách nhiệm.

- Một số đại biểu cũng thống nhất quan điểm với bà về miễn giảm trách nhiệm với người đưa hối lộ nhưng đã tố giác người nhận. Tại thời điểm này, theo bà quan điểm đó được Quốc hội đánh giá thế nào?

- Cá nhân tôi cho rằng xã hội rất thuận tình. Tham nhũng ở ta nghiêm trọng đến mức nghị quyết của Đảng coi đó là quốc nạn, là một trong bốn nguy cơ của chế độ. Nay muốn phát động phong trào tố giác chống tham nhũng thì phải có biện pháp khuyến khích, không chỉ với người ngoài mà kể cả những người liên quan đến vụ việc. Cán bộ, công chức nhũng nhiễu, dân buộc phải đưa hối lộ cho xong việc, lúc ức quá tố giác mà lại bị đi tù thì ai dám làm.

Hơn nữa, phát động tố giác tham nhũng là phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng. Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp và Nghị quyết 48 về chiến lược lập pháp đều yêu cầu hoàn thiện chính sách hình sự theo hướng nghiêm khắc hơn với kẻ lợi dụng chức vụ phạm tội, khoan dung với người ăn năn hối cải, có cơ chế bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng.

(Theo Pháp Luật TP HCM)