Những giấy tờ cần có trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng
Các Website khác - 13/10/2005
Hỏi: Ðề nghị báo cho biết, đối với nhà ở, công trình xây dựng được tạo lập từ trước ngày Nghị định số 95/2005/NÐ-CP có hiệu lực thi hành, thì phải có những giấy tờ gì trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình?
Trả lời: Theo Thông tư hướng dẫn số 13/2005/TT-BXD ngày 5-8-2005 của Bộ Xây dựng; đối với nhà ở, công trình xây dựng của cá nhân trong nước được tạo lập từ trước ngày Nghị định số 95/2005/NÐ-CP (ngày 15-7-2005) có hiệu lực thi hành; thì trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng, phải có bản sao một trong những giấy tờ sau đây:

a- Giấy phép xây dựng nhà ở, công trình xây dựng đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

b- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Ðiều 50 của Luật Ðất đai hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính đối với nhà ở, công trình xây dựng được xây dựng trước khi Luật Xây dựng có hiệu lực thi hành (ngày 1-7-2004);

c- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định số 61/CP ngày 5-7-1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở hoặc giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước từ trước ngày 5-7-1994;

d- Giấy tờ về giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết;

đ- Giấy tờ về sở hữu nhà ở, công trình xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ; giấy tờ về nhà đất do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ mà nhà đất đó không thuộc diện nhà nước xác lập sở hữu toàn dân theo quy định của Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26-11-2003 của Quốc hội khóa XI "về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1-7-1991", Nghị quyết Số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 2-4-2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội "quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1-7-1991";

e- Giấy tờ về mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở, công trình xây dựng đã có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND từ cấp xã trở lên; giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết vấn đề sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có hiệu lực pháp luật; trường hợp mua nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán thì phải có hợp đồng mua bán nhà ở đã được hai bên ký kết;

g- Trường hợp người đề nghị cấp giấy chứng nhận có một trong những giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e trên đây nhưng không đúng tên trong các giấy tờ đó thì trong đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận phải có xác nhận của UBND cấp xã về việc tạo lập nhà ở, công trình xây dựng do mua nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế hoặc thông qua các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

h- Trường hợp người đề nghị cấp giấy chứng nhận không có một trong những giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e trên đây thì phải có giấy tờ xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở, công trình xây dựng không có tranh chấp về sở hữu và được xây dựng trước khi có quy hoạch xây dựng đối với trường hợp đã có quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Luật gia Hoàng Bỉnh

--------------------------------------------

Trợ cấp tuất một lần

Hỏi: Ðề nghị cho biết những trường hợp nào người lao động chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần và mức trợ cấp là bao nhiêu?

Trả lời: Theo Ðiều 34, 35 Ðiều lệ BHXH thì người lao động đang làm việc; người lao động nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí; người lao động đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và người đang làm việc bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp chết mà không có thân nhân thuộc diện hưởng tiền tuất hằng tháng thì gia đình được nhận tiền tuất một lần.

Mức tiền tuất một lần đối với gia đình người lao động hoặc người lao động nghỉ việc chờ chế độ hưu trí chết, tính theo thời gian đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1/2 mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH theo quy định, nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Mức tiền tuất một lần đối với người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng chết thì tính theo thời gian đã hưởng lương hưu hoặc trợ cấp.

Nếu chết trong năm thứ nhất thì tính bằng 12 tháng lương hưu hoặc trợ cấp đang hưởng.

Nếu chết từ năm thứ hai trở đi mỗi năm giảm đi một tháng nhưng tối thiểu bằng ba tháng lương hưu hoặc trợ cấp.

Luật sư Kim Nga