Những tên sát thủ máu lạnh (Kỳ 4):Tình tiết bất ngờ
Các Website khác - 27/09/2008

Suốt mấy ngày tết không thấy Đặng Trần Nghĩa mò về gia đình. Một tổ trinh sát kiên trì lần tìm đối tượng nghi vấn trong lực lượng thanh niên xung phong cũng không có kết quả. Tại buổi giao ban hình sự đầu xuân với chỉ huy công an các quận huyện, trung tá Trịnh Thanh Thiệp nhắc tới món nợ chưa trả và thông báo đã xác định đối tượng gây án tên Đặng Trần Nghĩa, SN 1955, ngụ Đồng Nai, da ngăm đen, có vết thương ở bụng đã thành sẹo...

>> Gian nan truy tìm tên “Nghĩa”
>> Bi kịch “miền đất hứa” 
>> Vụ án ly kỳ và những kẻ giết người máu lạnh

maulanh1
Đồng chí Trịnh Thanh Thiệp - khắc tinh của bọn tội phạm hình sự

Đột nhiên đồng chí Ngụy Hiệp Bình - Phó trưởng CA quận 5 - đứng dậy bước lên bục đặt trước mặt Trịnh Thanh Thiệp một mảnh giấy. Trung tá liếc đọc và sững sờ khi thấy dòng chữ: “Tên tội phạm như anh mô tả đang nằm ở trại tạm giam CA quận 5”. Trịnh Thanh Thiệp lập tức cho cuộc họp giải lao và đi thẳng xuống chỗ Ngụy Hiệp Bình ngồi:

- Anh hãy nói rõ hơn!

- Báo cáo đồng chí Trưởng phòng, hắn đúng là Đặng Trần Nghĩa, nhà ở Biên Hòa, có vết sẹo ở bụng...

Trung tá Thiệp chợt gắt:

- Sao các anh không báo cáo ngay về trường hợp tên Nghĩa này?

Ngụy Hiệp Bình điềm tĩnh trình bày:

- Thưa anh, hắn bị bắt từ trước tết về tội cướp radio cassette trên đường An Dương Vương. Lúc đầu hắn khai tên Nguyễn Kiều và địa chỉ ma, sau tết mới có điều kiện xác minh làm rõ nên chưa kịp báo cáo. Trong trại giam có lần Nghĩa định tự tử bằng cách dùng mảnh chén vỡ rạch bụng nhưng được số can phạm chung phòng giật lấy vứt đi. Sau đó hắn lại mài mặt vào bờ tường làm vẹt một cánh mũi, anh em đưa đi cấp cứu thì hắn nhảy xuống đường chạy trốn, không may tông phải chiếc xe lam nên bị bắt lại.

Trịnh Thanh Thiệp mỉm cười:

- Không phải chán đời mà quyên sinh đâu, đó là mánh tự hành xác để được đi bệnh viện tìm cách bỏ trốn đấy. Thế hắn bị bắt cùng với ai?

- Đồng bọn của hắn gồm hai tên Nguyễn Khắc Lễ và Trần Văn Đồng ạ! - Ngụy Hiệp Bình trả lời.

Một lần nữa trung tá Trịnh Thanh Thiệp sững sờ. Anh lẩm bẩm: “Lễ - Nghĩa, hai tên cùng với Vương Minh Tuyết âm mưu cướp tàu VS1, lực lượng trinh sát đã tốn bao công sức kiếm tìm không ngờ chúng lại nằm ngay tại trại giam CA quận 5 từ trước tết”. Lộ rõ vẻ vui mừng, trung tá siết chặt tay đồng nghiệp:

- Anh cho di lý ngay cả ba tên về đây cho tôi nhé!

Kết thúc cuộc giao ban, Trịnh Thanh Thiệp phấn khởi thông báo việc đình nã đối tượng Đặng Trần Nghĩa. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, ba tên Lễ - Nghĩa - Đồng được chuyển giao cho Phòng CSHS. Vạch bụng Nghĩa ra xem, trung tá Thiệp yên tâm rồi nhìn thẳng vào mắt hắn:

- Hôm 26-11-1979 anh tới thăm nhà ông Cầu kiểu gì mà gia đình họ bị giết sạch thế?

Mắt Nghĩa chợt cụp xuống. Hai tên Lễ - Đồng cũng lấm lét nhìn nhau, mặt biến sắc. Linh cảm nghề nghiệp cho thấy không còn nghi ngờ gì nữa, Trịnh Thanh Thiệp yêu cầu bộ phận pháp chế khẩn trương đấu tranh, khai thác đối tượng, riêng anh tranh thủ nghiên cứu hồ sơ để tìm đối sách.

Đấu Trí

Nguyễn Khắc Lễ còn có các tên khác là Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thanh Hùng, SN 1949 tại Vĩnh Phú (cũ), theo cha mẹ di cư vào Nam từ 1954. Năm 1968, Lễ đi lính dù, cấp bậc binh nhì. Tháng 5-1969 gã bị Tòa án quân sự ngụy vùng 3 chiến thuật xử 2 năm tù về tội cướp, đến tháng 12-1970 được trở lại đơn vị.

Tháng 6-1971 Lễ lại bị chế độ cũ bắt về tội cướp có vũ trang, án phạt 5 năm, giam tại Chí Hòa sau đó bị đày ra Côn Đảo. Tháng 2-1976, được tha về địa phương (xã Trảng Bom, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) nhưng gã lại bỏ lên Sài Gòn sống lang thang và hoạt động phạm pháp. Trần Văn Đồng (SN 1958) tại Lâm Đồng, là công nhân công ty xe khách TPHCM, tá túc tại nhà chị ruột ở quận Tân Bình...

Từ bé đến lớn, Nguyễn Khắc Lễ liên tục bị bắt, chụp ảnh lập hồ sơ

Đọc những dòng nhân thân đối tượng, Trịnh Thanh Thiệp nhận định việc xét hỏi hai tên Nghĩa - Lễ không đơn giản. Quả nhiên suốt một tuần đấu tranh, chúng lỳ lợm không chịu khai báo mà chỉ nhận duy nhất vụ cướp radio cassette bị bắt quả tang. Tại trại giam Chí Hòa chúng luôn tìm cách bỏ trốn. Bằng biện pháp nghiệp vụ đặc biệt, các cán bộ chấp pháp xác định cả ba tên Đồng - Lễ - Nghĩa đã gây ra vụ án nhà ông Cầu, do chỗ thân tình nên Nghĩa không ra tay giết người; cướp được 1.600USD thì Lễ lấy 600USD, hai tên kia mỗi đứa 500USD nhưng sau đó Lễ sai Nghĩa đòi lại Đồng 200USD đưa cho Lễ...

Anh Lê Hữu Thọ được mời nhận diện ba thanh niên ăn cơm trong gia đình ông Cầu trưa hôm xảy ra vụ án. Vừa trông thấy anh, tên Lễ đã vung chiếc còng trên tay đập mạnh vào trán làm máu trào xuống mặt nên không nhận diện được, riêng hai tên Nghĩa - Đồng anh Thọ xác nhận “có giống”. Trước những tên lưu manh chuyên nghiệp, xảo quyệt, trung tá Thiệp và Đội phó Thịnh nhiều lần trao đổi về chiến thuật hạ gục đối tượng. Hai anh suy nghĩ nhiều đến tâm lý tội phạm.

Nguyễn Khắc Lễ có hai người vợ, cô đầu ở với nhau đã lâu nhưng chưa có con, cô sau đang mang thai, nếu được gặp người sắp sửa sinh cho đứa con nối dõi, hẳn gã sẽ rất vui mừng. Đặng Trần Nghĩa không trực tiếp ra tay gây tội ác nên có thể đột phá từ mắt xích này. Kế hoạch xét hỏi từng tên được xây dựng tỉ mỉ, trước mắt không đả động đến vụ án nhà bà Phụng...

Lễ - Nghĩa cùng được dẫn ra phòng hỏi cung. Trịnh Thanh Thiệp phủ đầu:

- Gây án ở quận 5 mà phải giam ở Chí Hòa, chắc các anh biết tội không chỉ là cướp chiếc cassette! Tại đây không có cơ hội vượt ngục đâu, hai anh có nghe ai đã trốn được từ khám Chí Hòa chưa? Đừng giở trò rạch bụng, vô ích vì ở đây có đủ điều kiện chữa trị chứ không cần phải tới bệnh viện.

Dứt lời trung tá Thiệp ra lệnh đưa Lễ trở lại buồng giam, tiếp tục đấu trí với Nghĩa. Thấy hắn nhìn số phạm nhân đang nhổ cỏ, trồng rau bên ngoài bằng ánh mắt thèm thuồng, trung tá hiểu hắn rất muốn được đi lao động để tìm cách trốn trại, và như vậy nếu điểm đúng huyệt hắn sẽ khai báo, hy vọng được lơi lỏng trong giam giữ. Giọng Trịnh Thanh Thiệp ôn tồn:

- Chúng tôi biết anh còn nghĩ đến mối thâm tình với gia đình ông Cầu nên né tránh việc giết người, đúng không? Nhưng có điều tôi thắc mắc là nghe nói luật giang hồ của các anh sòng phẳng lắm, sao có chuyện sau khi đã ăn chia xong anh lại bắt tên Đồng phải nhả ra 200USD như Lễ khai báo?

- Không đúng! Nó...

Nghĩa gân cổ cãi nhưng chợt nhận ra đã lỡ miệng nên dừng lại, buông tiếng chửi thề “mẹ kiếp” rồi nghiến răng trèo trẹo. Trung tá Thiệp hỏi dồn:

- Vậy thực hư như thế nào? Anh hay Lễ lấy?

Nghĩa thở dài, mắt vằn lên những tia máu:

- Nó bảo tôi đòi lại của thằng Đồng 200USD để nó đủ tiền đóng suất vượt biên!

Đốt cho Nghĩa điếu thuốc và đẩy xấp giấy sang phía gã, Trịnh Thanh Thiệp nhẹ nhàng:

- Hãy khai cho chính xác! Sẽ có lúc anh được đối chất với Lễ...

Đến đây thì Lễ - Đồng không thể ngoan cố được nữa. Biết cái giá phải trả, chúng khai tuốt tuột cả vụ án nhà bà Phụng. Các chiến sĩ công an rùng mình khi tội ác được tái hiện, những kẻ sát nhân xuống tay rất tàn độc...
 

(Còn tiếp)

Theo Trọng Đạt
conganthanhpho