Hỏi: Tôi đã được cấp visa đi Pháp thăm thân nhân nhưng khi làm thủ tục tại sân bay thì tôi không được xuất cảnh vì đang là bị đơn trong một vụ án dân sự mà Tòa án quận nơi tôi ở sắp đưa ra xét xử. Xin hỏi việc không cho tôi xuất cảnh có đúng không? Nếu tôi không được đi, hết thời gian cấp visa tôi phải làm sao?
Trả lời: Trường hợp của bạn là chưa được phép xuất cảnh chứ không phải là không được phép xuất cảnh. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì công dân Việt Nam chưa được phép xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang có nghĩa vụ thi hành bản án hình sự hoặc đang bị cơ quan điều tra yêu cầu chưa cho xuất cảnh hoặc chưa cấp hộ chiếu để phục vụ công tác điều tra tội phạm.
- Người đang có nghĩa vụ thi hành bản án; chờ để giải quyết các tranh chấp về dân sự, kinh tế, hành chính; chờ thi hành quyết định xử phạt hành chính; đang có nghĩa vụ nộp thuế hoặc các nghĩa vụ tài chính khác, trừ các trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản, bảo lãnh bằng tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.
- Người đã vi phạm quy chế xuất nhập cảnh bị xử phạt từ cảnh cáo hành chính trở lên thì chưa được xuất cảnh trong thời gian từ 1 - 5 năm tính từ ngày bị xử lý vi phạm.
- Người bị nước ngoài trục xuất vì vi phạm pháp luật của nước sở tại, nếu hành vi đó là nghiêm trọng, có hại cho lợi ích và uy tín của Việt Nam thì chưa được xuất cảnh trong thời gian 1 - 5 năm, tính từ ngày trở về Việt Nam.
- Người mà Bộ Y tế đề nghị chưa cho xuất cảnh vì lý do y tế.
- Các trường hợp khác vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Như vậy, việc bạn chưa được xuất cảnh là đúng pháp luật. Sau khi tòa xét xử xong, nếu visa hết hạn bạn phải liên hệ với lãnh sự quán để xin cấp visa mới.
.....................................................
Thủ tục đăng ký nhận con nuôi và khai sinh cho trẻ được nhận nuôi
Hỏi: Vợ chồng tôi nhận nuôi một cháu bé khi cháu mới sinh được một ngày tuổi. Giấy tờ kèm theo gồm có: giấy viết tay của mẹ cháu tự nguyện cho con, có chứng thực của bệnh viện; giấy chứng sinh. Đề nghị cho biết thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi và đăng ký khai sinh cho trẻ được nhận nuôi?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10-10-1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch, để đăng ký nhận nuôi con nuôi, người nhận nuôi phải nộp đơn xin nhận nuôi con nuôi, giấy thỏa thuận về việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi của cha, mẹ đẻ, người giám hộ, cơ sở y tế hoặc cơ sở nuôi dưỡng trẻ. Ngoài ra, còn phải xuất trình Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu gia đình của người nhận nuôi con nuôi và Giấy khai sinh của người được nhận làm con nuôi. UBND phường nơi cư trú của người nhận nuôi con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký nhận nuôi con nuôi.
Đơn xin nhận nuôi con nuôi phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi người nhận nuôi công tác (đối với cán bộ, công chức, người lao động, lực lượng vũ trang nhân dân), hoặc UBND cấp xã, phường nơi cư trú (những người không nằm trong biên chế Nhà nước) về tư cách đạo đức, đủ điều kiện để nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về Hôn nhân và gia đình. Người xin nhận nuôi con nuôi phải cam kết về việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nếu người nhận nuôi đã có vợ, có chồng thì phải có cam kết và chữ ký của cả vợ và chồng.
Trường hợp cháu bé chưa được khai sinh thì trước khi đăng ký việc nhận nuôi con nuôi phải đăng ký khai sinh cho cháu.
Theo Điều 17 Nghị định 83/1998/NĐ-CP quy định thẩm quyền đăng ký khai sinh, việc đăng ký khai sinh được thực hiện tại UBND cấp xã, phường nơi người mẹ có hộ khẩu thường trú, hoặc nơi trẻ sinh ra.
Khi khai sinh cho trẻ, người đi khai sinh phải nộp biên bản xác nhận tình trạng trẻ sơ sinh được nhận làm con nuôi (lý do trẻ chưa khai sinh) và xuất trình Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế. Người được công nhận là cha, mẹ nuôi được ghi tên vào phần khai về cha, mẹ trong Giấy khai sinh của con nuôi, nhưng phần ghi chú trong Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “cha, mẹ nuôi”. Nội dung ghi chú này được đảm bảo bí mật tuyệt đối, chỉ những người có thẩm quyền mới có quyền khai thác và sử dụng thông tin này.
.....................................................
Quy định về việc chấp hành hình phạt đối với người chưa thành niên
Hỏi: Con tôi chấp hành án tù được gần một năm, mấy lần vào thăm cháu tôi được cán bộ trại giam nói là ở trong trại cháu có nhiều tiến bộ. Xin hỏi nếu cháu chịu khó cải tạo tốt có được giảm hình phạt tù không? Pháp luật quy định như thế nào về việc giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt đối với người chưa thành niên ?
Trả lời: Theo điều 309 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 về việc chấm dứt việc chấp hành biện pháp tư pháp, giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt, thì người chưa thành niên bị kết án có thể được giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt khi có đủ điều kiện quy định tại điều 76 Bộ luật Hình sự năm 1999. Cụ thể:
- Đối với người chưa thành niên bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu có đủ các điều kiện sau đây thì được Tòa án xét giảm: Người chưa thành niên bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đã chấp hành được một phần tư thời hạn của hình phạt do Tòa án quyết định; Trong quá trình chấp hành hình phạt, người chưa thành niên bị kết án đã có nhiều tiến bộ.
Tuy nhiên riêng đối với hình phạt tù thì mỗi lần có thể giảm đến bốn năm nhưng phải đảm bảo sao cho người bị kết án chưa thành niên phải thực sự chấp hành hình phạt ít nhất là hai phần năm mức hình phạt mà Tòa án đã tuyên.
Trong trường hợp người chưa thành niên bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù mà lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì được Tòa án xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành hình phạt còn lại.
- Đối với người chưa thành niên bị phạt tiền, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì có thể được Tòa án xem xét quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại: Người chưa thành niên bị phạt tiền lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra; Người chưa thành niên bị phạt tiền lập công lớn.
Tuy nhiên về mặt thủ tục thì để Tòa án xem xét, quyết định việc giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền còn lại đối với người chưa thành niên phải có đề nghị của Viện trưởng Viện KSND.
.....................................................
Công dân không có quyền giữ người trái pháp luật
Hỏi: Chồng tôi và bạn hàng đã làm ăn buôn bán mặt hàng vải lụa được hai năm. Hai bên thỏa thuận theo phương thức: Giao hàng - tiêu thụ xong - thanh toán tiền, không có gì vướng mắc cả. Nhưng sang năm nay, phía đối tác lại đơn phương đòi phải trả toàn bộ tiền ngay khi giao hàng. Khi chồng tôi trình bày chưa có đủ tiền thanh toán, thì đối tác đã giữ chồng tôi tại nhà ông ta một tuần, không cho về. Vậy ông ta có được phép tự ý giữ chồng tôi không?
Trả lời: Việc mua bán hàng hóa giữa hai bên theo phương thức giao hàng - tiêu thụ xong - thanh toán tiền là thỏa thuận tự nguyện và không trái pháp luật. Nếu một trong hai bên muốn thay đổi phương thức trên, bằng việc đòi thanh toán tiền ngay, thì hai bên phải thương lượng lại.Nếu nhất trí thì làm, không nhất trí thì vẫn phải tuân theo phương thức đã thỏa thuận từ trước. Không bên nào được ép buộc bên nào. Về bản chất, quan hệ đó là dân sự.
Việc bạn hàng tự ý giữ chồng bạn tại nhà ông ta dù với bất kỳ động cơ, mục đích nào thì vẫn là hành vi vi phạm pháp luật: Bắt giữ người trái pháp luật, tước quyền tự do đi lại hợp pháp của họ.
Bộ luật Hình sự quy định tại khoản 1, Điều 123 như sau: "Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 2 tháng đến 3 năm".
Theo chúng tôi, sai phạm này thuộc dạng do ít hiểu biết pháp luật, nên tốt nhất hai bên nên hòa giải với nhau theo hướng: Bên sai phạm xin lỗi và trả tự do ngay cho chồng bạn, còn chồng bạn thì ký giấy cam kết thanh toán nốt số tiền còn nợ vào thời điểm hai bên thỏa thuận. Trường hợp bên sai phạm vẫn tiếp tục giữ chồng bạn thì bạn có quyền tố cáo hành vi phạm pháp nói trên đến cơ quan công an và viện KSND. Chắc chắn, cơ quan pháp luật sẽ căn cứ vào Bộ luật Hình sự trừng phạt kẻ có hành vi bắt giữ người trái pháp luật và buộc bên sai phạm phải bồi thường cho người bị hại về sự tổn hao sức khỏe và tinh thần trong thời gian bị bắt giữ trái phép.
|