* Thưa Thiếu tướng, chuyên án 853T được dư luận nhân dân cả nước quan tâm và đánh giá cao chiến công của Công an Phú Thọ. Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao không để Công an Phú Thọ tiếp tục điều tra?
- Thực chất chuyên án 853T do Cơ quan CSĐT của Bộ Công an, trực tiếp là Cục C17 phát hiện và xây dựng ban đầu. Sau khi bắt quả tang Kim Văn Phương đang vận chuyển ma túy qua địa bàn Phú Thọ, Bộ Công an nhận thấy Công an Phú Thọ có những thuận lợi và có thể đáp ứng hoạt động điều tra, nên đã giao cho Công an Phú Thọ thụ lý tố tụng ngay từ đầu. Thời điểm ấy, địa bàn này còn ít hoạt động tội phạm ma túy, có điều kiện giam giữ, cách ly tội phạm, và lực lượng điều tra cũng dày dạn kinh nghiệm.
Trong giai đoạn 2, Bộ Công an và Viện KSND tối cao thống nhất giao cho C17 thụ lý vụ án này để điều tra tiếp. Giai đoạn 2 bộc lộ những dấu hiệu phức tạp, cần được đánh giá, điều tra, xử lý một cách khách quan, công minh và triệt để. Dư luận đòi hỏi việc này rất cao. Đây là lúc cần có đủ điều kiện để sau này có thể xét xử đúng người, đúng tội, nên chuyển cho cấp Bộ xử lý là phù hợp.
* Giai đoạn 2 của chuyên án 853T có những đặc điểm gì khác giai đoạn 1?
- Giai đoạn 2 cũng sẽ có nhiều đối tượng bị xử lý, song đáng chú ý là một số đối tượng có dấu hiệu hoạt động sản xuất ma túy và rửa tiền. Thời kỳ những năm 1993-1994, lượng thuốc phiện còn tương đối dồi dào, nhất là ở vùng Tây Bắc. Bắt đầu có những đối tượng sản xuất heroin từ thuốc phiện, đầu sỏ là Đặng Văn Ấu, Nghiêm Đình Bồng, Trịnh Nguyên Thủy, Nguyễn Đức Đằng có nhiều thủ đoạn tinh vi. Sau này, chúng có dấu hiệu hoạt động rửa tiền, bằng cách đầu tư vào các doanh nghiệp, các dự án… Tài sản hiện có của Trịnh Nguyên Thủy được hình thành bằng hoạt động vận chuyển, buôn bán ma túy trước đây. Chúng ta đã biết, Thủy lập doanh nghiệp (nhà hàng Sơn Thủy và một số doanh nghiệp khác) hoạt động công khai!
* Thiếu tướng đánh giá thế nào về vai trò của các cơ quan tố tụng Phú Thọ trong chuyên án này?
- Thời gian qua, các cơ quan tố tụng của tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành trách nhiệm nặng nề được giao, đặc biệt là đã đưa được 22 bị cáo ra xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, có thể thấy Phú Thọ đã hơi bị quá tải khi giam giữ số lượng lớn các bị can, bị cáo của vụ án này. Nói lên điều này không phải là phủ nhận khả năng của Phú Thọ, vấn đề ở chỗ là tỉnh này đã làm hết trách nhiệm trong chuyên án 853T.
Nay Bộ Công an thụ lý vụ này, sẽ có điều kiện hơn trong phối hợp, chỉ đạo trực tiếp từ các cơ quan tư pháp ở Trung ương, không qua trung gian nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho Phú Thọ sau khi các cơ quan tố tụng tỉnh này đã hoàn thành trách nhiệm ở phần đầu.
* Nếu phát hiện ra đối tượng liên quan đến vụ án nằm ngay trong lực lượng vũ trang, quan điểm của lãnh đạo Tổng cục là phải xử lý như thế nào, thưa ông?
- Tôi xin nói rõ, bất kể cán bộ thuộc lực lượng công an hay ngành nào khác, hoặc những cán bộ có chức vụ ở bất kể cấp nào, nếu phát hiện dính líu đến vụ án, đều phải được đưa ra trước ánh sáng pháp luật. Hiện chưa phát hiện một dấu hiệu nào của người trong lực lượng vũ trang có liên quan với tội phạm vụ án này.
* Các cán bộ, chiến sĩ tham gia phá án, nhất là lực lượng thuộc C17 hiện nay, có phải chịu một “áp lực” nào không?
- Lực lượng đang thụ lý điều tra tiếp vụ án, hiện không hề phải chịu áp lực nào từ phía bên ngoài hoặc từ phía cấp trên. Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát chỉ mong rằng cán bộ C17 phát huy hết bản lĩnh và trách nhiệm, kiên trì và mưu trí để tiến hành điều tra cho ra kết quả tốt nhất.
* Ông có tin rằng sẽ bắt được tên “trùm” Nguyễn Đức Đằng?
- Những tên tội phạm bị truy nã thuộc loại “cộm cán” như thế này, dù lẩn trốn vẫn bị sa lưới pháp luật, không thoát được đâu. Sớm muộn thì hắn sẽ bị trừng trị. Nhưng thời gian thì… còn phải chờ đợi.
* Xin cảm ơn Thiếu tướng.
|