Bộ Y tế đang xin ý kiến góp ý vào Đề cương dự án Luật Chuyển đổi giới tính và Báo cáo đánh giá tác động của dự án này.
Theo đó, để đạt được mục tiêu tạo hành lang pháp lý cho những người có mong muốn chuyển đổi giới tính thực hiện quyền chuyển đổi giới tính của mình, dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính tập trung vào 3 nhóm chính sách lớn bao gồm: 1-Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; 2-Điều kiện thực hiện can thiệp y học về chuyển đổi giới tính; 3-Công nhận sau chuyển đổi giới tính. Mỗi nhóm chính sách bao gồm các chính sách cụ thể tương ứng với các giải pháp cụ thể được đưa ra.
![]() |
Người chuyển giới tại Việt Nam |
Theo Bộ Y tế, để hợp pháp hóa việc thay đổi tên và giới tính trên giấy tờ, người chuyển đổi giới tính có bắt buộc phải thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính hay không? Đây là câu hỏi được đặt ra đối với mỗi quốc gia khi cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính.
Hiện nay có 3 trường hợp phổ biến bao gồm: Người có mong muốn chuyển đổi giới tính phải có can thiệp về y tế là đã sử dụng hoóc môn liên tục trong một thời gian liên tục nhất định; Người có mong muốn chuyển đổi giới tính phải có can thiệp về y tế là đã có thời gian sử dụng hoóc môn và đã trải qua phẫu thuật ngực hoặc phẫu thuật bộ phận sinh dục hoặc đã phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục; Người có mong muốn chuyển đổi giới tính không cần có can thiệp về y tế mà chỉ cần nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền (có thể là cơ quan tư pháp) ghi rõ nguyện vọng là có mong muốn được xác nhận là người chuyển đổi giới tính cùng Bản xác nhận có mong muốn chuyển đổi giới tính của chuyên gia tư vấn tâm lý.
Với mỗi trường hợp thì đều có những mặt tích cực và hạn chế nhất định.
Trên thế giới hiện nay có 66 quốc gia cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính, trong đó 19/38 quốc gia ở Châu Âu yêu cầu người có mong muốn được công nhận chuyển đổi giới tính phải trải qua phẫu thuật, sau đó mới được công nhận về mặt giấy tờ nhân thân; Ở châu Á chỉ có một số quốc gia đưa ra điều kiện bắt buộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính để được công nhận như: Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Phillipines..
Tuy nhiên, do không phải người nào có mong muốn chuyển đổi giới tính cũng đủ điều kiện kinh tế để chi trả cho phẫu thuật hoặc bảo đảm về sức khỏe, hay lòng can đảm để trải qua các cuộc phẫu thuật với các nguy cơ xấu có thể xảy ra, nên việc yêu cầu phải trải qua phẫu thuật mới cho phép thay đổi giấy tờ về nhân thân sẽ hạn chế số người có mong muốn được chuyển đổi giới tính được công nhận giới tính mới. Một số nước cho phép công nhận giới tính mới mà không phải trải qua phẫu thuật như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nam Phi, Israel, Đức, Malta… …
Ở Việt Nam, do chưa cho phép chuyển đổi giới tính nên hầu hết những người có mong muốn chuyển đổi giới tính phải đi nước ngoài thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính như Thái Lan, Hàn Quốc...
Việc quy định yêu cầu bắt buộc phải phẫu thuật chuyển đổi giới tính để được công nhận là người chuyển đổi giới tính khiến người chuyển đổi giới tính có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ. Đồng thời, để thực hiện được phẫu thuật chuyển đổi giới tính không phải người mong muốn chuyển đổi giới tính nào cũng có đủ sức khỏe và tài chính để thực hiện. Việc bắt buộc phải phẫu thuật chuyển đổi giới tính một phần hay toàn bộ để được công nhận cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế trong bảo đảm quyền con người và pháp luật của các nước hiện đại về chuyển đổi giới tính.
Tuy nhiên, kỹ thuật phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục là kỹ thuật chuyên môn cao, độ rủi ro lớn và các bước để thực hiện nó lại thường rất lâu dài. Điều này đặc biệt đúng đối với người chuyển giới nam vì phẫu thuật tạo hình bộ phận sinh dục nam bao gồm rất nhiều các bước phẫu thuật, mức độ khó của kỹ thuật và hậu phẫu khiến cho chỉ một số rất ít trong người chuyển giới nam có thể có những phẫu thuật như vậy.
Bên cạnh đó, chi phí để thực hiện một ca phẫu thuật ngực hay phẫu thuật bộ phận sinh dục là khá lớn khoảng từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Khi thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và làm giảm tuổi thọ đi so với người bình thường.
Ngoài ra, không phải tất cả những người muốn chuyển đổi giới tính đều mong muốn thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính, đặc biệt đối với trường hợp chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam.
Để tạo điều kiện cho người mong muốn chuyển đổi giới tính được sống đúng với giới tính mà mình mong muốn, đồng thời việc thực hiện chuyển đổi giới tính nhưng phải trên cơ sở suy nghĩ thấu đáo, không ảnh hưởng đến xã hội và không gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Y tế đưa ra 3 giải pháp để giải quyết vấn đề.
Giải pháp 1 là cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hoóc môn trong một thời gian liên tục (khoảng 2 năm trở lên) thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính;
Giải pháp 2 là cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hoóc môn trong một thời gian liên tục (khoảng 01 năm) hoặc đã trải qua phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hoặc bộ phận sinh dục) hoặc toàn bộ (phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục) được công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Giải pháp 3 là không có can thiệp về y tế (sử dụng hoóc môn hoặc phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục) mà chỉ chỉ cần có Bản xác nhận là đã kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) và được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Mỗi giải pháp đều có những tác động tích cực và tiêu cực đến chính sách, hệ thống pháp luật, thủ tục hành chính và chính bản thân người chuyển đổi giới tính. Chính vì vậy cần nghiên cứu, tham khảo các ý kiến để chọn được giải pháp thích đáng nhất.
▪ Bảo đảm quyền của người chuyển đổi giới tính (18/10/2017)
▪ Dự thảo quy định việc phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng (09/10/2017)
▪ Phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng còn nhiều vướng mắc (05/10/2017)
▪ Đi tìm sự thật từ những dấu vết (04/10/2017)
▪ Từ 1/10, bắt buộc cảnh báo nội dung không phù hợp trẻ em trên báo chí (02/10/2017)
▪ Sẽ sửa đổi Luật Phòng, chống HIV/AIDS…để chấm dứt đại dịch HIV (29/09/2017)
▪ Quy định điều kiện về ANTT đối với nghành, nghề kinh doanh có điều kiện (28/09/2017)
▪ Xe ô tô gắn biển xanh giả tàng trữ ma túy (25/09/2017)
▪ Dự thảo hướng dẫn thực hiện BHYT với người nhiễm HIV/AIDS (22/09/2017)
▪ ‘Nhân viên tự nhận chủ động kích dục chứ chủ không ép’ (11/09/2017)