Nóng bỏng chuyện đất đai, quy hoạch
Các Website khác - 23/02/2006

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh:
Nóng bỏng chuyện đất đai, quy hoạch

Ngày 22.2, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TPHCM và sở, ngành, để lắng nghe những cái khó về vấn đề quy hoạch, giải toả đền bù, thị trường bất động sản nguội lạnh và các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Luật Đất đai...

Theo ông Nguyễn Văn Đua - Phó Chủ tịch UBND TP thì quy hoạch (QH) đang là vướng mắc lớn nhất để phát triển kinh tế - xã hội của TP. Vấn đề xây dựng tự phát, trái phép còn rất nhiều. QH giao thông, QH công nghiệp, QH thương mại cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam chưa được chú trọng, khiến cho QH của thành phố còn gặp nhiều vướng mắc. Ông Trương Quang Được - Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng QH sử dụng đất không phải là "đóng chốt", mà phải nhìn xa hơn khoảng thời gian 20-30 năm.

TP đã giao cho Viện Kinh tế nghiên cứu lập quỹ hỗ trợ hậu đền bù giải toả để lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án... Mặc dù vậy, trên thực tế, vấn đề này vẫn đang là một trong những việc "nóng" của thành phố. Đề cập về Luật Đất đai, tiến sĩ Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế kiến nghị, nên nghiên cứu để phân loại thuế đối với từng loại nhà ở như biệt thự, nhà phố, chung cư, chứ không nên đóng thuế theo kiểu "cào bằng" hiện nay.

Ông Nguyễn Ngọc Trân - Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội - cho rằng: "Cần phải áp dụng phương thức bán đấu giá dự án sau khi Nhà nước xây dựng hạ tầng. Các doanh nghiệp (DN) địa ốc có thể tham gia đấu giá dự án, sau đó chỉ kinh doanh phần xây nhà trên đất thôi, chứ không thể giao cho DN tự đi mua đất của dân rồi kinh doanh. Singapore, Trung Quốc đã áp dụng phương thức này từ lâu và rất hiệu quả. Nếu mở ra cho DN phân lô bán nền thì tình trạng biến đất nông nghiệp thành đất hoang sẽ tiếp diễn".

Chủ tịch Lê Thanh Hải kiến nghị với Đoàn giám sát của Quốc hội sớm có nghiên cứu hoặc đề xuất phải có cơ chế tài chính cho các DN địa ốc hiện nay. Theo ông Hải, TPHCM có khoảng 4.000 DN đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực địa ốc, nhưng đa số nguồn vốn rất yếu. Sắp tới, khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này, họ có nguồn vốn mạnh thì sẽ rất khó khăn cho DN trong nước. Ông Lê Thanh Hải cho biết thêm, hiện tại ngân hàng đang rất lo lắng, dư nợ cho vay để đầu tư vào địa ốc đã lên đến 29.000 tỉ đồng. Trong khi đó, thị trường nhà đất nguội lạnh, các dự án ngừng trệ.

Thái Dương