Phải công khai, minh bạch trong việc bán nhà
Các Website khác - 15/08/2005
Dự thảo Luật Nhà ở vừa được Ban soạn thảo trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 6. Ông Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Xây dựng, cho biết về một số nội dung của dự luật này.
* Thưa ông, trong Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI vừa qua, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ nhà ở thương mại là đối tượng tham gia thị trường bất động sản, còn nhà ở xã hội là để phục vụ chính sách xã hội. Vì sao trong Dự thảo Luật lần này vẫn không có sự điều chỉnh?

- Thực ra, Dự thảo Luật lần trước đã quy định cụ thể việc phát triển nhà ở thương mại là nhằm bán và cho thuê theo nhu cầu thị trường. Như vậy, nhà ở thương mại được hiểu là đối tượng tham gia thị trường bất động sản rồi. Hơn nữa, Dự thảo cũng quy định giá mua bán, giá cho thuê và phương thức thanh toán đối với nhà ở thương mại đều do các bên thỏa thuận.

Còn với nhà ở xã hội, do xuất phát từ mục đích chính là phục vụ cho các đối tượng thu nhập thấp nên Nhà nước phải có trách nhiệm đầu tư phần lớn vốn để xây dựng quỹ nhà ở này. Theo đó, đối tượng, giá cả và việc quản lý vận hành nhà ở xã hội được thực hiện theo một quy tắc chặt chẽ, với những điều kiện cụ thể do Nhà nước quy định.

* Còn đối với đề nghị bổ sung quy định về việc mua nhà trả góp đối với quỹ nhà ở xã hội thì sao, thưa ông?

- Theo tôi, quỹ nhà ở xã hội là quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, do Nhà nước đầu tư vốn để giải quyết nhà ở cho đối tượng là người thu nhập thấp, không nhằm mục đích kinh doanh, do vậy, phải được quản lý chặt chẽ. Nếu cho phép bán trả góp thì sẽ rất khó cho công tác quản lý, dễ dẫn đến việc mua đi, bán lại và không đạt mục đích là tạo điều kiện cho các cán bộ, công chức, những người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở cải thiện chỗ ở. Vì thế, không nên quy định việc bán trả góp nhà ở xã hội.

* Trong khi các cá nhân phát triển nhà ở riêng lẻ phải có nghĩa vụ đóng góp kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng thì Dự thảo Luật lại không quy định các doanh nghiệp phát triển nhà ở thương mại cũng phải thực hiện nghĩa vụ này. Vì sao vậy, thưa ông?

- Tôi cho rằng, các doanh nghiệp khi tham gia phát triển nhà ở thương mại đều phải thực hiện theo dự án và trong dự án được duyệt đã tính đến yếu tố đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, như hệ thống giao thông, cấp thoát nước, hệ thống điện, trường học, trạm xá, bưu điện... Hơn nữa, các doanh nghiệp này còn có nghĩa vụ nộp các khoản thuế theo quy định. Do vậy không nên quy định thêm nghĩa vụ phải đóng kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp như đối với hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở.

* Còn những quy định về trách nhiệm doanh nghiệp phải công khai, minh bạch trong việc bán nhà ở?

- Trên thực tế, đã có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà ở thực hiện các yêu cầu này, tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không tốt những nội dung trên. Vì vậy, Dự thảo Luật đã quy đinh rõ, các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh nhà ở phải có trách nhiệm công khai, minh bạch quy hoạch chi tiết của dự án, số lượng nhà bán, cho thuê; số lượng nhà đã bán, cho thuê; số lượng nhà còn lại, giá bán, giá cho thuê; phương thức thanh toán; thủ tục đăng ký mua, thuê nhà ở, điều kiện được mua, thuê... tại trụ sở ban quản lý dự án, địa điểm có dự án và trên phương tiện thông tin đại chúng.

* Ý kiến của ông ra sao về đề nghị cần quy định cụ thể loại nhà nào phải đấu giá quyền sở hữu, đặc biệt là đối với nhà ở thương mại?

- Tôi cho rằng, nhà ở thương mại là đối tượng tham gia vào thị trường bất động sản, nên phải tuân thủ cơ chế thị trường, chịu sự điều tiết của thị trường về cung cầu, giá cả... Việc mua bán nhà ở được thực hiện theo thỏa thuận của hai bên; tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được quyền quyết định về giá bán, phương thức bán, cho thuê nhà ở. Hơn nữa, nếu quy định bắt buộc phải đấu giá quyền sở hữu nhà ở sẽ dẫn đến tình trạng làm tăng giá nhà ở, vốn đã rất cao hiện nay, vì thế, người thu nhập trung bình sẽ khó có điều kiện mua, thuê nhà ở.

Theo Đầu tư