Phát hiện một vụ dùng thẻ tín dụng giả rút 800 triệu đồng
Các Website khác - 27/12/2005
Người sử dụng thẻ cần hết sức
cảnh giác khi nhận được e-mail
yêu cầu cung cấp thông tin thẻ.
Với việc dùng 30 thẻ tín dụng giả, Nguyễn Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần giải trí RC (ở tại quận Đống Đa, Hà Nội) đã đến nhiều điểm rút tiền tự động của một số ngân hàng lớn quanh hồ Hoàn Kiếm và khu vực Thành Công, Giảng Võ để rút trót lọt 800 triệu đồng.

Từ ngày 18 đến 20-12, Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã tiến hành theo dõi một số hoạt động bất minh của đối tượng Nguyễn Anh Tuấn, hộ khẩu thường trú ở 42 đường Lý Tự Trọng, phường Bắc Hà, thị xã Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh; tạm trú ở phòng 106-D2, khu tập thể Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội; là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giải trí RC (văn phòng tại 3/232 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội).

Trong suốt ba ngày theo dõi liên tục, các trinh sát của công an quận Đống Đa đã phát hiện Nguyễn Anh Tuấn thường xuyên sử dụng nhiều thẻ tín dụng, tới một số điểm rút tiền tự động của một số ngân hàng (NH) lớn trên địa bàn Hà Nội, trong đó có Vietcombank, để rút tiền. Qua xác minh, cơ quan công an phát hiện số thẻ tín dụng mà Nguyễn Anh Tuấn dùng để rút tiền được làm giả một cách rất tinh vi. Ngày 20-12, cơ quan công an đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp và khám xét nơi ở, nơi làm việc của đối tượng này, thu giữ 25 thẻ tín dụng giả, một máy tính xách tay, một đầu ghi dữ liệu, một số hóa đơn rút tiền tự động và 96 triệu đồng tiền mặt.

Bước đầu, Nguyễn Anh Tuấn khai đã mua được qua internet từ nước ngoài một đầu máy ghi thẻ từ và mẫu thẻ nhựa trắng (để làm thẻ giả). Tuấn lập một trang web giả danh là một tổ chức trung gian của một số NH lớn của nước ngoài có nhiệm vụ "bảo mật các thông tin trên thẻ tín dụng", sau đó gửi thông báo tới một số chủ thẻ tín dụng người nước ngoài (Mỹ và Anh) yêu cầu các chủ thẻ này gửi thông tin của họ vào trang web của Tuấn rồi sử dụng các dữ liệu đó để làm thẻ tín dụng giả. Tuấn thú nhận từ tháng 10 đến tháng 12-2005 đã làm 30 thẻ tín dụng giả và đến nhiều điểm rút tiền tự động của một số NH lớn ở xung quanh hồ Hoàn Kiếm và khu vực Thành Công, Giảng Võ để rút trót lọt tổng số tiền 800 triệu đồng.

Theo thông tin ban đầu mà chúng tôi được biết, Vietcombank không phải là NH duy nhất có máy ATM bị rút tiền bởi những thẻ tín dụng quốc tế giả của Nguyễn Anh Tuấn. Về nguyên tắc, tất cả các máy ATM của các NH đã kết nối với Vietcombank đều có thể bị rút tiền. các NH này bao gồm: Chohung Vina Bank, Habubank, Eximbank, NH thương mại cổ phần (TMCP) quốc tế, Techcombank, NH TMCP Quân đội, NH TMCP Phương Nam, NH Ngoại thương Lào, Eximbank kể cả những NH khác như ANZ...

Trả lời câu hỏi: "Các NH Việt Nam có máy ATM bị rút tiền bằng thẻ tín dụng quốc tế giả có phải chịu trách nhiệm tài chính không ?", một số NH được phỏng vấn đều trả lời: họ không phải chịu trách nhiệm gì về thiệt hại tài chính do thẻ tín dụng quốc tế giả gây nên do đó là giao dịch "hợp pháp" (?). Theo các NH này, thẻ tín dụng thực chất chỉ là một tấm thẻ cung cấp các thông tin cho hệ thống phần mềm máy tính xử lý, nếu các thông tin đó là đúng thì máy tính sẽ tiến hành giao dịch.

Điều khó hiểu là với mức phí 20.000 đồng cho một lần rút tiền mặt và mức rút tối đa là 2 triệu đồng (tại tất cả các máy ATM có thể rút được tiền mặt với thẻ tín dụng quốc tế), Nguyễn Anh Tuấn phải thực hiện hàng trăm giao dịch từ nhiều máy ATM mới có thể rút được số tiền đến 800 triệu đồng. Vậy mà phải rất lâu, Nguyễn Anh Tuấn mới bị phát hiện. Lâu nay, một số cá nhân sử dụng thẻ ATM và thẻ tín dụng của các ngân hàng Việt Nam đã khiếu nại, thậm chí kiện ra tòa, về việc tiền trong tài khoản của họ "tự nhiên" hao hụt nhưng không ai được bồi thường, mặc dù khả năng thẻ của họ bị làm giả đã được nêu ra (mới đây, một khách hàng của Techcombank cũng bị tòa xử thua).

Được biết, Công an TP Hà Nội xác định đây là một vụ án nghiêm trọng với các tình tiết phức tạp nên ngày 26-12 đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án lên Phòng CSĐT chống tội phạm công nghệ cao của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Bộ Công an để tiếp tục điều tra mở rộng.

Bà Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm thẻ Vietcombank:
Phải bảo mật tuyệt đối thông tin thẻ
* Vietcombank có phải chịu trách nhiệm về tài chính trong việc để xảy ra những vụ rút tiền từ máy ATM với những thẻ tín dụng giả hay không khi tiền được rút ra từ nhiều máy ATM của Vietcombank ?

- Tất cả các thẻ giả mạo đều là các số thẻ của các NH phát hành thẻ ở Mỹ, vì vậy các NH này sẽ phải gánh chịu các rủi ro tài chính về các giao dịch thẻ giả mạo này. Vietcombank tuy không bị tổn thất về tài chính, song chúng tôi nhận thấy cần phải thông tin và cảnh báo tới các NH phát hành và thanh toán thẻ, người sử dụng thẻ và các cơ quan liên quan về loại hình tội phạm này, qua đó có được sự phối hợp hiệu quả trong việc ngăn ngừa và phòng chống tội phạm thẻ.

* Bà đánh giá như thế nào về nguy cơ chế tạo các loại thẻ tín dụng giả tại Việt Nam?

- Loại hình tội phạm thẻ này đã được thế giới biết đến từ lâu với tên gọi "skimming - lấy cắp dữ liệu thẻ" và "phishing - lừa gạt lấy thông tin cá nhân" và hiện nay đã xuất hiện ở Việt Nam. Các tổ chức thẻ quốc tế đã có những cảnh báo tới các NH thành viên trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng về loại hình tội phạm này. Thị trường Việt nam được khuyến cáo có khả năng trở thành điểm đến hấp dẫn của các tổ chức tội phạm thẻ giả quốc tế.

* Theo bà, các chủ thẻ cần phải có những biện pháp gì để chống bị lợi dụng bởi thẻ tín dụng giả?

- Người sử dụng thẻ cần nhận thức rõ là để có thể thực hiện thành công các giao dịch rút tiền mặt tại máy rút tiền tự động cần phải có thẻ và số PIN. Vì thế, việc bảo mật tuyệt đối các thông tin về thẻ, đặc biệt là số PIN sẽ là yếu tố quyết định trong việc hạn chế và ngăn chặn hiệu quả loại hình tội phạm thẻ này.


Theo Thanh niên