Khơi dậy sức mạnh toàn dân trong việc chống tham nhũng
Các Website khác - 19/08/2005
Trao đổi ý kiến về vấn đề phòng, chống tham nhũng và nhũng vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng đang được đông đảo cán bộ, nhân dân đóng góp ý kiến, ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Tư pháp cho biết:
- Nhiều người cho rằng cần lập một cơ quan "siêu quyền lực" mới có thể chống tham nhũng hiệu quả. Nhưng theo tôi vấn đề không phải cơ quan đó là “to” hay “nhỏ” mà là cơ quan đó có thực sự hành động hay không.

* Kê khai tài sản là "động tác" có thể hạn chế tham nhũng. Trước đây, chúng ta đã bàn và làm việc này, theo ông thì hiệu quả của việc này tới đâu?

- Chúng ta đặt ra chuyện kê khai tài sản từ lâu rồi, nhưng không hiệu quả. Vì chúng ta mới dừng lại ở mức độ hình thức. Theo kinh nghiệm các nước thì kê khai tài sản phải có cơ quan kiểm toán làm nhiệm vụ xác nhận thời điểm kê khai đầu tiên (khi bắt đầu nhậm chức chẳng hạn), sau khi anh hết nhiệm kỳ thì cơ quan này lại kiểm toán lần nữa xác minh và so sánh tài sản với thời điểm trước. Nếu có chênh lệch lớn vượt quá thu nhập từ những nguồn chính đáng thì phải tiến hành điều tra để xác định những nguồn thu nhập không chính đáng.

* Theo ông trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình, nên được "tính" như thế nào?

- Nếu một người được Nhà nước giao trọng trách quản lý một ngành hay một đơn vị mà để tham nhũng xảy ra trong ngành, đơn vị mình thì người đó phải chịu trách nhiệm. Chúng ta nên hiểu ở đây có hai loại trách nhiệm, trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý. Nếu để xảy ra tiêu cực lãng phí xảy ra trong phạm vi trách nhiệm mình quản lý thì người đứng đầu trước hết phải chịu trách nhiệm chính trị, trách nhiệm trước Đảng và nhân dân.

* Biến tướng của hành vi tham nhũng hiện nay rất đa dạng. Như ông nói là phải dựa vào dân thì mới có thể phát hiện được, vậy cơ sở nào để khiến người dân tích cực tham gia phát hiện, tố cáo tham nhũng?

- Theo tôi, cơ sở pháp lý thì chúng ta chưa đủ để người dân cũng như những người có trách nhiệm tuân thủ. Quốc hội xây dựng Luật Phòng chống tham nhũng chính là để giải quyết vấn đề này. Chống tham nhũng phải dựa vào dân mới có thể thành công và chúng ta phải có cơ chế bảo vệ, hoan nghênh những người phát hiện, tố cáo tham nhũng. Người dân vốn đã rất có trách nhiệm. Quan trọng là khi người dân phát hiện thì Nhà nước phải tiếp cận một cách nghiêm túc để giải quyết.

* Việc lấy ý kiến xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng đang được triển khai rất rộng rãi. Đối với ngành Tư pháp, ý kiến sẽ được sử dụng như thế nào?

- Chúng tôi phải rất nghiêm túc trong phân tích đánh giá ý kiến của người dân. Luật phản ánh được đúng tâm tư nguyện vọng của nhân dân thì nó đã có ngay cơ sở xã hội để được thực thi. Do đó Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu qua nhiều tầng để tổng hợp đánh giá ý kiến trước khi gửi cơ quan có thẩm quyền. Chúng tôi còn tổ chức hội đồng khoa học để đánh giá, rà soát một lần nữa, xem xét ý kiến của người dân nhằm tránh bỏ sót những ý kiến có ích cho việc xây dựng Luật.

* Một người dân bình thường muốn đóng góp ý kiến thì có thể gửi đến đâu, cho ai, thưa ông?

- Có nhiều cách, chúng ta có nhiều trang web của Bộ Tư pháp và các bộ khác để có thể trao đổi, gửi ý kiến trực tiếp. Bộ Tư pháp đã chỉ đạo báo chí của Bộ đăng tất cả những ý kiến của người dân. Mặt khác có thể gửi về cho Ban chỉ đạo lấy ý kiến cho dự thảo luật do tôi làm trưởng ban.

* Xin cảm ơn ông.

Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội:
Nên xem xét giải quyết cả đơn tố cáo nặc danh

"Theo tôi Luật Phòng, chống tham nhũng nên xem xét, quy định rõ bốn vấn đề: Thứ nhất, đơn thư tố cáo nặc danh cũng được xem xét giải quyết. Vì hiện chúng ta chưa có cơ chế bảo vệ được người tố cáo. Cho nên, chấp nhận giải quyết thư tố cáo nặc danh sẽ động viên được người dân tham gia chống tham nhũng. Thứ hai, quy định rõ cơ quan tiếp nhận và xử lý tố cáo. Nếu cứ tố cáo cơ quan nào là đơn tố cáo lại được chuyến về cơ quan đó giải quyết thì không thể chống tham nhũng được. Theo tôi nên giao cho ủy ban chống tham nhũng và các cơ quan tố tụng tiếp nhận và xử lý đơn thư tố cáo. Thứ ba, phải quy định cụ thể cơ quan, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Thứ tư, quy định cụ thể về chế độ khen thưởng đối với người tố cáo tham nhũng".

Theo Hà Nội mới