Tám điểm mới đáng chú ý trong Pháp lệnh Ngoại hối
Các Website khác - 25/01/2006
Pháp lệnh Ngoại hối (PLNH) sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2006. Đây là văn bản pháp lý chuyên ngành cao nhất trong lĩnh vực quản lý ngoại hối. PLNH được ban hành sẽ tạo ra những bước đột phá quan trọng trong chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam. Điều này được thể hiện qua tám điểm mới.
1. Khẳng định nguyên tắc tự do hóa đối với các giao dịch vãng lai

Theo quy định tại Điều khoản VIII, Điều lệ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các nước hội viên phải thực hiện tự do hóa việc thanh toán và chuyển tiền đối với các giao dịch vãng lai. Để gia nhập WTO, Việt Nam phải cam kết thực hiện điều khoản này. Điều 6, PLNH khẳng định: "Tất cả các giao dịch thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai giữa người cư trú và người không cư trú được tự do thực hiện".

Nguyên tắc tự do hóa vãng lai thể hiện ở chỗ, người cư trú, không cư trú được mua, chuyển, mang ngoại tệ để phục vụ nhu cầu thanh toán cho các giao dịch vãng lai trên cơ sở xuất trình chứng từ hợp lệ, được tự do lựa chọn ngoại tệ làm đồng tiền thanh toán cho các giao dịch vãng lai, trong đó, đồng Việt Nam có thể được lựa chọn nhằm nâng cao vị thế, tính chuyển đổi của đồng Việt Nam. Cá nhân nhận ngoại tệ kiều hối chuyển về hoặc từ các nguồn khác thì được cất trữ, mang theo người, được gửi tiết kiệm và được rút ra bằng ngoại tệ.

Tuy nhiên, việc tự do hóa vãng lai được xác lập trên một số nguyên tắc như mọi giao dịch thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện thông qua tổ chức tín dụng được phép. Cá nhân xuất nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt và vàng trên mức quy định thì phải khai báo hải quan và xuất trình giấy tờ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Hiện nay, mức ngoại tệ phải khai báo hải quan đã được nâng từ 3.000 USD lên 7.000 USD hoặc đồng tiền khác có giá trị tương đương và có thể xem xét nâng lên trong thời gian thích hợp.

Nguyên tắc tự do hóa vãng lai còn được thể hiện ở việc đơn giản hóa thủ tục, xóa bỏ một số giấy phép, như việc cấp giấy phép mua, chuyển mang ngoại tệ ra nước ngoài của cá nhân cho các mục đích học tập chữa bệnh, du lịch... Thay vào đó ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ bán ngoại tệ và thực hiện giao dịch chuyển tiền trên cơ sở kiểm tra các chứng từ liên quan chứng minh giao dịch hợp lệ. Xoá bỏ giấy phép xuất nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt của tổ chức tín dụng (TCTD)...

2. Từng bước nới lỏng các giao dịch vốn

Việt Nam mới chỉ thực hiện tự do hóa đối với các giao dịch vãng lai, còn các giao dịch vốn vẫn cần phải kiểm soát ở mức độ nhất định. PLNH đã thực hiện nới lỏng từng bước đối với giao dịch này. Một số thay đổi trong chính sách quản lý ngoại hối đối với các giao dịch vốn bao gồm:

Thứ nhất, mở rộng đối tượng được vay vốn nước ngoài bao gồm cả cá nhân. Hằng năm, nước ta tiếp nhận một lượng lớn kiều hối, trong số này, một phần được sử dụng để chi dùng cá nhân, còn phần lớn được chuyển về cho thân nhân tại Việt Nam để đầu tư, kinh doanh dưới hình thức cho vay, cho mượn vốn kinh doanh. Vì vậy, PLNH cho phép, hợp thức hóa các giao dịch này nhằm thu hút được nguồn vốn tiết kiệm lớn của bà con Việt kiều ở nước ngoài chuyển về Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Thứ hai, cho vay, thu hồi nợ nước ngoài. Quy định đối tượng, điều kiện được cho vay ra nước ngoài vì một số giao dịch này thực tế đã diễn ra như việc NHTM gửi ngoại tệ ở nước ngoài, mua trái phiếu nước ngoài, xuất hàng trả chậm... Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, Việt Nam vẫn đang thiếu vốn, phải đi vay nước ngoài là chính, vì vậy giao dịch này không nên mở rộng. Đối tượng được phép cho vay ra nước ngoài bao gồm các TCTD, các tổ chức kinh tế khác muốn cho vay ra nước ngoài phải được Chính phủ cho phép, chưa mở rộng cho cá nhân được cho vay ra nước ngoài.

Thứ ba, phát hành chứng khoán trong và ngoài nước. Các giao dịch này thực tế sẽ phát sinh nhiều trong thời gian tới, như Chính phủ, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra nước ngoài; doanh nghiệp Việt Nam niêm yết, bán cổ phiếu ở nước ngoài; Công ty nước ngoài niêm yết, chào bán chứng khoán tại Việt Nam... Vì vậy PLNH đã đưa ra những quy định mang tính nguyên tắc để làm cơ sở hướng dẫn sau này.

3. Từng bước hạn chế USD hóa, tiến tới thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam

Có một thực tế hiện nay ở Việt Nam là, bên cạnh đồng bản tệ, ngoại tệ vẫn được sử dụng và lưu hành ở một mức độ nhất định, gây nên hiện tượng USD hóa. Theo đánh giá chung, hiện tượng USD hóa ở Việt Nam ở mức độ trung bình so với các nước có nền kinh tế chuyển đổi. Các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ngoại hối trong thời gian qua đã cho phép việc sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch thanh toán, trao đổi ở một mức độ nhất định.

Những quy định này thể hiện tính hai mặt trong chính sách quản lý ngoại hối. Về mặt tích cực, đó là sự thừa nhận USD hóa tồn tại như một thực tế khách quan, không thể một sớm, một chiều xóa bỏ một cách duy ý chí. Chính điều này lại phát huy được những mặt tích cực của USD hóa, góp phần ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối trong thời gian qua. Nhưng mặt khác, những quy định nói trên đã hợp thức hóa hiện tượng USD hóa, gây khó khăn cho công tác quản lý ngoại hối.

Chính vì vậy, PLNH đã xác định một nguyên tắc kiên quyết nhằm hạn chế USD hóa để tiến tới trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam. Cụ thể là, nghiêm cấm triệt để các giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo bằng ngoại tệ giữa các tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam; hạn chế đến chấm dứt việc các tổ chức được bán hàng, cung cấp dịch vụ thu ngoại tệ tại Việt Nam; quy định cụ thể về việc mở và sử dụng tài khoản, sử dụng ngoại tệ tiền mặt, thẻ thanh toán và các đồng tiền ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó PLNH vẫn xác lập các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân (như được cất giữ, mang theo người, gửi tiết kiệm ngoại tệ và được rút ra bằng ngoại tệ...). Điều này phù hợp với bối cảnh USD hóa của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

4. Góp phần nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam

Có nhiều ý kiến nêu ra rằng, đồng Việt Nam đã chuyển đổi được hay chưa? Nếu có thì ở mức độ nào? Có thể nói rằng, ở mức độ nhất định, đồng Việt Nam đã được chuyển đổi hết sức hạn chế. Các tổ chức, cá nhân mới chỉ được phép tiếp cận NHTM để mua ngoại tệ đáp ứng các giao dịch thanh toán vãng lai và các giao dịch được phép khác (vay, trả nợ nước ngoài, đầu tư trực tiếp nước ngoài...).

PLNH đã xác lập mạnh mẽ nguyên tắc tự do hóa đối với các giao dịch vãng lai. Ngày 5-1-2006, IMF đã có thông cáo báo chí chính thức công nhận Việt Nam thực hiện cam kết nêu tại Điều khoản VIII, Điều lệ Quỹ về tự do hóa vãng lai. Như vậy, tính chuyền đổi của đồng Việt Nam đã được nâng lên một bước mạnh mẽ. Tiếp theo bước đi này, NHNN sẽ nghiên cứu, cụ thể hóa quyền tiếp cận ngoại hối tuyệt đối đối với các giao dịch vãng lai của các chủ thể.

Đồng thời, quy định về quản lý ngoại hối đối với các giao dịch vốn đã được nới lỏng từng bước trong hai năm vừa qua. Ngay từ tháng 12-2004, NHNN đã dỡ bỏ quy định thời hạn chuyển vốn ra nước ngoài sau một năm trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán. Quyền chuyển đổi ngoại tệ đối với các giao dịch này đã được xác lập: Nhà đầu tư nước ngoài có thể mua ngoại tệ để chuyển vốn ra nước ngoài bất cứ lúc nào. Ngoài ra, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cũng được mua ngoại tệ để trả nợ nước ngoài, thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài sau khi dự án đầu tư đã được cấp giấy phép đầu tư...

5. Mở cửa mạnh mẽ thị trường ngoại hối

Trong xu thế hội nhập, Việt Nam phải từng bước tự do hóa thương mại, dịch vụ trong khuôn khổ các thỏa thuận đã và sẽ tham gia (BTA, AETA, WTO...). Đứng trước yêu cầu này, thị trường ngoại hối cũng phải được mở cửa. PLNH đã cụ thể hóa chủ trương này, như cho phép các TCTD phi ngân hàng tham gia thị trường ngoại tệ liên Ngân hàng; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh ngoại hối; xóa bỏ chế độ cấp phép đối với các loại hình giao dịch ngoại hối, các đối tượng tham gia thị trường được thực hiện các loại hình giao dịch ngoại hối theo thông lệ quốc tế khi đáp ứng đủ các điều kiện do NHNN quy định.

Đối với hoạt động ngoại hối của các TCTD và các tổ chức khác, PLNH đã đơn giản hóa đến mức tối đa thủ tục cấp giấy phép hoạt động ngoại hối. Theo đó, các NHTM, nếu đã được cấp phép thành lập thì đương nhiên được tiến hành tất cả các hoạt động ngoại hối mà không cần cấp thêm giấy phép hoạt động ngoại hối; các TCTD phi ngân hàng thì tùy theo tính chất hoạt động có thể đăng ký nội dung, phạm vi hoạt động ngoại hối với NHNN; các tổ chức khác phải được NHNN cấp giấy phép hoạt động ngoại hối.

Các NHTM, với tư cách là tổ chức trung gian tài chính có thể trở thành nhà môi giới nhận ủy thác các luồng vốn đầu tư của tổ chức và cá nhân để tiến hành đầu tư trên thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế (đầu tư chứng khoán, kinh doanh ngoại tệ, vàng trên thị trường quốc tế...).

6. Tạo điều kiện đổi mới cơ chế tỷ giá

Điều 30, Chương V, PLNH quy định: "Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước" và "NHNN Việt Nam xác định cơ chế tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam phù hợp với các mục tiêu kinh tế vĩ mô cụ thế trong từng thời kỳ".

Mặc dù nguyên tắc này đã được quy định trong luật NHNN, nhưng nhưng đổi mới trong cơ chế tỷ giá được thể hiện ở chỗ, thị trường ngoại hối của Việt Nam đã được mở cửa, thành phần tham gia thị trường được mở rộng, sản phẩm của thị trường phong phú, đa dạng, các NHNN, TCTD được tự do áp dụng các loại hình giao dịch, các công cụ thị trường theo thông lệ quốc tế... Chính điều này sẽ tạo điều kiện để NHNN thực hiện một cơ chế tỷ giá thông thường, uyển chuyển và linh hoạt hơn.

7. Tạo sự đổi mới trong quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước

Đây là chương mới so với Nghị định 63/NĐ-CP trước đây, quy định những nội dung cơ bản về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước trên cơ sở lấy những nguyên tắc chính của Nghị định 86/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước. Theo đó, NHNN là cơ quan được Chính phủ giao quản lý dự trữ ngoại hối nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, đảm bảo khả năng thanh toán quốc tế.

Theo kinh nghiệm quốc tế, các nguồn ngoại hối không phân tán mà tập trung thành Quỹ dự trữ do Ngân hàng Trung ương quản lý mới đảm bảo thực hiện được mục tiêu nói trên. Hiện nay, để sử dụng một cách chủ động, linh hoạt đáp ứng việc trả nợ, chi tiêu đột xuất của Chính phủ, Bộ Tài chính vẫn đang quản lý một phần ngoại tệ. Điểm đổi mới ở đây là, PLNH đã xác lập một nguyên tắc rõ ràng trong mối quan hệ giữa hai Quỹ này, theo đó Thủ tướng sẽ quy định mức ngoại tệ Bộ Tài chính được phép giữ lại để đảm bảo nhu cầu chi thường xuyên của NHNN, phần còn lại bán cho NHNN để tập trung toàn bộ nguồn ngoại tệ vào dự trữ ngoại hối nhà nước (Điều 35, Chương VI).

8. Quy định về các biện pháp bảo đảm an toàn

Đây là một nội dung rất mới trong PLNH (Điều 41, Chương IX) quy định một số biện pháp hạn chế hoặc bắt buộc về ngoại hối được áp dụng tạm thời trong những điều kiện khẩn cấp (thí dụ, hạn chế một số khoản chuyển tiền vãng lai, quy định kết hối, hạn chế chuyển vốn ra nước ngoài, hạn chế một số giao dịch tương lai trong mua, bán ngoại tệ...) nhằm đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Quy định này được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm các nước, Luật Ngoại hối của một số nước cũng quy định điều khoản tương tự. Hơn nữa, các hiệp định của WTO và Điều lệ IMF cho phép các nước thành viên được áp dụng các hạn chế tạm thời trên trong tình hình mất cân đối cán cân thanh toán quốc tế trầm trọng.

Theo Đầu tư