Tăng cường ngăn chặn ma túy tuyến hàng không
Báo Tiếng chuông - 21/05/2016
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy (TPMT) nói chung và tình hình buôn bán, vận chuyển ma túy qua đường hàng không nói riêng ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Khó bắt được các đối tượng chủ mưu, cầm đầu

Công tác đấu tranh phòng chống ma túy luôn được Đảng, Chính phủ thường xuyên quan tâm chủ đạo quyết liệt, được các ngành các cấp và các tổ chức xã hội hưởng ứng và tham gia tích cực. Các lực lượng chức năng của Việt Nam cũng đã triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, Việt Nam đã bắt giữ hơn 21 nghìn vụ ma túy.

Về công tác đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến hàng không, trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy Việt Nam luôn phối hợp có hiệu quả với Cảnh sát các nước. Kết quả phối hợp vào năm 2015, Việt Nam đã bắt giữ tại sân bay 14 vụ; 20 đối tượng; thu giữ 17,5 kg ma túy đá (methamphetamine); 3 kg cần sa khô; 72,3 kg Cocaine; 6 bánh heroin; 16 kg thuốc lắc (MDMA). Từ tháng 1 đến tháng 4/2016, Việt Nam đã bắt giữ tại sân bay 3 vụ; 2 đối tượng; thu giữ 2,58 kg ma túy đá; 1,84 kg cocaine; 1,6 kg heroin.

Điển hình trong công tác phối hợp là ngày 15/5/2015, Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an phối hợp với các đơn vị phá đường dây vận chuyển cocaine từ Nam Mỹ vào Việt Nam qua đường biển, đường hàng không. Sau đó, Việt Nam đã trao đổi thông tin về 1 lô hàng đang chuyển từ Việt Nam đến Hồng Kông, giúp Hải quan Hồng Kông thu 16,9kg Cocaine.

Hay như việc dựa trên cơ sở thông tin của Cảnh sát liên bang Úc (AFP) về phương thức thủ đoạn của đối tượng gửi hàng từ Việt Nam đi Úc mà AFP đã bắt giữ, ngày 23/3/2016, Cục CSĐT về ma túy phối hợp với Hải quan kiểm tra 3 kiện hàng có số vận đơn CP761638507VN, CP761638524VN, gửi từ Việt Nam đi Australia thu 1,6 kg heroin.

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy (C47) - Bộ Công an, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy qua đường hàng không ngày càng tinh vi khi các đối tượng cầm đầu gốc Phi cư trú ở các nước Đông Nam Á; các đối tượng cầm đầu ở Nam Mỹ; các đối tượng Việt kiều Úc không trực tiếp vận chuyển, chúng thông qua hoạt động du lịch để tuyển người ở các nước khác nhau như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Nga… chủ yếu là phụ nữ có hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn đi các nước khác nhau vận chuyển ma túy. Do vậy, lực lượng chức năng thường chỉ bắt được các đối tượng vận chuyển thuê, chưa bắt được các đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Bên cạnh đó, tuyến hoạt động của bọn tội phạm này cũng thường xuyên thay đổi. Các đối tượng cầm đầu đường dây thường xuyên thay đổi lịch trình và đặt vé sẵn cho đối tượng vận chuyển qua các nước, không mang ma túy từ điểm đầu đến điểm cuối mà đi lòng vòng qua các nước để tránh các tuyến trọng điểm và giấu nguồn hàng cũng như các chân rết trong đường dây.

Về thủ đoạn giao nhận, chúng sử dụng giấy tờ giả ủy thác các công ty vận tải ra nhận hàng, đồng thời giám sát khi phát hiện bắt giữ thì không lộ diện nhận hàng.

Thủ đoạn cất giấu cũng thường xuyên thay đổi như chế va ly hai đáy để cất giấu, giấu trong các thùng loa, trong đế giày, dép, pin máy tính, tượng phật, đèn cầy , cúc áo... Táo tợn hơn, có đối tượng còn đóng gói ma tuý giống như bao thực phẩm, rồi để ngay trong hành lý xách tay. Bên cạnh đó, bọn tội phạm còn giấu ma túy vào những vật dụng rất thông thường như: khuy quần áo, thắt lưng hoặc đóng thành vỉ như thuốc tân dược... rồi tìm một hành khách đi cùng chuyến bay, vờ như mang đồ quá cân, nhờ mang giúp. Ðó là chưa kể nhiều hành khách đi máy bay chưa chủ động bảo vệ hành lý mang theo người nên rất dễ bị tội phạm lén thả ma túy vào túi mà không hề hay biết. Ðến khi bị phát hiện, do không có người làm chứng, sẽ khó tránh những rắc rối không đáng có.

Qua công tác đấu tranh các vụ vận chuyển ma túy qua tuyến hàng không quốc tế, gần đây, lực lượng chức năng còn phát hiện loại ma túy mới: tên chất là XLR11 được tẩm vào sợi thảo mộc (thường gọi là cỏ Mỹ) có tác dụng gây ảo giác mạnh.

 

Kiểm tra an ninh, soi chiếu hàng hóa xách tay tại sân bay Nội Bài - Ảnh internet

 

Tăng cường hợp tác quốc tế

Biện pháp ngăn ngừa hiệu quả nhất tình trạng thẩm lậu ma túy là tăng cường kiểm tra, kiểm soát và quản lý chặt chẽ đối tượng có nguy cơ mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua đường hàng không; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh với loại hình tội phạm này.

Theo Đại tá Trần Như Nhận, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, công tác ngăn ngừa tội phạm ma túy trên tuyến hàng không đã được Đảng, Chính phủ và Bộ Công an Việt Nam quan tâm chỉ đạo quyết liệt; các văn bản pháp lý từng bước ban hành đáp ứng tình hình thực tế; đã có lực lượng cảnh sát chuyên trách đấu tranh tội phạm ma túy trên tuyến hàng không; sự phối hợp nhịp nhàng, kịp thời của các lực lượng tại sân bay; sự chia sẻ thông tin và phối hợp có hiệu quả của các nước.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không và 45 hãng hàng không nước ngoài tham gia vận tải hành khách thương mại; đi, đến trực tiếp 25 sân bay quốc tế. Các đối tượng vận chuyển ma túy qua đường hàng không thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, có nhiều thủ đoạn cất giấu. Các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy qua đường hàng không thường có sự chỉ đạo của các đối tượng chủ mưu cầm đầu ở nước ngoài, chúng không trực tiếp mà thuê các đối tượng vận chuyển từ các nước khác nhau và thường xuyên thay đổi lộ trình vì vậy việc thu thập thông tin về các đường dây còn gặp nhiều khó khăn, khi bắt giữ không có điều kiện làm rõ toàn bộ đường dây tội phạm, không xác định được đối tượng cầm đầu ở nước ngoài.

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy với các lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy của Hải quan, An ninh hàng không, Đồn Công an cửa khẩu và những lực lượng có liên quan tại sân bay.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần thường xuyên trao đổi thông tin, phương thức thủ đoạn mới tội phạm ma túy trên tuyến hàng không, thông tin các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế giữa lực lượng chức năng tại sân bay và lực lượng Cảnh sát ma túy các nước; tổ chức các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nâng cao năng lực kiểm soát ma túy qua đường hàng không. Đồng thời thiếp lập đường dây nóng giữa các nước để kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp kiểm soát, truy bắt các đối tượng vận chuyển ma túy trên tuyến hàng không với Cảnh sát một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia…