- Hiện nay, điều phải quan tâm là dòng người di cư từ nông thôn ra thành thị tìm việc làm. Việc di dân này có mặt tích cực là góp phần làm tăng GDP của thành thị lên. Nhưng bên cạnh đó, nếu không chủ động thì sẽ phát sinh những vấn đề bức xúc cần giải quyết như: nhà ở, hạ tầng cơ sở, đường sá, môi trường, vệ sinh, nước sạch...
Nhiệm vụ của ủy ban là giám sát và sau đó kiến nghị những biện pháp cần thiết để việc di cư được chủ động hơn. Thí dụ, đối với các khu công nghiệp thì đặt vấn đề: ai là người chịu trách nhiệm về nhà ở cho người lao động, doanh nghiệp có phải giải quyết hay không? Họ đầu tư vào để sản xuất - kinh doanh, nếu buộc họ làm thì cũng khó, còn nếu nói chính quyền địa phương phải lo thì sẽ lấy nguồn từ đâu để giải quyết?
* Qua giám sát, các thành viên ủy ban đã tỏ ra băn khoăn về việc phân biệt đối xử với người nhập cư, ý kiến của bà về vấn đề này thế nào?
- Chúng ta không có chủ trương phân biệt đối xử nhưng ở các địa phương cũng có chuyện nhiêu khê. Chẳng hạn địa phương thấy trường này có đủ chỗ cho các cháu rồi, nếu có thêm các cháu nhập cư vào thì tất nhiên sẽ rất khó. Cho nên người ta tìm cách này nọ để không nhận. Rõ ràng vẫn có sự gây khó khăn cho người nhập cư, điều đó là không nên. Người dân có quyền tự do cư trú theo quy định của hiến pháp và pháp luật. Do đó có thế nào, người nhập cư cũng phải có nơi chốn cho con em được ăn ở, học hành.
Tất nhiên, không thể để tự do theo kiểu “đất lành chim đậu”, vì chim đậu nhiều quá thì cũng có lúc gãy cành. Nhà nước phải có trách nhiệm chia sẻ vấn đề này.
* Thưa bà, hiện nay người dân tạm trú vẫn phải chịu chi phí sinh hoạt cao hơn người tại chỗ như giá điện, nước, điều này có công bằng không?
- Tôi thấy cái đó không công bằng, nếu đây là chính sách lại càng không được. Theo tôi, chúng ta cần phải giải quyết nhu cầu tối thiểu cho mọi người, người nhập cư đã khổ mà còn bị bất công trong việc chi trả tiền điện, nước thì không thể chấp nhận được.
Trong số những công nhân này có rất nhiều người là dân nhập cư.
| * Vấn đề bức xúc nhất đối với người lao động tạm trú là nhà ở. Bao giờ mới có chính sách bán nhà trả góp cho người lao động nhập cư?
- Theo tôi, đây là vấn đề cần phải giải quyết ngay, nếu không người thu nhập thấp hay người nhập cư không bao giờ có được căn nhà để ổn định cuộc sống.
* Đối với đề án giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm sau cai nghiện, bà đánh giá thế nào về tiến độ thực hiện đề án này ở TP Hồ Chí Minh?
- Có sự trưởng thành rất rõ. Về cơ sở vật chất, có thể nói chưa chắc ký túc xá của sinh viên đã bằng nơi ăn ở của các đối tượng nằm trong đề án giáo dục dạy nghề. Kể ra so sánh như thế thì khập khiễng, không thể nói rằng Nhà nước quan tâm sinh viên không bằng những người nghiện, nhưng phải thấy rằng để giành giật được một người nghiện trở về với cuộc sống bình thường thì chúng ta phải bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của.
Tuy nhiên, thiếu sót vẫn còn. Về dạy nghề, hiện nay các em mới chỉ làm được những sản phẩm như thêu, làm giỏ mỹ nghệ, thậm chí xuất khẩu được, nhưng liệu với từng đó kiến thức, các em có tìm được việc làm khi về với cuộc sống không? Thứ hai, đây là nhóm nguy cơ cao, làm sao để chống lây nhiễm, lây chéo HIV/AIDS trong sinh hoạt của các em là vấn đề rất lớn. Tiếp nữa, bữa ăn còn đạm bạc lắm, phải tìm cách để giải quyết vấn đề này.
* Vấn đề mà dư luận, thân nhân học viên quan tâm nhất hiện nay là hồi gia cho các học viên cai nghiện sau khi hết thời hạn quản lý...
- Tôi cho rằng Nhà nước không thể cố giữ mãi những học viên đã qua thời kỳ cai nghiện, làm như vậy khổ cho công tác quản lý và vi phạm pháp luật. Do đó phải tích cực tới mức tối đa việc chuẩn bị cho các đối tượng này hồi gia, hòa nhập cộng đồng. Phải nói cho gia đình, phường khóm biết, chuẩn bị tinh thần để đón những người đã hết thời hạn quản lý trở về. Đặc biệt lực lượng phòng chống ma túy phải ráo riết hơn nữa, để làm sao trong các ngõ phố không còn ai buôn bán ma túy thì mới tránh được tình trạng tái nghiện còn nhiều như hiện nay.
* Nếu học viên hết thời hạn cai nghiện nhưng không đồng ý với các công việc do đơn vị quản lý đã chuẩn bị sẵn, họ muốn về nhà hẳn thì sao, thưa bà?
- Theo tôi là vẫn phải cho họ về, gia đình phải cam kết cộng đồng trách nhiệm ở đây. Và thật sự nếu đối tượng nào tái nghiện thì chúng ta đã có quy định để xử lý tiếp. Tuy nhiên, tôi lưu ý không phải cứ hết thời hạn là cho về ngay, đối với những đối tượng lang thang, không gia đình thì phải cân nhắc và có hướng giải quyết cụ thể, không để các đối tượng này tiếp tục cuộc sống vô gia cư, làm như thế là chúng ta có lỗi.
* Cảm ơn bà.
|