Rừng thượng nguồn sông Hương bị phá làm... trang trại
Các Website khác - 05/09/2005
Rừng không chỉ bị chặt hạ
mà còn bị đốt cháy trơ trụi.
Vừa bị đốn hạ tận gốc, lại bị đốt cháy trơ trụi, gần 30 ha rừng tự nhiên vùng thượng nguồn sông Hương, thuộc xã Dương Hoà - huyện Hương Thuỷ (tỉnh Thừa Thiên - Huế), thời gian gần đây đã nhanh chóng biến mất...
Chặt hạ rừng tự nhiên để làm trang trại cao su?

Khác với đại ngàn Trường Sơn thăm thẳm, do phải hứng chịu hàng tấn đạn bom và hoá chất huỷ diệt của Mỹ thả xuống thời chiến tranh, rừng tự nhiên thượng nguồn sông Hương thuộc tiểu khu 162 còn sót lại đến ngày nay hết sức hiếm hoi, chỉ vẻn vẹn vài trăm ha lọt thỏm giữa những trập trùng đồi trống núi trọc. Thoát ra được sự huỷ diệt của mưa bom bão đạn chiến tranh, nhưng những khoảng rừng xanh tự nhiên quý giá ở Dương Hoà hôm nay lại đang đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn bởi lâm tặc.

Từng có mặt tại nhiều điểm nóng phá rừng, như: khu vực đầu nguồn sông Bồ, vùng rừng già giáp ranh hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, rồi rừng nguyên sinh nhánh hữu trạch sông Hương... nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy được một cảnh tượng rừng tự nhiên bị đốn hạ trên quy mô lớn, diễn ra hàng loạt và trắng trợn như tại tiểu khu 162 -xã Dương Hoà. La liệt những cây lớn vài chục năm tuổi, với đường kính từ 5 - 35 cm, đã bị đốn hạ không chút thương tiếc. Tất cả nằm ngổn ngang tựa như những xác chết khô vắt lên nhau. Rừng tự nhiên sau khi bị triệt hạ, lại còn bị đốt cháy trơ trụi.

Phần nhiều cây lớn người dân chuyển về nhà làm gỗ, củi. Cùng với hàng nghìn gốc lớn, số cây nhỏ còn lại vẫn trơ thân cháy sém phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật, như minh chứng rõ ràng và sống động hơn về một vụ chặt hạ rừng có tổ chức.

Khu vực rừng tự nhiên được “chọn” để đốn hạ lọt thỏm giữa một thung lũng, từ đồng bằng nhìn lên rất khó phát hiện. Dù đã được một người dân địa phương dẫn lối, nhưng chúng tôi phải loay hoay mất hàng tiếng đồng hồ mới tiếp cận được hiện trường, thậm chí hai lần bị lạc đường vì rừng rậm mịt mùng. Để vào tới được nơi phải men theo khe Cáy, băng qua một cánh rừng tự nhiên rậm rạp thuộc hệ thống núi Hòn Gày nối tiếp đó.

Chứng kiến cảnh rừng bị chặt hạ, ai cũng xót xa, phẫn nộ. Những cánh rừng tự nhiên như thế này mất đi, e rằng đến 50 năm sau vẫn chưa thể khôi phục lại được.

Trong khi, Nhà nước đang dồn nhiều tiền của, công sức vào việc khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh rừng tự nhiên, trồng mới rừng phòng hộ đầu nguồn, thì tại đây, người ta lại thẳng tay chặt hạ để biến thành đất trống, đồi trọc làm trang trại cao su... Điều đáng nói, rừng xanh ở tiểu khu 162 bị chặt hạ một thời gian khá lâu, nhưng chính quyền xã Dương Hoà - địa phương quản lý vùng rừng này - và các lực lượng chức năng chẳng hề hay biết, cho đến khi bị người dân địa phương phản đối quyết liệt.

Rừng đã bị “tàn sát” như thế nào?

Trong vai các cán bộ ngành lâm nghiệp đi kiểm tra tình hình bảo vệ rừng đầu nguồn, sau khi tiếp cận hiện trường vụ việc, chúng tôi quay trở xuống vùng trang trại cao su phía dưới để tìm gặp ông Lê Thì - người trực tiếp tham gia phát quang, chặt hạ rừng tự nhiên tại tiểu khu 162.

Được biết, cách đây chưa lâu, một người tên là Lê Ngọc Anh (trú tại TP Huế) đã làm hợp đồng thuê ông Thì phát quang 50 ha rừng để trồng cây cao su.

Ông Thì cho biết, sau đó đã mướn 40 nhân công từ Nghệ An vào triển khai công việc, khi thực hiện được khoảng 40 ha rừng (phía kiểm lâm đo đạc chỉ có trên 28,6 ha) thì bị Kiểm lâm huyện Hương Thuỷ buộc phải dừng.

Đã có khoảng 1.080 ngày công đổ vào vụ chặt phát khu rừng này. Giá phát quang, chặt hạ cây rừng tại tiểu khu 162 lên đến 1,320 triệu đồng/ha; trong khi, mức bình thường ở các nơi chỉ từ 400.000 - 800.000 đồng/ha.

Sở dĩ rừng ở đây phải phát quang giá cao - theo ông Thì - là do cây cối tự nhiên quá lớn và dày đặc nên rất khó chặt. Đến nay, ông Anh đã thanh toán cho ông Thì 35 triệu tiền công. Mặc dù đứng tên hợp đồng phát quang là Lê Ngọc Anh, tuy nhiên, ông này chỉ là đại diện cho 14 cá nhân đứng đằng sau xin thuê đất để mở trang trại. Từ mục đích xin sử dụng đất đồi núi để trồng cây cao su, 14 cá nhân kể trên đã được hội đồng tư vấn xét giao đất xã Dương Hoà xét duyệt và chuyển đề nghị lên UBND huyện Hương Thuỷ xem xét giải quyết.

Trong khi đề án phát triển trang trại vẫn chưa được ai thông qua, đề nghị xét cho thuê đất đang còn được huyện xem xét, thì 28,6 ha rừng tự nhiên ở tiểu khu 162 - khu vực mà 14 cá nhân xin thuê - đã bị triệt hạ tan nát.

Cần phải xử lý nghiêm

Để phần nào tìm hiểu tính chất, hiện trạng khu rừng tự nhiên tại tiểu khu 162 bị chặt hạ, chúng tôi tìm đến Đoàn Điều tra quy hoạch và Thiết kế Nông - lâm nghiệp Thừa Thiên-Huế.

Ông Lê Hạ - Phó đoàn - khẳng định, khu rừng bị chặt hạ không thuộc đối tượng thiết kế để trồng mới. Ông dẫn chứng, năm 2004, đoàn đã thiết kế tại tiểu khu này hơn 220 ha đất, đến nay đã thi công (trồng rừng) xong. Phần rừng tự nhiên còn lại thuộc đối tượng thiết kế bảo vệ khoanh nuôi. Việc tổ chức khoanh vùng chặt hạ cây rừng tại TK 162 để trồng cao su là cá nhân tự ý thiết kế. Theo điều tra của chúng tôi, số diện tích đất mà ông Lê Ngọc Anh, đại diện các cá nhân khác, đệ đơn xin thuê lập trang trại có một con số lẻ bất thường: 116,9 ha, mà không phải tròn số 100, 110 hay 120 ha... Điều này cho thấy, 14 cá nhân xin thuê đất kể trên có khả năng đã được một cá nhân hay cơ quan chuyên nghề thiết kế, quy hoạch rừng đứng sau giúp sức, tiếp tay.

Hiện nay, việc xử lý vụ việc vẫn chưa được tiến hành, mặc dù hành vi lấn chiếm đất đai, vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng là quá rõ. Dư luận đang lo ngại vụ việc sẽ bị chìm xuống vì có liên quan đến một số cán bộ địa phương. Những đối tượng liên quan đến vụ chặt phá rừng tự nhiên lần này liệu có bị pháp luật nghiêm trị?

Ông Trần Bá Xuân - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Thủy: Vụ việc phá rừng tại tiểu khu 162, qua kiểm tra là có thật! Đây là rừng tự nhiên phục hồi sau chiến tranh, thuộc loại 2B hoặc 1C. Vụ việc kể trên cho thấy có dấu hiệu vi phạm Điều 140 Luật Đất đai và Điều 85 Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Mặc dù khu rừng bị phá là do xã Dương Hoà trực tiếp quản lý, nhưng chúng tôi cũng đã thiếu sót trong công tác kiểm tra. Hạt đang tích cực phối hợp điều tra để sớm làm rõ vụ việc.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế: Mặc dù cơ quan chức năng hiện vẫn chưa báo cáo bằng văn bản lên UBND tỉnh, nhưng vụ này chúng tôi có biết. Tuy nhiên, hướng xử lý thế nào chúng tôi chưa thể nói vì còn phải đợi kết quả cụ thể, chính xác từ dưới báo cáo lên.


Theo Tiền phong