Tình hình ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp
Các Website khác - 29/03/2006
Tại Hội nghị lần thứ 49 Ủy ban Kiểm soát ma túy của Liên hợp quốc vừa diễn ra tại thủ đô Viene (Cộng hòa Áo) Việt Nam được đánh giá rất cao trong công tác xóa bỏ cây thuốc phiện. Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cho biết về vấn đề này.
* Liên hợp quốc căn cứ vào tiêu chí nào để đánh giá cao Việt Nam trong công tác xóa bỏ cây thuốc phiện, thưa Thiếu tướng?

- Vào những thập kỷ 80, 90, diện tích cây thuốc phiện ở nước ta còn khoảng 30.000 ha. Đến năm 1995 còn khoảng 17.000 ha và hiện nay Việt Nam đã xóa bỏ cơ bản diện tích trồng cây thuốc phiện, đồng thời rất nỗ lực trong việc chấm dứt tình trạng tái trồng thuốc phiện ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn bị ảnh hưởng của tập quán cũ. Do đó, so với các nước trong khu vực Việt Nam được đánh giá là nước thành công nhất trong việc xóa bỏ cây thuốc phiện.

* Để xóa bỏ cơ bản diện tích trồng cây thuốc phiện, các cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp nào?

- Để có được kết quả này, các cơ quan chức năng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: tuyên truyền, giáo dục đồng bào các dân tộc về tác hại của cây thuốc phiện; vận động nhân dân không trồng cây thuốc phiện mà thay thế bằng vật nuôi, cây trồng khác; có chính sách phát triển kinh tế, xã hội, đẩy mạnh chương trình xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác này. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng tiến hành xử lý nghiêm khắc đối với các đối tượng cố tình trồng cây thuốc phiện, buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy. Đến nay, về cơ bản, Việt Nam có thể yên tâm về công tác xóa bỏ cây thuốc phiện. Vấn đề lo ngại nhất hiện nay là các nguồn ma túy từ nước ngoài thâm nhập vào nước ta.

* Việt Nam là nước có đường biên giới giáp với nhiều nước trong khu vực đang được coi là nóng bỏng về ma túy và trên thực tế lượng ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam rất lớn. Xin Thiếu tướng cho biết ngành Công an làm thế nào để kiềm chế nguy cơ này?

- Thời gian qua, lực lượng phòng chống tội phạm về ma túy đã phát hiện nhiều đường dây, tổ chức buôn bán, vận chuyển ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia, vận chuyển ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài vào nước ta. Địa bàn trọng điểm là tuyến biên giới Tây Nam, Tây Bắc, Đông Bắc và bắc miền trung. Đối tượng tham gia cũng rất phức tạp, có người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài và được tổ chức rất chặt chẽ. Qua điều tra cơ bản 10 tỉnh tiếp giáp với Lào cho thấy có tới 60 tuyến, 146 địa bàn, 467 điểm và 193 tụ điểm phức tạp về ma túy.

Để kiềm chế nguy cơ này, Việt Nam có chương trình hợp tác chặt chẽ trong công tác phòng, chống ma túy với các quốc gia lân cận trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc... Các bên thường xuyên có sự trao đổi thông tin và tổ chức các cuộc họp thường niên bàn về vấn đề này. Bộ Công an là cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm nên bên cạnh việc tham mưu cho Chính phủ ban hành chương trình tổng thể về phòng chống ma túy từ năm 2006 đến năm 2010 thì đã chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể về phòng chống ma túy trong toàn ngành.

Trong công tác đấu tranh ngăn chặn ma túy qua biên giới, lực lượng Công an đều phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển... để nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định rằng tình hình ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang diễn biến rất phức tạp và có xu hướng gia tăng.

Do đó, muốn kiềm chế và giảm hẳn tội phạm ma túy, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành chức năng, sự giáo dục của gia đình, nhà trường đối với con em và đặc biệt là thay đổi hẳn nhận thức của nhân dân về tác hại của ma túy đối với sức khỏe và đời sống con người.

* Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Theo Pháp luật Việt Nam