Nói về pháp luật, không ít người quan niệm rằng, luật là thứ rất khô khan, cứng nhắc, là tập giấy ghi trên đó những quy định, quy tắc mang tính mệnh lệnh, quyền uy. Không hoàn toàn như vậy! Luật chứa đựng trong đó rất nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích sát sườn của từng người dân. Nó có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của một quốc gia, một dân tộc trên bước đường hội nhập khu vực và quốc tế.
Nhận thức rõ điều đó, mấy năm gần đây, công tác lập pháp của Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đổi mới theo hướng tích cực. Số lượng cũng như chất lượng của các dự án luật được thông qua tại mỗi kỳ họp không ngừng tăng lên, kỳ sau cao hơn kỳ trước. Từ chỗ mỗi kỳ họp thông qua năm đến sáu luật, đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI, diễn ra vào cuối năm 2005, Quốc hội đã thông qua 14 luật, trong đó có nhiều dự án luật quan trọng, được đông đảo nhân dân và cử tri cả nước quan tâm, như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Nhà ở; Luật Doanh nghiệp; Luật Ðầu tư; Luật Ðấu thầu.
Kết quả đó là đáng mừng, song nếu so với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, công tác lập pháp của Quốc hội ta vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Với tốc độ soạn thảo và ban hành luật như hiện nay, chúng ta vẫn cần ít nhất 25 năm nữa mới có thể hoàn chỉnh được một hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ. Với cương vị và trọng trách của người đứng đầu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, trong nhiều cuộc họp và những lần đi thực tế tại các địa phương, phải thốt lên rằng: 25 năm, một phần tư thế kỷ, đó là khoảng thời gian quá dài.
Luật đang "xếp hàng" chờ Quốc hội xem xét, thông qua - đó là một thực tế, nhưng đồng thời cũng là nỗi trăn trở thường trực của Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Theo dõi và đưa tin các hoạt động lập pháp của Quốc hội mấy năm gần đây, các phóng viên dường như đã quen với cách gọi nhau thân mật, nhưng cũng đầy hàm ý của các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Ðại biểu nam làm thêm ngày thứ bảy gọi tên là anh Bảy. Ðại biểu nữ làm thêm ngày chủ nhật gọi là chị Nhật. Anh Bảy, chị Nhật!
Ðáp ứng đòi hỏi của cuộc sống, của cử tri là thước đo mọi hoạt động của Quốc hội, của mỗi vị đại biểu Quốc hội, chứ không phải bắt cuộc sống, bắt cử tri phải theo Quốc hội. Phải biến những trăn trở, băn khoăn trong công tác lập pháp thành những việc làm, hành động cụ thể, chúng ta không thể chấp nhận 25 năm mà phải phấn đấu rút xuống còn 10 hoặc 15 năm để hoàn thiện hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, hiệu lệnh đó được truyền đi từ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, các Phó Chủ tịch Quốc hội, rồi lan tỏa đến các đại biểu chuyên trách, không chuyên trách, đến đội ngũ cán bộ, chuyên viên, chuyên gia làm luật của Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Cử tri chờ luật của Quốc hội như người đang bơi giữa dòng, bị đuối sức. Luật ra sớm thì có thể cứu, nếu muộn thì người ta sẽ quá đuối sức và có thể bị chết! Không hiểu sao, chúng tôi cứ ấn tượng mãi với câu nói này của người đứng đầu Quốc hội nước ta tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI ngày 25-11-2004, khi các đại biểu vừa biểu quyết thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005.
|