Trường Tin học ITAC lừa hàng trăm học viên dưới mác “liên kết đào tạo”
Các Website khác - 11/10/2005
Các học viên phải mua chiếu về nằm.
Ngày 10-10, sau khi dự khai giảng tại Trường Tin học ITAC đặt ở số 20 đường D2 phường 25 quận Bình Thạnh TP Hồ Chí Minh, hơn 400 học viên đã rất ngỡ ngàng khi nhà trường không thực hiện đúng như thỏa thuận ban đầu về chỗ ăn, ở cho học viên. Không những thế, hàng trăm học viên này còn bị lừa trong quá trình chiêu sinh.
Giấy báo trúng tuyển từ … trên trời rơi xuống!

Ông Trần Văn Huệ (ngụ tại Ninh Thuận) phụ huynh của em Tr. T.H.V. cho biết, năm nay con ông thi vào đại học nhưng không trúng tuyển. Trong lúc chưa biết tính thế nào thì bất ngờ con ông nhận được “Thư mời nhập học” (ngoài bì thư ghi Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh gửi) đến tham dự học “Hệ trung cấp kỹ thuật viên thuộc chương trình đào tạo” của trường này. Cả nhà mừng thầm vì “gặp phao giữa dòng”, thế là lên đường.

Nhiều học viên khác (kể cả những học sinh bị rớt tốt nghiệp THPT) cũng bất ngờ nhận được “Thư mời nhập học” tương tự với các ngành đào tạo: đồ họa ứng dụng, đồ họa thiết kế web, lập trình và mạng-phần cứng. Khi tiếp xúc với chúng tôi, nhiều em cứ nghĩ mình trúng tuyển NV2 hay NV3 gì đó! Các học viên cho biết đã nộp học phí 1,4 triệu đồng cho một học kỳ (ba tháng) còn những học kỳ sau đóng bao nhiêu chưa biết. Nhiều học viên cũng không biết khóa học của mình sẽ kéo dài bao lâu vì “Thư mời nhập học” không đề cập (!?).

Nơi gọi là “ký túc xá” (KTX) cho học viên là ngôi nhà một trệt, ba lầu không số (!) trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. Phòng ở trống hoác từ trước ra sau, không có giường nên các phụ huynh phải chạy đi mua chiếu về cho con em nằm tạm. Một phụ huynh cho biết, nhà trường thu 150.000 đồng/tháng và thu bốn tháng một lần với một học viên vào “KTX”. Theo đại diện KTX, nơi này đang sửa chữa nên chưa ngăn phòng được. Học viên phải nằm… tạm dưới đất một thời gian nữa.

Tại một “KTX” khác ở số 685/43 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh phường 25 quận Bình Thạnh, hơn 100 học viên ở đây phải chấp nhận ăn ở trong những điều kiện sinh hoạt rất tồi tàn, chật chội. Có phòng chưa đến 30m2 nhưng chứa đến 20 học viên và duy nhất chỉ có bốn cái giường; số còn lại phải nằm dưới đất. Một học viên nữ ngán ngẩm: “Phòng của em 20 người có một nhà vệ sinh. Thế là đỡ rồi vì nhiều phòng gần 40 người cũng thế”.

Lập lờ đánh lận con đen

Số 20 đường D2 phường 25 quận Bình Thạnh là “địa chỉ” của trường. Phần trên cùng tấm bảng hiệu ghi “Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh”, ở giữa là “Trung tâm Kỹ thuật Điện toán” và dưới cùng là “Trường Tin học ITAC”. Nhưng con dấu đóng trong “Thư mời nhập học” bên ngoài vòng tròn lại ghi “Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh”, phía trong ghi “Trung tâm Đào tạo Công nghệ Tri Thức” do Giám đốc Trung tâm là Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng ký tên.

Xem hồ sơ lưu tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh thì được biết, tại địa chỉ nói trên sở có cấp “Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề” cho “Trung tâm Dạy nghề tư thục Tri Thức”, người đại diện là Nguyễn Thanh Tùng (SN 1978, hộ khẩu thường trú tại Gia Lai). Trong “Đơn đăng ký hoạt động và dạy nghề” gửi các cơ quan chức năng, Giám đốc Nguyễn Thanh Tùng vẫn dùng con dấu “Trung tâm Dạy nghề tư thục Tri Thức”. Nhưng khi gửi “Thư mời nhập học” lại cố ý đổi thành “Trung tâm Đào tạo Công nghệ Tri Thức”.

Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh khẳng định, việc trung tâm tự tiện thay đổi nội dung con dấu không đúng với hồ sơ đăng ký là sai, hay nói cách khác sở không cấp phép cho bất kỳ một tổ chức nào có tên “Trung tâm Đào tạo Công nghệ Tri Thức” cả.

Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Điện toán (Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) Phan Đình Mãi cho biết, ngày 21-9-2004 trung tâm có ký hợp đồng liên kết đào tạo với Trung tâm Tri Thức, nhưng trong quá trình thực hiện, Tri Thức quảng cáo không đúng sự thật, thực hiện không đúng hợp đồng và có sự nhập nhằng trong việc dùng thương hiệu “Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh” gây ngộ nhận cho học viên như đổi “kỹ thuật viên trung cấp” thành “trung cấp kỹ thuật viên”, mở một số ngành không cho phép đào tạo, ghi không rõ ràng để học viên nghĩ Tri Thức là của Đại học Bách khoa… Vì vậy, ngày 17-8-2005, Trung tâm Kỹ thuật Điện toán đã quyết định chấm dứt hợp đồng với Tri Thức. Ông Mãi khẳng định Trung tâm Kỹ thuật Điện toán hoàn toàn không chịu trách nhiệm về chương trình giảng dạy, cấp bằng cho những học viên này. Còn những học viên được chiêu sinh trước khi hợp đồng được chấm dứt sẽ được bảo đảm quyền lợi trong suốt khóa học.

Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với ông Nguyễn Thanh Tùng nhưng máy di động của ông “ò í e” suốt, còn nhân viên thì bảo “thầy Tùng đi họp” mặc dù trước đó ông Tùng đồng ý gặp chúng tôi. Như vậy bằng nhiều chiêu thức, Trung tâm Dạy nghề Tư thục Tri Thức đã lừa hàng trăm học viên với số tiền không nhỏ. Điều đáng quan tâm là các học viên này sẽ về đâu khi đây là khóa đào tạo “treo đầu dê, bán thịt chó”?

Theo Sài Gòn giải phóng