Xét xử vụ buôn lậu tại Công ty Đông Nam: Các bị cáo là hải quan phản cung
Các Website khác - 18/11/2005
Lê Văn Nhân, Đào Lê Anh,
Phạm Anh Vũ, Nguyễn Gia Thiều,
Đặng Mạnh Quyền (từ trái qua) tại tòa.
Trong ngày 17-11-2005, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã dành nhiều thời gian để thẩm vấn nhóm các bị cáo nguyên là hải quan kiểm hoá sân bay Nội Bài về hành vi giúp sức nhập lậu điện thoại di động cho Công ty Đông Nam... Hầu hết các bị cáo này đều phản cung hoặc tìm cách chối tội.
Theo chỉ đạo của Nguyễn Gia Thiều, bị cáo Phạm Anh Vũ (nguyên giám đốc công ty TNHH Thiên Anh - Hà Nội) đã móc nối với Nguyễn Quang Hoan (nguyên trước đây cùng làm tại công ty TB với Vũ) và Đào Lê Anh (nguyên trợ lý khai thác văn phòng chi nhánh hãnh hàng không Việt Nam tại Lào) để hai người này liên kết với hải quan kiểm hoá, hình thành một đường dây nhập lậu điện thoại dưới dạng quà biếu.

Từ Nguyễn Quang Hoan, ba nhân viên hải quan: Lê Văn Nhân, Nguyễn Đăng Chiểu (sân bay Nội Bài) và Nguyễn Đình Hiếu (hải quan bưu điện Hà Nội) đã “cật lực” giúp sức cho việc nhập lậu 4800 điện thoại di động. Nguyễn Gia Thiều cho giá chi phí mỗi chiếc điện thoại di động nhập lậu là 22-35USD/chiếc, qua Phạm Anh Vũ và một số trung gian, đến tay các hải quan là từ 10-12USD/chiếc.

HĐXX hỏi bị cáo Lê Văn Nhân được hưởng bao nhiêu tiền trong việc nhập điện thoại, Nhân nói: “Chỉ giúp Hoan thôi, không nhận gì cả”. Chủ tọa truy: “Tại sao ở cơ quan điều tra anh khai được hưởng từ 1,7-2USD/chiếc điện thoại nhập lậu, tổng cộng hưởng 21 triệu đồng?”.

Bị cáo Nhân trả lời là do muốn được tại ngoại nên đã khai đại và... tự nghĩ ra con số đó. HĐXX tiếp tục thẩm vấn quy trình kiểm hóa thì bị cáo Nhân thừa nhận kiểm hoá sơ sài, chỉ đối chiếu số chứng minh nhân dân của người nhận hàng là cho qua. Bị chủ tọa vặn về chuyện làm ăn tắc trách, bị cáo Nhân nói rằng do trình độ hạn chế.

Khi được thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Đình Hiếu “phản đối cáo trạng”, cho rằng mình bị oan, không nhận được đồng nào từ Nhân đưa. Chủ tọa và VKS đã phải công bố nhiều bản cung, tự khai của Hiếu tại cơ quan điều tra với các khai nhận rất rõ ràng về số lượng điện thoại mà Hiếu đã cho nhập lậu cũng như khoản tiền mà Hiếu được nhận. Thậm chí, Hiếu còn nộp lại 4,7 triệu đồng thu lợi bất chính nhưng tại tòa Hiếu nói không biết ai đã nộp khoản tiền này.

Nguyễn Đăng Chiểu cũng cho rằng mình chỉ nhập khoảng 3 - 4 lần chứ không phải 12 lần như cáo trạng quy kết.

Các bị cáo Đào Lê Anh (nguyên cán bộ trung tâm kiểm soát và khai thác Nội Bài), Vũ Hữu Thiều (nhân viên kho hàng sân bay) và Đặng Mạnh Quyền (nguyên hải quan Nội Bài), thuộc “nhánh” thứ hai trong đường dây buôn lậu do Phạm Anh Vũ móc nối cũng dùng nhiều lý lẽ để tránh né hành vi phạm tội của mình.

Bị cáo Anh cho rằng mình là bạn của Vũ, chỉ giúp đỡ Vũ mà bây giờ phải chịu hậu quả. Chủ tọa: “Thế bị cáo “giúp đỡ” Vũ bao nhiêu lần?”, Đào Lê Anh khai: “Chỉ làm khoảng 10 lần”. Chủ tọa nói: “Theo cáo trạng bị cáo làm tới 25 lần, mỗi lần 60 chiếc, tổng cộng 1.500 chiếc”. Bị cáo Anh thanh minh: “Bị cáo chỉ giúp Vũ 10 lần nhưng điều tra viên nói Vũ khai tới 25 lần. Bị cáo nghĩ 10 lần hay bao nhiêu nữa cũng có tội rồi nên tặc lưỡi nhận đại”. Các bị cáo Đặng Mạnh Quyền và Vũ Hữu Thiều cũng khai lòng vòng, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Trước thái độ tránh né và phản cung của các bị cáo, HĐXX buộc phải thẩm vấn nhiều lần, công bố nhiều bản cung, bản tự khai do chính các bị cáo viết tại cơ quan điều tra. Qua đó cho thấy việc quy kết của cáo trạng là có cơ sở.

Trước đó, HĐXX đã làm rõ hành vi trốn thuế của Nguyễn Gia Thiều tại công ty Đông Nam và các công ty “con”. Nguyễn Gia Thiều chỉ thừa nhận hành vi trốn thuế hơn 96 tỷ đồng của Đông Nam và các công ty con như TB, Hưng Đạo và Tam Nguyên (tuy nhiên, Thiều cho rằng không phải “trốn thuế” mà là “tránh thuế”). Còn phần trốn thuế hơn 3,5 tỷ đồng của công ty Thiên Anh và Toàn Cơ thì Thiều cho rằng không thuộc trách nhiệm của mình dù có thừa nhận đã cho các công ty này mượn pháp nhân để nhập hàng.

Hà Kiều Anh: Không biết, không rõ...

Liên quan đến việc trốn thuế tại Công ty Tam Nguyên (hơn 48 triệu đồng), Hà Kiều Anh (người đứng tên giám đốc công ty) cũng phải giải trình trước tòa về quá trình quản lý công ty của mình.

Chủ tọa hỏi Hà Kiều Anh có nghe Nguyễn Gia Thiều nói về chuyện giả chữ ký của mình trong các giấy tờ của Công ty Tam Nguyên hay không, Hà Kiều Anh đáp không được nghe (tổng cộng có 174 chữ ký của giám đốc Hà Kiều Anh được giám định là giả).

Chủ tọa hỏi tiếp: “Vậy bà có giữ con dấu của công ty hay không?” Kiều Anh cũng nói không.

Trước đó, tòa đã thẩm vấn nguyên kế toán và thủ quỹ của công ty và hai người này thừa nhận ký giả chữ ký của Hà Kiều Anh trên các bản báo cáo, quyết toán thuế theo chỉ đạo của Nguyễn Gia Thiều. Các nhân viên này đã dùng con dấu thật của công ty Tam Nguyên để đóng lên chữ ký.

Khi được vị chủ tọa hỏi nghĩ gì về trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, Hà Kiều Anh trả lời: “Tôi không hiểu gì về pháp luật, chỉ nghĩ đơn giản làm giám đốc vậy thôi. Không biết là lập công ty phải báo cáo thuế”. Bất cứ câu hỏi nào của HĐXX liên quan đến công ty Tam Nguyên, Hà Kiều Anh cũng đều trả lời không biết: không biết mình góp vốn bao nhiêu, không quản lý và không biết gì về hoạt động của công ty do mình làm giám đốc!

HĐXX hỏi lập công ty mà không có quản lý gì, vậy hậu quả từ hoạt động sai trái quả công ty gây ra thì ai chịu? Hà Kiều Anh ngập ngừng rồi lặng im, không trả lời câu hỏi này.


Theo Tuổi trẻ