“Dịch vụ” thương binh giả ở Hà Tĩnh
Các Website khác - 15/11/2005
Đọc lệnh bắt Võ Trọng Lực.
Ngày 5-11-2005, cơ quan điều tra Công an Hà Tĩnh khám phá thêm một đường dây làm hồ sơ thương, bệnh binh giả lớn do Võ Trọng Lực cầm đầu. “Dịch vụ” bất hợp pháp này có sự tiếp tay của không ít cán bộ ngành Lao động-Thương binh và Xã hội...
Trước đó, Nguyễn Đức Mậu (ngụ Kỳ Giang - Kỳ Anh - Hà Tĩnh) làm hàng trăm bộ hồ sơ thương, bệnh binh giả, đã bị bắt ngày 29-4-2005. Trần Xuân Hoàn (ngụ Khánh Lộc - Can Lộc) bị bắt ngày 14-10-2005 cũng với tội danh tương tự.

Võ Trọng Lực (SN 1957, ngụ khu phố 2, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh) từng bị thương ở chiến trường Campuchia năm 1977. Sau khi xuất ngũ, Lực được công nhận là thương binh hạng 3/4. Do nắm được nhiều đầu mối, quen nhiều cán bộ trong Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, Lực xúi giục một số người kể cả bọn du côn, giang hồ làm hồ sơ để biến họ thành thương binh! Lực rất ma mãnh và luôn huênh hoang: “Ai có quyền cấp chứng nhận thương bệnh binh? Lực chứ ai...!”. Từ rất lâu, hắn đã trở thành một tay “cò” hồ sơ thương binh khét tiếng. Ai muốn hưởng chế độ thương binh thì liên hệ với Lực.

Nhiều người là thương binh thật, có giấy chứng nhận thương tật hẳn hoi cũng phải tìm đến Lực nhờ chạy “dịch vụ” hoặc chạy nâng hạng, nâng trợ cấp... “Anh Lực quen biết rộng lắm, chỉ cần ảnh nhận giúp thì thậm chí bị thẹo do đánh nhau cũng được thành thương binh”, nhiều đối tượng bất hảo ở Hồng Lĩnh kháo nhau như thế. Trên thực tế, Lực đã “sản xuất” ra nhiều thương binh dỏm không những để lấy tiền trợ cấp của Nhà nước ăn nhậu mà còn tạo điều kiện cho những đối tượng này đi quậy phá, gây rối an ninh trật tự theo kiểu “có thẻ thương binh thì coi trời bằng vung”.

Phương thức của Võ Trọng Lực là: tẩy xóa, viết lại tên tuổi, địa chỉ giấy chứng nhận hay kỷ niệm chương, giấy khen, bằng khen..., sau đó biến chúng thành những bộ hồ sơ hợp pháp và dĩ nhiên là có sự giúp đỡ của cán bộ chuyên ngành. Mỗi bộ hồ sơ hắn thu lợi từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng, sau đó trích ra một ít để “bôi trơn” thủ tục. Sau khi bị bắt, Lực khai đã quen rất nhiều người có quyền thế, đắc lực nhất là một đối tượng tên Hoàn, làm việc ở Trung tâm điều dưỡng thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh (đã chết trong một tai nạn giao thông năm 2004), để hướng dẫn các đối tượng có công và không có công có nhu cầu làm chế độ thương binh.

Trong 100% hồ sơ do Lực nộp lên đều ghi đại loại: “Bị thương khi đang làm đường hoặc đang san lấp hố bom thì bị máy bay địch thả bom...”. Lực còn hướng dẫn khách hàng xem trên cơ thể có bao nhiêu vết thẹo (bất kể trong trường hợp nào) để xếp hạng trợ cấp! Khi trót lọt những con dấu tại địa phương, đích thân Lực đưa người đi giám định y khoa, chứng nhận thương tật. Trong mỗi bộ hồ sơ giám định này, Lực chi 600 nghìn cho các thành viên giám định. Tất cả các đối tượng thương binh dỏm rất toại nguyện với việc bỏ ra một số tiền và có được chỉ số thương tật trên 21%, đủ để nhận trợ cấp hàng tháng. Võ Trọng Lực khai đã làm trót lọt con số “không thể nhớ hết” những bộ hồ sơ thương binh dỏm cho các đối tượng trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, huyện Đức Thọ và huyện Nghi Xuân.

Trong dịp ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, một cán bộ đảng viên hưu trí ở Đức Thọ - Hà Tĩnh đi thăm và tặng quà các gia đình thương binh liệt sĩ đã bức xúc: “Thật không thể chấp nhận. Tôi là đảng viên 50 tuổi đảng, cựu chiến binh trải qua hai cuộc kháng chiến nhưng lại phải chịu nhục khi cầm gói quà đi thăm những thương binh giả chưa một ngày đi bộ đội...”. Vụ án thương binh giả 11/11 huyện, thị xã của Hà Tĩnh bị bắt hồi đầu năm đã gây sốc cho dư luận cả nước.

Sự bức xúc đó cũng là tình trạng chung của người dân tại địa phương được xem là nghèo này. Họ quá ngao ngán trước thực trạng “lạm phát” thương, bệnh binh. Hình như thẻ thương binh ở đây có thể “phổ cập hóa” cho tất cả đối tượng có nhu cầu, miễn là có tiền. Chế độ thương, bệnh binh, liệt sĩ là chính sách đền ơn đáp nghĩa rất phù hợp của Đảng và Nhà nước ta, nhưng nhiều cán bộ đã lợi dụng biến thành công cụ kiếm tiền một cách trắng trợn. Họ xúc phạm đến những người đã hy sinh cho Tổ quốc.

Nguyễn Đức Mậu và Trần Xuân Hoàn đều là những người giữ vị trí then chốt trong các cấp chính quyền cơ sở. Chúng đã đưa và nhận hối lộ để tạo ra hàng trăm thương, bệnh binh dỏm để đục khoét tiền của Nhà nước. Không những thế, chúng còn lừa gạt người dân nhẹ dạ cả tin bán nhà, đất đưa cho chúng. Để làm được những việc như thế, sau lưng chúng ắt hẳn phải có người đỡ đầu, tiếp tay.

Vụ án Võ Trọng Lực phơi bày sự thoái hóa, biến chất cực độ của một số cán bộ cốt cán cấp sở của tỉnh. Dư luận đòi hỏi vụ việc phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh