Đào tạo cán bộ cho quân đội tại các trường ngoài quân đội
Các Website khác - 15/11/2005
Ngày 25-8-2005, Bộ Quốc phòng - Bộ Giáo dục và Đào tạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 119 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo cán bộ cho Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam tại các trường ngoài quân đội. Xin giới thiệu một số nội dung của Thông tư.

Về tiêu chuẩn và điều kiện tuyển chọn học viên

Việc tuyển chọn học viên tại các trường ngoài quân đội phải bảo đảm các tiêu chuẩn: Tuyển chọn những người có đủ tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức tốt: có đủ trình độ, kiến thức chuyên môn, văn hóa, tuổi đời phù hợp theo từng đối tượng đào tạo, sức khỏe tốt; tự nguyện phục vụ quân đội lâu dài, chấp hành sự phân công ngành học và điều động công tác khi tốt nghiệp. Đồng thời học viên phải có các điều kiện:

1. Đối với những trường hợp được đào tạo trong nước:

a. Đào tạo CĐ, ĐH: Thanh niên ngoài quân đội, quân nhân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng trúng tuyển vào các trường CĐ, ĐH thuộc Bộ Quốc phòng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục-Đào tạo, học xong nội dung chương trình huấn luyện đào tạo nguồn sĩ quan được xét chuyển sang đào tạo tại các trường ĐH ngoài quân đội có cùng khối thi và trình độ đào tạo Học viện Cảnh sát Nhân dân, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học Phòng cháy, chữa cháy, Học viện Kỹ thuật Mật mã và các trường cao đẳng được tuyển chọn học viên chưa qua đào tạo nguồn sĩ quan.

b. Đào tạo CĐ, ĐH theo chế độ cử tuyển: Thiếu sinh quân, quân nhân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng là người dân tộc thiểu số đủ điều kiện, tiêu chuẩn được cử tuyển vào đào tạo tại các trường ngoài quân đội theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2001/TTLT-BGD-ĐT- BTCCP-UBDT&MN ngày 26-2-2001 của Bộ Giáo dục-Đào tạo - Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ - Ủy ban Dân tộc và Miền núi "Hướng dẫn tuyển sinh vào ĐH, CĐ, THCN theo chế độ cử tuyển".

c. Đào tạo sau ĐH: Cán bộ quân đội tốt nghiệp ĐH tại các trường trong và ngoài quân đội được đăng ký dự thi vào sau ĐH tại các trường ngoài quân đội, theo Quy chế đào tạo sau ĐH hiện hành của Bộ Giáo dục-Đào tạo, đủ điều kiện theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục-Đào tạo.

2. Đối với những trường hợp đào tạo ở nước ngoài:

a. Đủ các điều kiện theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục-Đào tạo và các điều kiện, yêu cầu của nước sở tại.

b. Đối tượng đào tạo ĐH: Tuyển chọn học viên năm thứ nhất, thứ hai của các trường trong và ngoài quân đội.

c. Đối tượng đào tạo sau ĐH: Tuyển chọn cán bộ quân đội đã tốt nghiệp ĐH chính quy tại các trường trong và ngoài quân đội đúng chuyên ngành hoặc phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Về chế độ, chính sách và trách nhiệm của học viên quân đội

- Học viên quân đội học tại trường ngoài quân đội trong nước được bảo đảm sinh hoạt phí như học viên đang đào tạo tại các trường trong quân đội, bao gồm lương, phụ cấp, tiền ăn, quân trang, bảo hiểm y tế, nhà ở và các chi phí khác liên quan đến sinh hoạt.

- Học viên quân đội học ở các trường ngoài quân đội nếu đủ tiêu chuẩn cấp học bổng thì được hưởng học bổng theo quy định chung của Nhà nước đối với sinh viên.

- Học viên quân đội học ở nước ngoài được bảo đảm các chế độ: Học phí, sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, tiền vé máy bay khi đi và về nước theo mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 88/2001/BTC-BGD&ĐT-BNG ngày 6-11-2001 của Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục-Đào tạo - Bộ Ngoại giao.

- Trong thời gian học ở trường ngoài quân đội và học ở nước ngoài học viên quân đội được hưởng các chế độ chính sách như đối với quân nhân tại ngũ; nếu là sĩ quan, cán bộ đi học hoàn thành tốt nhiệm vụ thì được xét thăng quân hàm, nâng lương theo quy định hiện hành.

- Học viên quân đội trước khi đi học nếu là hạ sĩ quan, chiến sĩ, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng tốt nghiệp các trường ngoài quân đội và nước ngoài khi ra trường căn cứ kết quả học tập và mục tiêu đào tạo được xét phong quân hàm sĩ quan, xếp lương quân nhân chuyên nghiệp hoặc xếp lương công chức quốc phòng.

- Sau khi tốt nghiệp học viên phải chấp hành sự phân công công tác của Bộ Quốc phòng, trường hợp không chấp hành sẽ bị xử phạt theo Điều lệnh quản lý bộ đội của QĐND Việt Nam và chịu trách nhiệm bồi hoàn lại toàn bộ kinh phí đã cấp, hoặc học bổng do phía nước ngoài cấp đã được hưởng trong thời gian đào tạo theo quy định tại Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19-4-2005 của Chính phủ "về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức".

- Trường hợp học viên quân đội không thực hiện đúng cam kết theo quy định của nhà trường và bị kéo dài thời gian học tập so với quyết định của cơ quan có thẩm quyền (Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Giáo dục-Đào tạo) thì học viên phải chịu mọi chi phí đào tạo cho đến khi nhận được bằng tốt nghiệp.

Về công tác quản lý học viên quân đội

- Bộ Quốc phòng có trách nhiệm: Bàn giao sổ học viên được chuyển sang đào tạo ở các trường ngoài quân đội theo kế hoạch đã thống nhất giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Giáo dục-Đào tạo.

- Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các trường ngoài quân đội trong việc thực hiện đào tạo cán bộ quân đội.

- Các trường ngoài quân đội có trách nhiệm: Tiếp nhận và đào tạo học viên quân đội theo kế hoạch, chỉ tiêu được giao; thường xuyên phối hợp với cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý học viên của Bộ Quốc phòng để cùng quản lý số học viên quân đội trong quá trình học tập tại nhà trường.

- Cơ quan quản lý lưu học sinh ở nước ngoài có trách nhiệm: Thông báo cho Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Giáo dục-Đào tạo về học viên quân đội có đủ tiêu chuẩn để chuyển tiếp sinh, hoặc đã học hết thời gian theo quy định nhưng chưa tốt nghiệp; thông báo cho cơ quan, đơn vị quản lý học viên của Bộ Quốc phòng về học viên quân đội đã hoàn thành khóa học sau 20 ngày tính từ ngày có quyết định về nước.

Theo Pháp luật Việt Nam