Xử lý hành vi cản trở hoặc đưa tiền cho người thi hành công vụ
Các Website khác - 16/03/2006
Hỏi: Về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đề nghị báo cho biết mức xử phạt người vi phạm có hành vi cản trở hoặc đưa tiền cho người thi hành công vụ.
Trả lời: Nghị định số 152/2002/NÐ-CP ngày 15-12-2005 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, quy định xử phạt người vi phạm có hành vi cản trở hoặc đưa tiền cho người thi hành công vụ như sau:

1- Phạt tiền từ một triệu đồng đến hai triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cản trở việc tiến hành kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;

b) Ðưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.

2- Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp sau đây: Vi phạm điểm b, khoản 1 trên đây còn bị tịch thu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; nếu người vi phạm là người điều khiển phương tiện thì còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 90 ngày.

-------------------

Người bị tai nạn lao động được cấp phương tiện trợ giúp

Hỏi: Người lao động bị tai nạn lao động (TNLÐ) được cấp phương tiện trợ giúp trong những trường hợp nào?

Trả lời: Theo Ðiều lệ BHXH NÐ 12/CP của Chính phủ, Thông tư 06/LÐ-TB-XH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, người lao động bị TNLÐ làm tổn thương các chức năng lao động của chân, tay, mắt, răng, cột sống... được trang cấp phương tiện trợ giúp cho sinh hoạt phù hợp các tổn thất chức năng theo niên hạn.

Chế độ trang cấp phương tiện trợ giúp cho sinh hoạt của người bị TNLÐ được quy định: Người bị cụt chân thì được cấp chân giả, niên hạn sử dụng là ba năm và hằng năm được cấp hai chiếc bọc mỏm cụt bằng sợi, một đôi giày vải, một đôi bít tất chân. Trong trường hợp không sử dụng được chân giả, thì được cấp một đôi nạng gỗ, thời hạn sử dụng là hai năm. Người cụt tay được cấp tay giả, niên hạn sử dụng là năm năm và hằng năm được cấp hai chiếc bọc mỏm cụt bằng sợi, một đôi tất tay. Người bị hỏng mắt được cấp mắt giả, niên hạn sử dụng là ba năm. Người bị mất răng được cấp răng giả, niên hạn sử dụng là ba năm. Người bị liệt toàn thân, hoặc liệt nửa người, hoặc liệt hai chân thì được cấp một lần một chiếc xe lăn hoặc xe lắc và hằng năm được cấp một bộ săm lốp, một đệm ngồi, được thay thế các phụ tùng khi bị hỏng. Người điếc cả hai tai được cấp một lần một máy trợ thính.

Trường hợp phương tiện trang cấp bị hư hỏng trước thời hạn do lỗi của người sử dụng phương tiện thì họ phải tự chi phí sửa chữa; nếu do cơ quan BHXH cấp không bảo đảm chất lượng thì cơ quan BHXH phải sửa chữa hoặc thay thế phương tiện khác cho người được cấp.

-----------------------

Việc cấp lại Giấy phép lái xe

Hỏi: Giấy phép lái xe (GPLX) của tôi bị mất, muốn được cấp lại phải qua những thủ tục gì, đề nghị báo trả lời giúp?

Trả lời: Theo Quy chế quản lý sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ ban hành kèm theo Quyết định số 72/2005/QÐ ngày 28-12-2005 của Bộ Giao thông vận tải, thì: Người có GPLX đã hết hạn quá từ một tháng trở lên nhưng chưa quá sáu tháng kể từ ngày hết hạn, có đủ hồ sơ gốc, thì được dự sát hạch lại lý thuyết để cấp GPLX mới; người có GPLX đã hết hạn quá từ sáu tháng trở lên, kể từ ngày hết hạn, có đủ hồ sơ gốc, thì được dự sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành lái xe để được cấp GPLX mới, không phải dự học theo chương trình đào tạo.

GPLX bị đánh dấu vi phạm Luật Giao thông đường bộ (LGTÐB) hai lần, khi đến hạn đổi GPLX phải sát hạch lại lý thuyết. GPLX bị đánh dấu vi phạm Luật Giao thông đường bộ ba lần thì không còn giá trị sử dụng. Người lái xe phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp lại GPLX. GPLX bị hư hỏng và đã bị đánh dấu vi phạm LGTÐB một lần, để được cấp lại GPLX thì phải sát hạch lý thuyết. GPLX bị hư hỏng và bị đánh dấu vi phạm LGTÐB hai lần, để được cấp lại GPLX thì phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành.

GPLX bị mất, còn thời hạn sử dụng và còn hồ sơ gốc, chưa bị đánh dấu hoặc bị đánh dấu một lần vi phạm LGTÐB, nếu bị mất trong các trường hợp thiên tai như bão lụt, động đất hoặc bị hỏa hoạn, có xác nhận của chính quyền địa phương; bị cướp, trấn lột có biên bản khi xảy ra vụ việc do cơ quan công an lập, cơ quan quản lý GPLX không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý thì được xét cấp lại GPLX. GPLX bị mất, còn thời hạn sử dụng và còn hồ sơ gốc, chưa bị đánh dấu hoặc bị đánh dấu một lần vi phạm LGTÐB, nếu bị mất ngoài các trường hợp trên, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau hai tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định thì được dự sát hạch lại lý thuyết để được cấp GPLX.

GPLX còn hạn sử dụng, còn hồ sơ gốc, bị đánh dấu vi phạm hai lần nếu bị mất trong các trường hợp thiên tai như bão lụt, động đất hoặc hỏa hoạn, có xác nhận của chính quyền địa phương; bị cướp, trấn lột có biên bản khi xảy ra vụ việc do cơ quan công an lập, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý thì được dự sát hạch lại lý thuyết để được cấp lại GPLX. GPLX còn hạn sử dụng, còn hồ sơ gốc, bị đánh dấu vi phạm hai lần nếu bị mất, ngoài các trường hợp trên, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau hai tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định thì được dự sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp GPLX.

GPLX quá hạn bị mất, còn hồ sơ gốc, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau hai tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định thì được dự sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp lại GPLX. Thời hạn cấp lại GPLX thực hiện như đối với cấp mới. Khi cấp lại GPLX thì cơ quan quản lý cấp GPLX phải cắt góc GPLX cũ.