Xử lý vi phạm về thuế
Các Website khác - 12/01/2006
Hỏi: Bộ Tài chính quy định việc xử phạt vi phạm về thuế như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại tiết g, điểm 1, mục IV, phần B Thông tư số 41/2004/TT-BTC ngày 25-2-2004 của Bộ Tài chính thì: cá nhân, tổ chức có hành vi trốn thuế ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế trốn theo quy định còn bị xử phạt tiền theo số lần tính theo số tiền thuế trốn.

Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là 1,5 lần số tiền thuế trốn. Trường hợp có tình tiết giảm nhẹ, mức phạt tiền là một lần số thuế trốn; trường hợp có tình tiết tăng nặng, mức phạt tiền là hai lần số thuế trốn. Đối với một trong những hành vi sau:

a) Để ngoài sổ kế toán số liệu kế toán hoặc ghi sổ kế toán không đúng quy định của chế độ kế toán làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm.

b) Sửa chữa, tẩy xoá chứng từ kế toán, sổ kế toán nhằm làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm.

c) Lập thủ tục huỷ vật tư, hàng hoá hoặc giảm số lượng, giá trị vật tư, hàng hoá không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm.

d) Bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ lập hoá đơn trên liên giao cho khách hàng lớn hơn liên lưu về số lượng, giá trị.

đ) Bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ lập hoá đơn ghi giá trị thấp hơn từ 20% (hai mươi phần trăm) trở lên so với giá bán trung bình của hàng hóa, dịch vụ cùng loại trên thị trường địa phương nơi bán hàng.

e) Sử dụng hoá đơn giả, hoá đơn của đơn vị khác, hoá đơn đã hết giá trị sử dụng để bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ nhưng không kê khai đầy đủ số thuế phải nộp.

g) Kê khai, xác định không đúng các căn cứ tính thuế theo quy định của từng sắc thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm.

h) Lưu thông hàng hoá, nguyên, vật liệu không có chứng từ kèm theo để chứng minh lô hàng đã nộp thuế hoặc đã được cơ quan thuế quản lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm 2, mục III, phần B Thông tư này.

i) Các hành vi khác, ngoài các hành vi quy định tại mục IV, phần B Thông tư 41/2004/TT-BTC, làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm.

-------------------------

Xử phạt hành chính trong các lĩnh vực an ninh,
trật tự, an toàn xã hội

Hỏi: Ðề nghị báo cho biết văn bản mới về xử phạt hành chính trong các lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội?

Trả lời: Nghị định số 150/2005/NÐ-CP ngày 12-12-2005 của Chính phủ quy định:

Phạt tiền từ 60 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng đối với các hành vi: Mặc quần áo lót tại nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa tín ngưỡng, nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế; làm hoen bẩn, viết, vẽ, dán quảng cáo tranh ảnh vào các biển hiệu, pa-nô, áp-phích, cây, cột điện, tường nhà, trụ sở cơ quan, tổ chức, trường học, bệnh viện mà không được phép; thả diều, chơi bóng tại khu vực sân bay; có cử chỉ, lời nói thô bạo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu bóng; thả rông trâu bò, ngựa, chó tại nơi công cộng; không mang theo giấy chứng minh nhân dân, không xuất trình giấy chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra.

Phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng đối với các hành vi: Ðánh nhau; thông báo tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; gọi điện thoại đến các số máy khẩn cấp để trêu đùa, chửi bới, lăng mạ; say rượu, bia gây mất trật tự công cộng; ném gạch, đất đá vào tàu, nhà, thuyền, xe lửa và các phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác. Phạt tiền tới 20 triệu đồng đối với các hành vi tổ chức đánh bạc, đánh đề.

Hình thức phạt tiền còn áp dụng đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; quản lý sử dụng con dấu; quy định về tố tụng hình sự; hành vi gây thiệt hại đến tài sản của người khác...

Ngoài hình thức phạt tiền, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

-------------------------

Thanh toán tiền cho người lao động

Hỏi: Khi doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX) lâm vào tình trạng phá sản thì các khoản nợ nào có liên quan đến quyền lợi của người lao động phải được thanh toán?

Trả lời: Theo Điều 2 Nghị định số 94/2005/NĐ-CP ngày 15-7-2005 của Chính phủ về giải quyết quyền lợi của người lao động ở DN và HTX bị phá sản thì các khoản nợ có liên quan đến quyền lợi của người lao động phải được thanh toán bao gồm:

- Tiền DN, HTX nợ người lao động: Tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) là khoản tiền sau khi đã trừ các khoản tạm ứng lương mà DN, HTX còn nợ người lao động tính đến thời điểm người lao động nghỉ việc; trợ cấp thôi việc là khoản tiền mà người lao động được hưởng theo quy định tại khoản 1 Điều 42 của Bộ luật Lao động; tiền chi phí y tế là khoản tiền mà DN, HTX phải chi phí đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật cho người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 107 của Bộ luật Lao động; tiền bồi thường hoặc trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là khoản tiền mà DN, HTX phải bồi thường hoặc trợ cấp cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc cho thân nhân người chết do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật lao động; các quyền lợi khác theo thỏa ước tập thể và hợp đồng lao động (nếu có).

- Tiền nợ cơ quan bảo hiểm xã hội là khoản tiền mà DN, HTX chưa đóng hoặc chưa đóng đủ cho cơ quan BHXH theo quy định của Điều lệ Bảo hiểm xã hội.

-----------------------

Xác định họ tên, dân tộc như thế nào cho đúng?

Hỏi: Hiện nay có rất nhiều trường hợp trẻ em sinh ra có bố là dân tộc Kinh, mẹ là dân tộc Thái, khi đi khai sinh cho trẻ em thì gia đình lại yêu cầu lấy họ của bố nhưng dân tộc lại là dân tộc của mẹ để được hưởng các chính sách đài thọ của Nhà nước. Đề nghị cho biết việc yêu cầu như vậy có đúng pháp luật không?

Trả lời: Theo điểm c khoản 1 Điều 29 và khoản 1 Điều 30 Bộ luật Dân sự thì việc xác định họ tên, dân tộc là theo yêu cầu của cha, mẹ và thực tế ở nước ta thấy các quan hệ huyết thống được xác định chủ yếu theo chế độ phụ hệ nên phần lớn trẻ em sinh ra đều mang họ và dân tộc của bố. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định trường hợp cha và mẹ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán hoặc thỏa thuận của cha mẹ.

Do đó trường hợp trẻ em sinh ra khi đăng ký khai sinh lấy họ của ai (bố hoặc mẹ) thì về nguyên tắc là phải xác định dân tộc theo dân tộc của người đó. Việc yêu cầu khai sinh cho trẻ mang họ của bố, còn dân tộc lại theo dân tộc của mẹ là không đúng.