Năm 2004 cũng đánh dấu nhiều bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với nhiều nước châu Phi.
Phát triển kinh tế, củng cố và kiện toàn thể chế AU
2004 là năm kinh tế châu Phi có bước tăng trưởng đáng khích lệ, tăng trưởng kinh tế toàn châu lục đạt khoảng 4,8 %. Kinh tế 15 quốc gia có dấu hiệu cải thiện, trong đó Uganda, Ethiopia và Burkina Faso có tốc độ tăng trưởng hơn 5%. Quý 3 năm 2004, Nam Phi đạt tăng trưởng kinh tế 5,6%, mức tăng cao nhất trong tám năm qua. Angola, quốc gia đang phục hồi sau nội chiến, đạt mức tăng trưởng 12%.
Châu Phi liên tục nỗ lực kiến tạo môi trường lành mạnh, bền vững, thuận lợi cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Châu Phi chiếm vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự của Hội nghị G-8 với những cam kết hỗ trợ nhiều hơn. Tuy nhiên để đạt mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ đói nghèo vào năm 2015, các nước châu Phi cần đạt tốc độ tăng trưởng 7%/năm, thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn nữa, thúc đẩy buôn bán giữa các nước trong khu vực.
Năm 2004 cũng chứng kiến nhiều bước đi ngoại giao thành công của một số nước châu Phi trong việc tăng cường quan hệ với các nước. Libya đã có bước cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây; LHQ, Mỹ, Liên hiệp châu Ấu (EU) đã xóa bỏ cấm vận đối với nước này. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Mỹ, Anh, Pháp, Italy đã trở lại Libya đầu tư. Khối Thịnh vượng chung tăng cường quan hệ với châu Phi, tổ chức "Hội nghị tư vấn đầu tư và phát triển châu Phi" tại Algeria ngày 30-11-2004 nhằm tập trung thảo luận sáu chủ đề liên quan kinh tế-xã hội châu Phi.
Với mong muốn tìm được liều thuốc trị các "bệnh kinh niên" của lục địa đen và xóa đi hình ảnh tiêu cực trong nhận thức của thế giới về một châu Phi luôn chìm trong đói nghèo, xung đột và bệnh dịch, các nhà lãnh đạo châu Phi đã tiến hành nhiều hoạt động, đưa ra nhiều chính sách củng cố thể chế, thúc đẩy phát trriển kinh tế khu vực.
Ủy ban thực hiện sáng kiến "Đối tác mới vì sự phát triển châu Phi" (NEPAD), một chương trình chấn hưng nền kinh tế châu Phi với mục tiêu thu hút 64 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài mỗi năm, đã tiến hành nhiều cuộc hội thảo nhằm thực hiện dự án "thúc đẩy tiến trình hội nhập", "tiến trình tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững". AU có kế hoạch tăng ngân sách hằng năm từ 43 triệu USD lên 297 triệu USD cho việc tăng cường lực lượng gìn giữ hòa bình và chống đói nghèo. Theo đó, trong ba năm tới, AU cam kết mỗi nước dành 0,5% ngân sách quốc gia để đóng góp vào quỹ nhằm tạo nguồn thu ngân sách tới 1,7 tỷ USD cho các hoạt động thường xuyên của tổ chức này.
Châu Phi, khu vực nhiều dầu mỏ, đang trở thành mối quan tâm của Mỹ. Khu vực Tây Phi có thể cung cấp 25% nhu cầu dầu mỏ của Mỹ từ nay tới năm 2015. Chính quyền Mỹ ngày càng tỏ ra "quan tâm" hơn đối với châu Phi và có nhiều hoạt động can thiệp công việc nội bộ dưới chiêu bài "cuộc chiến chống khủng bố". Trước tình hình đó, các nhà lãnh đạo AU đã tự tìm cách tháo gỡ khó khăn và giải quyết vấn đề của khu vực, tránh phụ thuộc bên ngoài.
Các nước châu Phi đã thành lập Hội đồng Hòa bình và An ninh (PSC) gồm 15 nước thành viên hoạt động theo mô hình của Hội đồng Bảo an LHQ, chịu trách nhiệm kiến tạo, thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Sau khi ra đời, PSC đã cử một nhóm nghị sĩ điều tra tình trạng khủng hoảng nhân đạo ở Darfur, miền Tây Sudan. Các nhà lãnh đạo AU còn dự định triển khai các lực lượng khu vực, trong đó có lực lượng vũ trang Đông Phi, trước khi thành lập một lực lượng đa quốc gia châu Phi vào năm 2010.
Tại Hội nghị cấp cao AU tổ chức tháng 7-2004 tại Ethiopia, các nhà lãnh đạo châu Phi đã quyết định thành lập một hệ thống tư pháp thống nhất của châu lục trên cơ sở sáp nhập Tòa án tư pháp châu Phi và Tòa án châu Phi về con người và quyền con người nhằm đem lại quyền bình đẳng, công bằng cho người dân toàn châu lục. Một trong những cải cách mạnh mẽ của châu Phi là thành lập Nghị viện châu Phi (PAP) hoạt động theo mô hình của EU nhằm bảo đảm sự tham gia đầy đủ của người dân châu lục trong điều hành, phát triển và hội nhập kinh tế.
Việc ra đời nhiều thể chế như vậy chứng tỏ các nước châu Phi mong muốn cụ thể hóa chính sách quốc phòng, an ninh, bảo đảm một phản ứng tập thể đối với các nguy cơ bên trong và bên ngoài.
Còn nhiều thách thức
Mặc dù có nhiều dấu hiệu khả quan nhưng nền kinh tế châu Phi phát triển không đồng đều. Khu vực miền bắc châu Phi chỉ có 22% số dân nhưng chiếm tới 45% GDP châu lục. Trong khi khu vực Đông Phi chiếm 23% số dân lại chỉ chiếm 8,2% GDP châu lục. Nền kinh tế nhiều nước còn trì trệ, nhất là ở khu vực miền trung và miền nam châu Phi. Châu Phi vẫn là châu lục nghèo nhất thế giới, chỉ chiếm 1% tổng FDI, 1% GDP và 2% kim nghạch thương mại toàn cầu.
35 quốc gia châu Phi nằm trong danh sách 48 nước nghèo nhất thế giới, hơn 40% số dân ở vùng nam sa mạc Sahara phải sống dưới mức nghèo khổ (dưới một USD/người/ngày), khoảng 200 triệu trong tổng số hơn 800 triệu người châu Phi thiếu ăn do sản lượng lương thực ở 31 quốc gia giảm. 35% trong số 115 triệu trẻ em thế giới không được đến trường là ở các nước phía nam sa mạc Sahara.
Theo báo cáo mới đây của Chương trình LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS), khu vực nam Sahara chỉ chiếm 10% số dân thế giới nhưng chiếm tới gần 70% số người có HIV (khoảng 25 triệu người). Với tốc độ tăng nhanh như hiện nay, trong mười năm tới, đại dịch HIV/AIDS sẽ làm giảm một nửa lực lượng lao động ở các nước miền nam châu Phi và đến 2020, tuổi thọ trung bình ở khu vực này sẽ giảm xuống dưới 20 tuổi. Đại dịch này gây thiệt hại từ 0,5% đến 2,5% GDP của châu Phi mỗi năm. Đây còn là một trong những nguyên nhân khiến tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Trong khi một số nước như Liberia, Burundi đang nỗ lực từng bước kiến tạo hòa bình và xây dựng lại đất nước sau nội chiến thì ở một số quốc gia châu Phi, xung đột sắc tộc, tôn giáo vẫn tiếp diễn làm hàng triệu người phải chạy tị nạn sang các nước láng giềng, hàng chục triệu người mất nhà ở. Cuộc xung đột ở Darfur, miền tây Sudan, bùng phát với diễn biến ngày càng nghiêm trọng trong năm qua đã làm 70 nghìn người chết, 1,4 triệu người phải tị nạn ở các nước láng giềng và trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
Mặc dù các nhà lãnh đạo AU với vai trò trung gian hòa giải đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Sudan và các lực lượng nổi dậy nhưng chưa đạt kết quả, nhiều cuộc hòa đàm bị đổ vỡ.
Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất cô-ca lớn nhất thế giới ở khu vực Tây Phi, tiếp tục mất ổn định mặc dù đã đạt được hiệp định hòa bình. Việc Chính phủ Bờ Biển Ngà bất ngờ mở các đợt tiến công căn cứ của lực lượng nổi dậy ở miền bắc và căn cứ quân sự của Pháp khu vực này hồi tháng 11 đã làm mối quan hệ với Pháp căng thẳng, gây tình trạng bạo loạn ở Bờ Biển Ngà buộc các nhà trung gian hòa giải phải tiến hành nhiều phiên họp bàn nhưng chưa đạt kết quả mong muốn.
Căng thẳng biên giới giữa CHDC Congo và Rwanda đe dọa phá vỡ hiệp định hòa bình ở CHDC Congo, nguy cơ dẫn đến bùng nổ chiến tranh ở khu vực Hồ Lớn. Các cuộc xung đột ở Ni-giê-ri-a, Somalia cũng gây mất ổn định khu vực, ảnh hưởng thị trường dầu mỏ thế giới.
Bước tiến mới của quan hệ Việt Nam-châu Phi
Sau thành công của Hội thảo quốc tế "Việt Nam-châu Phi: Những cơ hội hợp tác và phát triển trong thế kỷ 21" được tổ chức tại Hà Nội năm 2003, quan hệ Việt Nam và châu Phi trong năm 2004 có những bước phát triển quan trọng thúc đẩy quan hệ hai bên lên tầm cao mới.
Cuối tháng 10-2004, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-châu Phi diễn ra tại Hà Nội đã cung cấp thông tin về môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách thương mại-đầu tư của Việt Nam với châu Phi nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam - châu Phi với mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu giữa hai bên đạt 1 tỷ USD vào năm 2010. Ba năm trở lại đây, kim ngạch buôn bán hai chiều tăng gấp đôi. Năm 2004, kim ngạch thương mại Việt Nam-châu Phi đạt gần 500 triệu USD.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam và châu Phi tăng cường các chuyến thăm lẫn nhau. Năm 2004, Tổng thống hai nước Burkina Faso và Tanzania đã thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.
Chuyến thăm ba nước châu Phi Algeria, Ma-rốc và Nam Phi tháng 11-2004 của Thủ tướng Phan Văn Khải đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-châu Phi. Đây là chuyến thăm lần đầu của vị đứng đầu Chính phủ Việt Nam tới châu Phi trong 30 năm qua nhằm tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè truyền thống và để triển khai các phương hướng đã được đưa ra tại Hội thảo Việt Nam-châu Phi.
Trong chuyến thăm này, Chính phủ Việt Nam đã ký nhiều thỏa thuận, hiệp định hợp tác với Chính phủ Ma-rốc, trong đó có: Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật, Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu đặc biệt, Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên đoàn các phòng thương mại, Công nghiệp và dịch vụ Ma-rốc...; ký Thỏa thuận hợp tác nông nghiệp giữa hai Chính phủ Việt Nam và Algeria; ký Tuyên bố chung giữa Chính phủ Việt Nam và CH Nam Phi, trong đó thành lập một "Diễn đàn đối tác liên chính phủ" nhằm thúc đẩy quan hệ và hợp tác song phương.
Những chuyển biến tích cực diễn ra ở châu Phi trong năm qua cho thấy châu Phi đang từng bước nỗ lực ổn định tình hình, thúc đẩy phát triển kinh tế và tích cực hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, những thách thức đang đặt ra với các nhà lãnh đạo châu Phi trong những năm tới còn nhiều và lời giải cho bài toán xóa đói, giảm nghèo, chấm dứt xung đột ở lục địa này vẫn ở phía trước.
|