Chống HIV/AIDS kiểu… Brazil
Các Website khác - 01/07/2005

Trong khi những loại thuốc phòng chống hoặc làm chậm lại sự phát triển của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS vẫn có giá cả ở mức… trên trời so với thu nhập của người dân các quốc gia đang phát triển, thì việc gần đây, Brazil đã cho phép cấp giấy môn bài cho các công ty dược trong nước đã là một động thái gây nức lòng những người hoạt động trong lĩnh vực y tế. Thậm chí có người còn ca ngợi chiến lược hết sức năng động đó của Brazil sẽ là kiểu mẫu trong tương lai cho toàn cầu.

Sự bất lợi trong quá trình toàn cầu hoá chính là khuynh hướng phân bố không đồng đều về mức sống cũng như các nguy cơ rủi ro lên các quốc gia nghèo và thiếu vị thế quyền lực. Và bất lợi này thể hiện rõ rệt nhất không ở đâu khác mà chính trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS của toàn cầu.

Dẫu rằng virus HIV lây nhiễm qua bất chấp biên giới của nước nào nhưng hầu hết các nạn nhân của nó lại rơi vào các nước thuộc thế giới thứ ba. Một thực tế và có lẽ cũng là nguyên nhân của tình trạng này chính là, ở các quốc gia đó, vẫn còn rất ít các chương trình phòng chống và thiếu thốn các liệu pháp điều trị căn bệnh này.

Tuy nhiên, với việc hình thành các tổ chức chính trị và các cấu trúc kinh tế, quá trình toàn cầu hoá đã và đang tạo ra rất nhiều những cơ hội chưa từng có trước đây đối với việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, kể cả những người dân nghèo khó, thấp cổ bé họng.

Về vấn đề này, bác sĩ Peter Piot, chủ tịch hội đồng quản trị của UNAIDS hết sức tán thành. Ông cho biết: "Chúng ta hướng tới một quá trình toàn cầu hoá không chỉ nhằm mục đích giải quyết vấn đề về thị trường và lợi nhuận, mà hơn thế nữa, chúng ta cần một sự toàn cầu hoá mang lại lợi ích cho tất cả mọi người dân, những người nghèo khổ nhất cũng sẽ được hưởng những mặt lợi ích đó".

Brazil đã trở thành lực lượng đi đầu trong hành trình thực hiện những hứa hẹn tốt đẹp đó của quá trình toàn cầu hoá. Dựa trên những ghi nhận về mặt hiến pháp về quyền lợi y tế của người dân và những nỗ lực phòng chống AIDS tại đất nước này, Brazil hướng tới mục tiêu cuối cùng là vận động sự hợp tác và thống nhất giữa các tổ chức và các quốc gia toàn cầu.

Sơ qua về lịch sử AIDS tại Brazil

AIDS bắt đầu xâm nhập Brazil vào đầu những năm 80 sau khi quân chiếm đóng rút khỏi nước này. Trong những năm của thời kỳ tiếp theo, đại dịch AIDS đã bùng phát rất đáng lo ngại trong cộng đồng dân cư của quốc gia Nam Mỹ.

Trước tiếng kêu cứu thảm thiết của các nạn nhân và gia đình họ, sự hình thành ngày một đông đảo các nhóm hoạt động phi chính phủ, các tổ chức xã hội tại Brazil đã phải xắn tay vào cuộc trong đợt thảo luận về mặt chính trị và xã hội gay gắt trên diện rộng. Mục đích của những lần thảo luận chính là bàn về vấn đề quyền lợi y tế cũng như trách nhiệm của chính phủ quốc gia trong việc cung cấp các điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho người dân.

Cần cấp thiết hành động

Năm 1986, tổng thống Brazil, ông José Sarney đã quyết định thực thi chương trình phòng chống AIDS quốc gia. Và ngay hai năm sau đó, năm 1988, Brazil cũng đã ban hành hiến pháp liên bang công nhận quyền được hưởng các điều kiện chăm sóc y tế của người dân.

Chính sự gia tăng các trường hợp lây nhiễm HIV ở mức báo động đã buộc các chính trị gia, các chuyên viên y tế có sự quan tâm rất bức xúc trước vấn nạn này. Tình hình đó còn khiến dư luận tạo một sức ép lên các quan chức chính phủ, buộc họ phải có kế hoạch hành động hợp lý thông qua hệ thống y tế công cộng trên cả nước.

Bất kể những khó khăn trước mắt còn rất nhiều, chính phủ cùng toàn thể xã hội vẫn sẽ kết hợp chặt chẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch thể kỷ này trên đất nước Brazil.

Cụ thể, chính phủ nước này đã cắt giảm mức thuế nhập khẩu với các mặt hàng bao cao su nhằm giảm giá thành bán ra của loại sản phẩm này. Chính quyền địa phương và trung ương sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để phân phối bơm kim tiêm sạch và tư vấn thông tin cho các con nghiện chuyên tiêm thuốc trực tiếp vào tĩnh mạch. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa thực sự thu được kết quả tối ưu khi mà chi phí cho điều trị rất cao với thời gian điều trị kéo dài, giá các loại thuốc chống virus ngày càng cao, như các sản phẩm của công ty Merck, Hoffman – LaRoche, Pfier và Abbott.

Ưu việt của ARV (thuốc chống virus)

Tới năm 1996, khi số bệnh nhân nhiễm AIDS đã tăng xấp xỉ mỗi năm gần 25,000 trường hợp, tổng thống Fernando Henrique Cardoso đã quyết định ký pháp lệnh uỷ nhiệm việc phân phối thuốc chống virus trên toàn lãnh thổ.

Cho tới năm 1997, chi phí hằng năm cho một bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở Brazil đã lên tới 4,860 đô la Mỹ. Điều này gây ra một thách thức hết sức gay go đối với nguồn công quỹ quốc gia chi cho lĩnh vực y tế và cả các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Với những thành công về lâu về dài của thuốc chống virus (ARV) trong việc giảm thiểu chi phí điều trị nói chung khi giảm được số ngày phải nằm điều trị trong bệnh viện và giảm thiểu số trường hợp lây nhiễm mới, chính phủ Brazil đã tập trung nhiều hơn vào việc làm thế nào để có một mức giá hợp lý hơn nữa để các loại thuốc này đến tay được nhiều hơn với người dùng.

Mở cửa cho ARV

Trong suốt những năm 90, chính phủ Brazil cuối cùng cũng đã thương lượng thành công với các chính quyền và tổ chức trong cả nước về việc sản xuất tám trong số mười ba loại thuốc chống virus cần thiết. Cùng với thoả thuận đó, chính phủ cũng đã bàn bạc với họ để đi đến quyết định giảm thuế cho các loại thuốc cần nhập khẩu nhằm đảm bảo việc chữa trị được thực hiện tốt.

Trong suốt giai đoạn cuối những năm 90, Brazil đã có thể giảm tỉ lệ lây nhiễm HIV tới 50% so với con số dự tính của Ngân hàng thế giới. Số lây nhiễm mới cũng giảm đáng kể, cho tới năm 2003, chỉ còn gần 15,000 trường hợp mỗi năm. Không những thế, số ca tử vong đã giảm xuống hơn 50%  vào năm 1996.

Bất kể còn nhiều những áp lực từ phía Mỹ và các công ty dược, Brazil tỏ ra hết sức mẫu mực trong phương thức phòng chống rất toàn diện trước đại dịch AIDS.

Tất nhiên, trước mắt Brazil không phải không có những khó khăn, trở ngại. Mà thách thức đầu tiên chính là quá trình toàn cầu hoá, khi ấy, chính phủ sẽ phải lo điều chỉnh kế hoạch hành động theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, khu vực.

Lực cản khách quan

Vào đợt tháng Giêng năm 2001, nguyên tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tranh thủ cơ cấu nghị quyết còn gây nhiều tranh cãi của WTO để gây sức ép lên Brazil, yêu cầu  nước này xem xét lại lời đe doạ sẽ cấp giấy phép kinh doanh bắt buộc đối với 5 loại thuốc nhập khẩu để điều trị HIV/AIDS.

Chính quyền Clinton hy vọng sẽ lôi kéo WTO  vào việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng cách xoi mói vào bộ luật sản xuất công nghiệp năm 1996 của Brazil. Bộ luật này đã tính đến các giấy đăng ký bắt buộc và sự nhập khẩu song song (từ nước thứ ba sẽ ở mức giá thấp) trong các trường hợp đặc biệt. Như vậy đạo luật này chứng tỏ được đặt ra nhằm đáp ứng nhu cầu riêng của một số cá nhân doanh nghiệp hơn là chú trọng vào mối quan tâm của cộng đồng trong chiến dịch phòng chống AIDS như Merck và Pfizer.

Những thoả thuận thắng lợi

Về phía Brazil, quốc gia này đã phản ứng lại bằng một chiến dịch toàn cầu nhằm tìm kiếm sự thoả hiệp giữa quyền sở hữu trí tuệ và việc cần mở rộng các liệu pháp ngăn chặn và điều trị AIDS.

Vào tháng 3 năm 2001, Brazil đã đi đến thống nhất với hãng dược Merck về việc thiết lập giá cả, sau đó, nước này tiếp tục quá trình thoả thuận với hãng Hoffman-LaRoche nhằm thiết lập sự dàn xếp phân biệt về cách thức đặt khung giá cả nhằm đảm bảo người bệnh có khả năng chi trả cho các loại thuốc ARV đó.

Vào tháng tư năm 2001, Brazil đã đem vụ việc của mình tới Uỷ ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc và kiên quyết khẳng định rằng, việc được tiếp cận với các phương pháp điều trị HIV là một vấn đề nhân quyền. Mỹ là nước duy nhất bỏ phiếu trắng trong lần trưng cầu ý kiến của uỷ ban.

Cũng vào tháng Năm năm đó, Brazil lại tiếp tục mang vụ việc này tới Hội đồng của Tổ chức y tế Thế giới tại Geneva. Tại đây, Brazil cũng đề xuất việc chấp thuận những bảo vệ về mặt pháp luật cho các quốc gia có nguyện vọng sản xuất các loại thuốc ARV cùng loại.

Chiến thắng tại LHQ

Những chiến lược thoả thuận đó của Brazil đã gặt hái được những thành công xứng đáng tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng sáu năm 2001.

Cùng với phiên họp đó, tổng thống Mỹ George W. Bush đã chấp thuận xoá bỏ những điều nằm trong chính sách của ông Clinton mà WTO kêu ca, đồng thời cũng tạo nên một uỷ ban cố vấn hai quốc gia hợp tác với Brazil nhằm đạt được thoả thuận.

Nhân rộng mô hình Brazil

Theo như ông Robert Zoellick là Đại diện thương mại của Mỹ tại Brazil khi ấy thì, "Nước Mỹ đã luôn hỗ trợ, giúp đỡ Brazil trong chương trình phòng chống đại dịch HIV/AIDS rất hiệu quả. Với bước tiến rất tích cực trong quan hệ này, chúng ta sẽ có điều kiện để khai thác tối đã những năng lực vốn có, nhằm hướng tới những mục đích chung của cả hai bên trong việc kiểm soát sự lây lan của đại dịch này.

Chính từ việc nước Mỹ buộc phải ghi nhận những thành công của Brazil trong công tác phòng chống HIV/AIDS đã khiến WTO chấp thuận thông qua một hiệp định đặc biệt về vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ và y tế cộng đồng. Từ đó báo trước một điều trong tương lai, cách thức hoạt động của Brazil sẽ còn tiếp tục được nhân rộng ra trên toàn cầu.

Từ hồi cuối năm 2001, nhất là sau thảm hoạ ngày 11/9 và đợt bùng phát bệnh than tại Mỹ, LHQ đã hầu như dành toàn bộ nguồn công quỹ (Global Fund - Quỹ toàn cầu) chi phí cho công tác phòng chống AIDS, lao và sốt rét.

Quỹ toàn cầu (Global Fund)

Quỹ toàn cầu là kết quả đóng góp lại của các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các IGO, các cá nhân hảo tâm nhằm chống lại đại dịch AIDS thông qua nỗ lực điều phối và cơ sở hạ tầng cần thiết. Nó cũng tiêu biểu cho mô hình hoạt động của Brazil trong chiến dịch phòng chống và kiểm soát đại dịch AIDS. Đó là cách thức hoạt động dựa trên việc kết hợp nguồn sức mạnh của cả chính phủ và các hiệp hội hoạt động trong nước.

Hiện nay, đất nước Brazil vẫn đang tiếp tục thử nghiệm vai trò dẫn đầu của mình trong chiến dịch phòng chống căn bệnh thế kỷ dưới chế độ lãnh đạo mới mẻ của tổng thống Lula.

LHQ hợp tác cùng Brazil

Vào tháng 9 năm 2004, chính phủ của ông Lula đã đi đến thoả thuận với tổ chức UNAIDS trong việc mở một Trung tâm quốc tế về hợp tác công nghệ phòng chống AIDS, những nguồn quỹ được gây đầu tiên cho trung tâm này đến từ LHQ và chính phủ liên bang của Brazil.

Dương Kim Thoa dịch từ

http://www.theglobalist.com/StoryId.aspx?StoryId=4605