Tất cả các bác sĩ và y tá đều tỏ ra hết sức hân hoan khi chứng kiến cảnh Shay bước lên sàn nhảy, cô vẫy tay trong không trung và lắc đầu mạnh mẽ từ bên nọ sang bên kia. Cô gái đó vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 18 của mình và cũng là kỷ niệm năm thứ 18 cô đã chiến thắng trong cuộc chiến giành lại sự sống với tử thần HIV/AIDS.
Không ai trong số họ nghĩ rằng, thiếu nữ rạng rỡ và tươi tắn với gót chân kiêu sa đang lướt đi theo bản nhạc rap kia lại có thể sống được tới sinh nhật lần thứ mười tám của mình, và lại còn có thể vào học tại trường đại học nữa.
Cha mẹ Shay đã mất vì căn bệnh thế kỷ cách đây khoảng 10 năm, khi đó, Shay mới 8 tuổi, cô bé đã nhiễm virus HIV ngay từ lúc mới sinh ra và tất cả những người biết cô và hoàn cảnh gia đình cô đều tin rằng, cô bé sẽ không thể sống lâu được nữa.
Nhưng cô đã làm được một điều thật kỳ diệu.
Cô đã sống khoẻ mạnh và không chỉ dừng lại ở đó, cô vẫn tiếp tục học tập, trong tuần này cô sẽ tốt nghiệp phổ thông trung học. Và để ghi dấu lại thành công này, tối hôm thứ năm (16/6) cô đã tổ chức kỉ niệm thành công của mình cùng với các nhân viên của chương trình phòng chống AIDS Robert Wood Johnson và Hội lao động trung tâm hạt Somerset.
Chính hội đồng lao động đã tổ chức một bữa tiệc nhỏ tại Trung tâm giáo dục lao động thuộc trường đại học Rutgers cho Shay và hai học sinh khác cũng nhiễm HIV ngay từ khi sinh ra và cùng tốt nghiệp phổ thông trung học với Shay trong tuần này.
Bác sĩ Sunanda Gaur, chủ nhiệm chương trình phòng chống AIDS cho biết: "Hồi đầu, người bệnh thường dễ tử vọng. Mười năm trước đây, không ai trong chúng tôi nghĩ rằng các cô bé đó có thể tốt nghiệp được. Chúng tôi không dám mơ đến chuyện ngày hôm nay đã có thể trở thành hiện thực.
Chương trình phòng chống AIDS là một chương trình hợp tác giữa trường y Robert Johnson và Bệnh viện của đại học Robert Wood Johnson tại New Brunswick. Được thiết lập từ năm 1983, chương trình được coi là một dự án nghiên cứu, chăm sóc nạn nhân của đại dịch AIDS cho vùng Central New Jersy.
Shay lúc đó đang sống tại Sprintfield đã cùng với một cô gái 17 tuổi người Trenton (còn gọi là D.J) tham dự chương trình này trong gần như toàn bộ cuộc đời (Hai cô không muốn tiết lộ tên thật cũng như tên trường phổ thông nơi các cô đã học vì những lý do cá nhân). Và vào thời điểm hai cô bé tham gia chương trình, chỉ có các bác sĩ và một số thành viên trong gia đình là biết hai cô nhiễm HIV.
Shay nói: "Tôi đã lớn lên và cũng đã vượt qua được bệnh tật". Mùa thu này, Shay đang có dự kiến sẽ theo học ngành thương mại tại trường đại học Union County.
Trước năm Shay tám tuổi, cô không hề biết mình đã bị nhiễm HIV, ngay cả sau khi mẹ cô mất, các bác sĩ đã nói cho cô biết về tình trạng bệnh tật của mình thì cô cũng vẫn chưa hiểu HIV có nghĩa là gì.
Cô nói: "Tôi còn quá trẻ. Khi đó, tôi thực sự không hiểu liệu rằng HIV thì có gì gây phiền toái cho mình cơ chứ. Chỉ lớn lên rồi thì tôi mới biết sự thực khủng khiếp về nó. Thoạt đầu tôi đã nghĩ đó là lỗi thuộc về mình, nhưng bây giờ tôi hiểu, tôi không có lỗi gì cả, và tôi chấp nhận căn bệnh đó như một sự đã rồi".
Với Shay, ngoại trừ những lúc phải điều trị thuốc thang hàng ngày và vô số các cuộc gặp gỡ với bác sĩ thì cô cũng đã được tận hưởng một cuộc sống bình thường như bao người khác, cô vẫn có thể xem phim, đi trượt băng, chơi bowling và nhiều nhiều những môn thể thao khác nữa.
Theo cô, căn bệnh quả là đã không ảnh hưởng gì tới tôi. Bạn không thể nói rằng tôi đang mắc bệnh đó. Bởi lẽ, có đến nửa thời gian trong cuộc đời mình tôi đã quên mất rằng mình đang mang trong mình HIV dương tính. Tôi đang sống với nó, chấp nhận nó nhưng tôi không hề chết vì nó.
Helen Verhage, giám đốc Hội đồng nhân công Somerset County Central đã gặp Shay và D.J lần đầu tiên trong bữa tiệc giáng sinh thường niên do dự án phòng chống AIDS tổ chức. Sau khi được tận mắt chứng kiến và lắng nghe những câu chuyện về thành công của hai nữ sinh này cũng như thấy được thái độ lạc quan tích cực của họ, cô đã quyết định dành cho họ một buổi tối đặc biệt. Cô nói: "Tôi chỉ cảm thấy rằng mình cần phải làm một điều đặc biệt nào đó để dành cho những cô gái đáng yêu này. Chúng không đầu hàng trước bệnh tất mà đã dũng cảm đương đầu với nó".
Cô đã chia sẻ ý tưởng này cùng với các thành viên trong hội đồng. Và bữa tiệc đã diễn ra đúng như mong muốn của cô. Tại buổi tiệc cô nói: "Chúng tôi muốn chúc mừng các em gái vì tất cả những nỗ lực đáng khâm phục của các em và mong rằng các em sẽ luôn khỏe mạnh trong thời gian tới".
"Ôi lạy chúa", Shay kêu lên xúc động và không ngăn nổi những giọt nước mắt xúc động đang trào ra nóng hổi.
D.J cũng bất khóc trước nghĩa cử cao đẹp của Hội đồng, một buổi lễ nước mắt nhiều hơn nụ cười nhưng đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc, của tin yêu và tự hào.
D.J cũng có dự định trong mùa thu tới sẽ tới học về chuyên ngành công tác xã hội tại đại học Cộng đồng hạt Mercer. Cô không giấu nổi niềm vui sướng khi nói: "Tôi không muốn im lặng, đó không phải là kiểu cách thường ngày của tôi, tôi muốn được thể hiện là mình đang hạnh phúc". D.J đã luôn nỗ lực để có thể sống thật hạnh phúc trong khi phải đối mặt từng ngày với căn bệnh quái ác.
Cũng giống như Shay, năm lên tám tuổi, D.J cũng biết rằng mình đã nhiễm virus HIV. Tuy nhiên chỉ đến năm 11 tuổi, cô mới bắt đầu hiểu về căn bệnh nguy hiểm này cũng như những tác động của nó lên cơ thể lớn lên từng ngày của mình.Nhưng nói chung, D.J vẫn cảm thấy mình là một đứa trẻ bình thường cho dù thực tế là cô đang mang trong mình căn bệnh đó. Cô nhớ lại: "Tôi đã có một tuổi thơ thật đẹp, cùng đi chơi với bạn bè, cùng đọc sách, xem phim hoạt hình. Khi đó tôi cũng đã hỏi, tại sao mình lại bị HIV, tại sao mình không thể là một người bình thường được nữa. Nhưng nếu cứ phải suy nghĩ mãi như thế thì không ai có thể sống thật sự "bình thường" được.
Năm năm trước đây, sau khi mẹ mất, D.J đã cố gắng tạo nên "sự bình thường" cho cuộc sống của mình. Cô chuyển vào sống tập thể, nhưng dẫu sao, việc người mẹ yêu quý ra đi đã để lại trong cô một khoảng trống không dễ gì lấp được.
Nhìn lên trần nhà, D.J nói: "Thật khổ sở vì không có mẹ. Tôi có cảm giác như tôi chẳng còn ai thân thiết trên cõi đời này nữa".
Nhưng cũng từ lúc đó, cô hiểu rằng mình chỉ có thể dựa vào bản thân để sống thì cô đã dồn tất cả quyết tâm và nghị lực để học tập và làm cho cuộc sống của mình tươi tắn thêm lên.
Cô thường xuyên viết ra những cảm xúc, những suy tư và cả những dự định của mình với mong muốn một ngày kia sẽ xuất bản một cuốn sách có thể giúp đỡ những phụ nữ trẻ cùng cảnh ngộ. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô hy vọng có thể mở một quỹ và trung tâm vui chơi, giải trí cho trẻ em.
Dương Kim Thoa dịch từ
▪ Xét nghiệm HIV cho kết quả sau 20 phút (21/06/2005)
▪ Xây dựng chính sách về chăm sóc trẻ nhiễm HIV (18/06/2005)
▪ Mỹ và Ấn Độ bắt tay hợp tác trước đại dịch HIV/AIDS (19/06/2005)
▪ Triển khai dự án cộng đồng phòng chống HIV trong cả nước (17/06/2005)
▪ HIV/AIDS không còn là án tử hình (19/06/2005)
▪ Sẽ sớm sản xuất loại bao cao su mới cho phụ nữ (19/06/2005)
▪ Dành trái tim và khối óc cho những người nhiễm HIV (17/06/2005)
▪ Trung Quốc đề ra giải pháp mới phòng chống HIV/AIDS (16/06/2005)
▪ TPHCM: Tổ chức cuộc thi “Trẻ em nói về HIV/AID” (14/06/2005)
▪ Chuyện của chúng mình - những người câm nói về AIDS... (14/06/2005)