![]() |
Các đại biểu dự Hội nghị phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ngày 18/12 |
Đó là quan điểm nhất quán tại Hội nghị Chính phủ triển khai chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ (PN), trẻ em (TE) từ năm 2004 - 2010, tổ chức tại TP.HCM hôm qua 18/12, với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, các tỉnh thành trong cả nước và một số tổ chức quốc tế. Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm chủ trì hội nghị.
Thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt
Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm khẳng định tình trạng buôn bán PN, TE hiện không chỉ riêng ở Việt Nam, mà là vấn nạn toàn cầu, xảy ra ở nhiều quốc gia và trở thành vấn đề của Liên Hiệp Quốc. Tại Việt Nam, trong khoảng 10 năm gần đây, dạng tội phạm này rất phức tạp. Đến nay đã có hàng chục ngàn PN, TE Việt Nam bị lừa bán ra nước ngoài để bị buộc mại dâm, làm vợ bất hợp pháp, buộc lao động trong điều kiện tồi tệ, bị sử dụng vào các mục đích thương mại, vô nhân đạo... "Tại Thái Bình, qua khảo sát đến tháng 9/2003 đã phát hiện 2.514 PN bị lừa gạt, buôn bán hoặc tự nguyện ra nước ngoài, chủ yếu sang Trung Quốc, trong đó có xã có trên 300 PN bị lừa bán ra nước ngoài" - Trung tướng Tiệm nêu điển hình và nhận định: "Tình hình buôn bán PN, TE hiện vẫn không có chiều hướng giảm và tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Đã hình thành nhiều đường dây, tổ chức tội phạm buôn bán PN, TE xuyên quốc gia và có tính quốc tế". Chỉ tính từ năm 1991 đến tháng 9/2004, các cơ quan chức năng đã phát hiện điều tra 2.458 vụ với 4.076 đối tượng phạm tội. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu thì thực tế số vụ và tội phạm trong lĩnh vực này còn lớn hơn rất nhiều.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tình trạng buôn bán PN, TE tập trung phức tạp ở các địa phương có biên giới chung với Trung Quốc, Campuchia, có điều kiện kinh tế khó khăn. "Điểm đến" của phần lớn PN, TE Việt Nam khi bị bán ra nước ngoài là Trung Quốc, Campuchia, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan và một số quốc gia Đông Âu. Và, dù mang tính toàn cầu, tổ chức xuyên quốc gia... nhưng qua khảo sát ở nhiều địa phương và những vụ án đã bị phá, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) nhận định thủ đoạn bọn tội phạm thường dùng là dụ dỗ các cô gái trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có việc làm ở các vùng nông thôn, hứa hẹn giúp tìm việc làm ổn định, thu nhập cao, nhưng thực chất là lừa bán ra nước ngoài; lợi dụng các chính sách thông thoáng trong quản lý xuất nhập cảnh, xuất khẩu lao động, kết hôn, cho nhận con nuôi... để tổ chức mua bán PN, TE ra nước ngoài dưới danh nghĩa kết hôn, đi du lịch, làm con nuôi người nước ngoài; dùng thủ đoạn đẩy, ép PN, TE hoặc gia đình họ vào con đường sa ngã hoặc bị lệ thuộc để cưỡng ép, mua chuộc, đe dọa PN, TE làm theo ý định của chúng... "Có rất nhiều trường hợp các đối tượng phạm tội ứng trước một số tiền cho bản thân hoặc gia đình nạn nhân, hợp pháp hóa các giấy tờ, thủ tục kết hôn, xuất cảnh hoặc cho nhận con nuôi. Nạn nhân khi đã ra nước ngoài mới biết bị lừa bán thì đã muộn" - Thiếu tướng Trần Văn Thảo - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, cảnh báo.
Phòng ngừa là chính
Trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động hợp tác quốc tế trong việc phòng chống tội phạm buôn bán PN, TE, nhất là với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Campuchia, Lào; ký biên bản ghi nhớ về phòng chống tội phạm buôn người giữa 6 nước tiểu vùng sông Mê Kông... Tuy nhiên, công tác chống tội phạm trong lĩnh vực này vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi nạn nhân và cả bọn tội phạm đã ra nước ngoài. "Có nhiều nạn nhân, khi được giải thoát hoặc bị đẩy về qua biên giới thì đã thân tàn ma dại. Lúc đi lành lặn, khi về... xe lăn, rất thương tâm" - đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn bức xúc từ thực trạng ở địa phương. Vì vậy, các giải pháp đưa ra từ hội nghị đều tập trung vào phòng ngừa, trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục được đặt lên hàng đầu, tập trung vào hai "thành trì" gia đình và chính quyền địa phương. "Thực tế vẫn có không ít gia đình chấp nhận để con gái lấy chồng nước ngoài nhằm có thêm thu nhập, có những xã xem việc có nhiều PN lấy chồng nước ngoài là niềm tự hào" - đại diện tỉnh Thanh Hóa nói. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đàm Hữu Đắc cũng bức xúc và đặt vấn đề về vai trò của chính quyền phường, xã: "Chính phủ, tỉnh, TP... dù có rất nhiều văn bản đốc thúc, nhưng người đứng đầu xã, phường không chuyển động, sát sao với tình hình thì cũng không có hiệu quả. Một xã mà để ra đi mấy trăm người thì trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu?".
Bên cạnh công tác tuyên truyền giáo dục, một biện pháp hữu hiệu được đề cập nhiều là làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế ở địa phương. Các đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế chính sách cụ thể giúp những nạn nhân khi về nước tái hòa nhập nhanh với cộng đồng; tăng cường hợp tác quốc tế; hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với tình hình hiện nay... Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng kiến nghị cần phải xử ở mức cao nhất theo khung loại tội phạm buôn bán người.
Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm Đ.T (lược ghi) |
Muốn lấy vợ Việt Nam cũng phải qua phỏng vấn! Một trong những vấn đề nhức nhối được đề cập tại hội nghị là tình trạng PN ở một số địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam, ồ ạt lấy chồng Đài Loan thông qua môi giới. Tại Đồng Tháp, trong số 10.053 PN lấy chồng nước ngoài trong những năm qua thì có tới hơn 8.500 trường hợp lấy chồng Đài Loan; tại Tây Ninh từ năm 1995 đến nay đã có hơn 8.000 PN lấy chồng Đài Loan, chiếm 80% số PN lấy chồng nước ngoài trên địa bàn... Để quản lý tình trạng này, các đại biểu cho rằng cần có những quy định chặt chẽ hơn trong vấn đề hôn nhân giữa PN Việt Nam và nước ngoài; cần có tổ chức tư vấn hôn nhân có yếu tố người nước ngoài, quản lý xét duyệt chặt chẽ việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài; tăng trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam trong xác minh và tổ chức hồi hương người Việt Nam bị cầm giữ ở nước ngoài... Đáng lưu ý, bà Hà Thị Khiết, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của PN Việt Nam, đề xuất: "Cần chỉ đạo Văn phòng Kinh tế - Văn hóa của Việt Nam tại Đài Loan có trách nhiệm phỏng vấn nam giới Đài Loan trước khi cho phép họ kết hôn với PN Việt Nam, giống như Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc đã và đang tiến hành phỏng vấn các cô dâu Việt Nam tại TP.HCM". Đ.T |
Đức Trung
▪ Chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm (15/12/2004)
▪ Hà Nội ''phân tải'' các trung tâm cai nghiện (14/12/2004)
▪ Để lời khẩn cầu vang xa hơn … (11/12/2004)
▪ Bạn trẻ khuyết tật phòng chống HIV/AIDS (10/12/2004)
▪ Ban hành giáo trình dành riêng cho TT cai nghiện (07/12/2004)
▪ Người Singapore phải xét nghiệm HIV trước khi kết hôn? (06/12/2004)
▪ Phòng chống HIV/AIDS ở nông thôn (30/11/2004)
▪ Khoả thân để cảnh tỉnh bệnh AIDS (02/12/2004)
▪ Chống AIDS bằng tin nhắn SMS (02/12/2004)
▪ Phát hành sách ảnh buổi hòa nhạc của Tổng thống Mandela (01/12/2004)