Sau thành công của các chương trình biểu diễn như Nơi đến năm 2002 và Mắt bão năm 2003, cặp vợ chồng biên đạo múa Lê Vũ Long và Lưu Thị Thu Lan - những người trực tiếp dẫn dắt nhóm múa khiếm thính Nơi Đến - rất tự tin ở Chuyện của chúng mình ra mắt ngày 16-6 tới.
Tác phẩm này nằm trong dự án Thay đổi nhận thức về HIV-AIDS thông qua nghệ thuật múa đương đại và từng nhận giải thưởng trong cuộc thi Ngày Sáng tạo Việt Nam phòng chống HIV-AIDS do Ngân hàng Thế giới tổ chức
Chuyện của chúng mình không kể về một câu chuyện, hay một trường hợp cụ thể mà nó là tổng hợp những câu chuyện hằng ngày xung quanh chúng ta, kể không hết và khi được kể trên sân khấu là để cho khán giả lựa chọn những cách nhìn về những vấn đề ấy, có mặt tốt và mặt xấu, có sự cao cả và thấp hèn. Mỗi câu chuyện được gắn với một hoàn cảnh mà hoàn cảnh nào cũng đều xoay quanh tình yêu, dù là tình yêu nam nữ hay tình cảm đồng giới. Và HIV - một câu chuyện trong các câu chuyện hằng ngày ấy, được nhìn nhận như bao căn bệnh khác, không có gì để phải xa lánh nhưng phải hiểu cặn kẽ về nó để phòng tránh - là thông điệp chính của vở múa.
Năm diễn viên câm điếc sẽ trực tiếp “kể chuyện” trên sân khấu bằng những động tác múa. Ca sĩ chính là học viên của Trung tâm Giáo dục Lao động số 2 (thuộc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội) - một người từng bỏ dở ước mơ trở thành một diễn viên cải lương. Qua vở diễn này cô sẽ cất lên tiếng hát thật của lòng mình trong khoảng thời gian đi trả nợ quá khứ.
Có người bảo Lê Vũ Long khá “liều” khi giao vấn đề này cho những diễn viên câm điếc thể hiện. Đơn giản, có những người giao tiếp được mà còn chưa hiểu thì nói gì đến những người không có khả năng nghe và hiểu. Nhà hát Nhạc Vũ kịch phải mời hẳn một bác sĩ chuyên môn của Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe cộng đồng và phát triển, tổ chức 2 buổi trò chuyện để các diễn viên khiếm thính có thể nắm bắt được thế nào là HIV, những con đường lây lan và nên đối xử với những người mang căn bệnh này như thế nào. Họ đã hiểu ra nhiều điều từ sau những buổi trò chuyện ấy, nhưng cũng chính vì hiểu được nên họ cảm thấy sợ...
Sau đó, nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe và cộng đồng, giám đốc các trung tâm bảo trợ lao động xã hội số 05-06, các diễn viên của nhóm đã đến các trung tâm này tìm hiểu, giao lưu với hơn 4.000 học viên từng là đối tượng nghiện ma túy và mại dâm. Họ - những diễn viên câm điếc - đã khóc với những cháu bé mang trong mình căn bệnh thế kỷ từ những người mẹ. Qua đó, họ nhìn những người sa cơ lỡ bước với ánh mắt thông cảm, họ cùng hòa đồng một cách vui vẻ và cảm động. Cũng từ chuyến đi này, đoàn đã hội thảo và trực tiếp làm việc với 30 học viên của các trung tâm để các học viên tiếp cận với nghệ thuật múa đương đại và tìm hiểu cách truyền tải ý nghĩa của nó qua hình thức múa để các diễn viên cảm nhận những suy nghĩ, tâm sự mà các học viên mong muốn được đem đến với cộng đồng qua vở múa này. Các học viên nắm bắt ý nghĩa của các động tác múa hiện đại rất nhanh và họ đã giúp đỡ các diễn viên “nói hộ” những tâm sự của mình một cách chân thực nhất.
Biên đạo múa Lê Vũ Long cũng cho biết, sau khi tu nghiệp ở Pháp về (năm 2000), từ đó tới nay năm nào anh cũng có một chương trình múa đương đại, nhưng vở diễn đầu tư nhiều thời gian và công sức nhất chính là Chuyện của chúng mình. Ba tháng liên tiếp tập luyện cả ngày, có khi làm cả tối, nhưng cả biên đạo lẫn diễn viên không thấy mỏi mệt. “Chúng tôi tin vào cách làm của mình, một cách chuyển tải những vấn đề xã hội không phải bằng văn bản hay bằng lời nói, bằng các hoạt động bảo trợ hay các lớp học mà bằng hình thức múa đương đại. Hình thức chuyển tải mới, chúng tôi cũng hy vọng rằng thông qua những chuyển động, âm nhạc, ánh sáng và điệu múa ấn tượng, khán giả sẽ nhìn vấn đề HIV-AIDS theo một góc nhìn mới mẻ và độ lượng hơn bởi họ - những người nhiễm HIV, những người câm điếc hay những người bình thường đều như nhau và đều sống trong một cộng đồng”.
Chuyện của chúng mình sẽ được ra mắt khán giả tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 16, 17-6. Đêm biểu diễn đầu tiên sẽ chỉ có khách mời, hướng tới những nhóm người cụ thể như sinh viên, thanh niên và một số học viên tại các trung tâm giáo dục lao động. Đêm diễn thứ 2 sẽ được bán vé rộng rãi để gây quỹ ủng hộ trẻ em nhiễm HIV-AIDS. Sau đó, cả nhóm múa Nơi Đến sẽ xin tài trợ để mang Chuyện của chúng mình chia làm 2 tốp thay phiên nhau đi biểu diễn xuyên Việt.
NGUYÊN VŨ
▪ TPHCM: Tổ chức cuộc thi “Trẻ em nói về HIV/AID” (14/06/2005)
▪ Ma túy, AIDS và "những cuộc tình đồng giới" lên sân khấu múa (13/06/2005)
▪ Tiền Giang: Tiểu dự án chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS (11/06/2005)
▪ Ông Mandela kêu gọi chống AIDS (13/06/2005)
▪ Mỹ giúp Trung Quốc phòng, chống HIV/AIDS (10/06/2005)
▪ Vẽ ước mơ (07/06/2005)
▪ Trung Quốc: Lập Chiến lược giảm thiểu đại dịch AIDS (03/06/2005)
▪ WB hỗ trợ 35 triệu USD cho Việt Nam phòng chống HIV/AIDS (26/05/2005)
▪ Thành lập Cục phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam (24/05/2005)
▪ Chế độ đối với người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (21/05/2005)