Khái nhiệm “Gia đình là pháo đài phòng, chống AIDS” được hình thành ngay từ khi nước ta phát hiện được ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh. Trải qua thời gian, tính đúng đắn của nó đã được chứng minh. Rất nhiều người chẳng may bị nhiễm HIV/AIDS được sinh ra từ những gia đình “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Trong những gia đình yên ấm, các thành viên luôn chí thú phấn đấu vì những mục tiêu cao đẹp, nên rất ít trường hợp xa chân, lầm lỗi.
Chính vì xác định được tầm quan trọng đó, các nhà lập pháp của nước ta đã rất đúng khi trong văn bản pháp luật cao nhất về HIV/AIDS là Pháp lệnh phòng, chống virut gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch ở người (HIV/AIDS) được ban hành vào ngày 31/5/1995 đã đề cao vai trò của gia đình trong công tác hết sức quan trọng này. Tại điều 10, Pháp lệnh quy định: Mọi người có trách nhiệm thực hiện các biện pháp lây truyền HIV/AIDS để bảo vệ cho mình, cho gia đình và xã hội; tham gia các hoạt động phòng, chống nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng”.
Điều 11 nhấn mạnh hơn: Mọi người trong gia đình tuyên truyền, vận động, giáo dục các thành viên trong gia đình thực hiện các quy định về phòng, chống nhiễm HIV/AIDS; Mọi người trong gia đình của người bị nhiễm HIV/AIDS có trách nhiệm cùng xã hội chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần người bị nhiễm HIV/AIDS để họ được sống hòa nhập trong gia đình và cộng đồng.
Như vậy, pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm của gia đình đối với các thành viên bị nhiễm HIV/AIDS. Nội dung của trách nhiệm này gồm có: Động viên người nhiễm HIV/AIDS đến các trung tâm tư vấn về HIV/AIDS, không được có thái độ xa lánh, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người bị nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc về vật chất, tinh thần và sức khỏe tại gia đình và cộng đồng, nhắc nhỡ người bị nhiễm HIV/AIDS cùng gia đình và cộng đồng thực hiện các biện pháp chống lây truyền HIV/AIDS, giúp đỡ và bố trí cho người bị nhiễm HIV/AIDS có việc làm thích hợp. Mặt khác, gia đình còn có trách nhiệm thực hiện những biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS từ người bị nhiễm sang các thành viên trong gia đình và những người xung quanh. Do vậy, các thành viên trong gia đình cần tìm hiểu về HIV/AIDS cùng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm để có biện pháp tư vấn đối với người nhiễm HIV/AIDS và thực hiện việc phòng tránh lây nhiễm có hiệu quả.
Qua những quy định này, chúng ta đã thấy được rõ tầm nhìn của các nhà lập pháp trong việc định ra những điều khoản liên quan đến phòng, chống AIDS từ gia đình. Trải qua gần 10 năm thực hiện, những quy định này bước đầu đã được nhân dân chú ý và thực thi. Tuy nhiên, cũng có những điều đáng băn khoăn cần phải được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện tình hình dịch ngày càng lan rộng như hiện nay.
Trước tiên, chúng ta có thể nhận thấy ngay rằng, đại bộ phận nhân dân ta chưa biết đến Pháp lệnh có bao nhiêu chương, mấy điều khoản, quy định những vấn đề gì, chứ huống hồ gì đến những quy định về phòng, chống AIDS trong gia đình.
Rất nhiều cơ sở tư vấn đã phản ánh tình trạng, có khá nhiều trường hợp phát hiện người nhiễm HIV/AIDS, yêu cầu họ đưa vợ, con, hoặc người tình đến để tư vấn và xét nghiệm HIV/AIDS, nhưng chẳng có bao nhiêu trường hợp chấp nhận. Bởi nhiều người giấu diếm tình trạng bệnh của mình, không cho người thân được biết, bởi điều đó rất dễ dẫn đến tình trạng bị phân biết đối xử ngay trong chính gia đình mình. Trong khi đó, điều 23 Pháp lệnh đã quy định rõ nếu vợ hoặc chồng biết mình bị nhiễm HIV/AIDS thì phảI thông báo ngay tình trạng bệnh của mình để có biện pháp phòng, tránh. Nếu người bị nhiễm HIV/AIDS mà không tự giác thông báo tình trạng nhiễm HIV/AIDS thì sẽ bị phạt tiền từ 50.000 đến 200.000 đồng, theo quy định tại điều 13, khoản 1, điểm b Nghị định số 46 ngày 06/08/1996 của Chính phủ.
Mặc dù, Pháp lệnh đã quy định người nhiễm HIV/AIDS phải đựơc các thành viên trong gia đình chăm sóc về vật chất cũng như về tinh thần, bảo đảm cho người nhiễm HIV/AIDS không bị phân biệt đối xử và cộng đồng xa lánh. Trên thực tế, vấn đề này còn hết sức nan giải. Việc người nhiễm HIV/AIDS bị xa lánh, phân biệt đối xử ngay tạI gia đình mình còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều hoàn cảnh, nhiều phương thức khác nhau. Rất nhiều người khi thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình đã bị gia đình hắt hủi. Những minh chứng từ các khoa điều trị AIDS ở Trung ương và tại các địa phương đã cho chúng ta thấy bức tranh khá ảm đạm của người nhiễm khi họ ở tình trạng “gần đất, xa trời”, hầu hết họ bị cô đơn, ghẻ lạnh, không gia đình, người thân chăm sóc, họ phảI sống nhờ vào sự cưu mang của các bệnh viện. Và mặc nhiên, người nhiễm HIV/AIDS đang trở thành một gánh nặng cho các bệnh viện. Nhiều trường hợp người nhiễm đã tử vong mà chẳng thấy gia đình đến nhận mặt. Điều đó thể hiện, những quy định của Pháp lệnh chưa hề “phủ” được hết ở chính những gia đình có người nhiễm HIV/AIDS. Mặc dù, điều đó là trái với những quy định của luật pháp, nhưng chưa thấy có trường hợp nào bị xử phạt. Vậy nên chăng, Pháp lệnh phải có những chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với các gia đình không thể hiện tinh thần sống chung với AIDS. Việc xa lánh, phân biệt đối xử đó đã kéo theo cả tình trạng, người nhiễm HIV/AIDS không được chăm sóc về thể chất, tinh thần và phần lớn họ không có việc làm nên đã dẫn đến rất nhiều tiêu cực như việc phá phách, trộm cắp, trả thù đời…
Chính vì những lý do đó, bên cạnh việc ban hành những quy định về phòng, chống AIDS trong gia đình, chúng tôi thiết nghĩ, chúng ta cần phảI có những chế tài để bảo đảm việc thực hiện pháp luật một cách nghiêm minh. Có như vậy, gia đình mới có thể thực sự là “pháo đài hữu hiệu” trong công cuộc phòng, chống AIDS.
Thanh Hoàn - AIDS và cộng đồng
▪ Vì một tương lai không có HIV/AIDS (30/08/2004)
▪ Dự án Phòng ngừa ma túy đồng bộ (29/08/2004)
▪ Thái Lan tái khởi động cuộc chiến chống ma tuý (26/08/2004)
▪ VN cam kết đẩy mạnh phòng, chống HIV/AIDS (25/08/2004)
▪ "Chống cuỡng bức vợ" ở Malaysia (25/08/2004)
▪ Khánh thành xưởng may cho người “hậu cai” (25/08/2004)
▪ Cuộc chiến còn dài (25/08/2004)
▪ Đưa vào cơ sở quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm đối với người sau cai nghiện ma túy (24/08/2004)
▪ Trung Quốc truy quét ma túy tại các tụ điểm giải trí (24/08/2004)
▪ Đào tạo tuyên truyền viên phòng chống HIV/AIDS tại công sở (21/08/2004)