![]() |
Tất cả nhấn mạnh đến “truyền thông làm thay đổi hành vi” (behavioral change communication) trong các văn bản có sử dụng khái niệm khoa học này bằng tiếng Anh. Tuy nhiên không cấp nào, văn kiện nào xác định thứ truyền thông nào chỉ cung cấp thông tin và thứ truyền thông nào làm thay đổi hành vi. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM thường nhắc đến nhóm nhỏ trong hoạt động giáo dục sức khỏe nhưng chưa thấy trung tâm khẳng định hay nhấn mạnh vai trò đặc biệt của nhóm.
Tôi xin kể một câu chuyện vui giúp chúng ta thấy rõ vấn đề hơn. Hồi Thế chiến thứ 2, châu Âu khan hiếm thực phẩm trầm trọng. Vậy mà có một nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng lại rẻ tiền mà lại bị các bà nội trợ chê. Đó là lòng bò (phương Tây ít ăn thịt heo). Mặc cho chính phủ kêu gọi ơi ới bằng đủ thứ phương tiện hiện đại, các bà vẫn làm ngơ. Các nhà quản lý mới mời một số nhà khoa học về tâm lý và xã hội, yêu cầu họ tìm cách tốt nhất để làm thay đổi thói quen dinh dưỡng của người dân, nghĩa là làm thay đổi hành vi của họ trong lĩnh vực ẩm thực.
Kurt Lewin, cha đẻ của khoa học về nhóm nhỏ, cùng cộng sự đã làm một cuộc thí nghiệm như sau. Họ chọn các bà nội trợ có những đặc điểm kinh tế - xã hội giống nhau (tuổi tác, vị trí xã hội, trình độ học vấn...) và chia thành hai nhóm đối chiếu. Với nhóm 1, các bà được nghe thuyết trình về những ưu điểm của lòng bò (bổ dưỡng, không có hại, có thể chế biến ngon...). Trước khi ra về, các bà được phát một số tờ rơi về cách chế biến lòng bò. Đối với nhóm 2, các bà được chia ra thành nhiều nhóm nhỏ. Sau khi nghe trình bày, các nhóm thảo luận thật thoải mái với sự hỗ trợ của các nhà tâm lý. Các bà tha hồ nêu thắc mắc, trao đổi ý kiến, kinh nghiệm và cả tranh luận với nhau. Ra về các bà cũng nhận các tờ rơi về cách chế biến.
Một thời gian sau các điều tra viên đi tìm hiểu từng nhà. Kết quả là trong các bà đã nghe thuyết trình có 3% đã thử chế biến lòng bò. Còn ở các bà đã tham gia thảo luận nhóm thì tỉ lệ đã thử là 37%. Thảo luận nhóm đã tạo điều kiện cho các bà chủ động nêu thắc mắc hay ý kiến riêng, và khi chủ động tham gia thì vấn đề trở thành của họ, họ không bàng quan như khi chỉ nghe thuyết trình. Các bà trở nên quen biết nhau và hành động trong tinh thần liên đới (áp lực tâm lý của nhóm khi có tương tác).
Nhiều thể nghiệm khác được tiến hành tiếp theo đó trên thế giới, và khoa học đã khẳng định rằng giữa hai phương pháp thuyết trình và thảo luận nhóm, lượng thông tin tiếp thu được có thể ngang nhau nhưng về mặt thay đổi hành vi thì thảo luận nhóm vượt xa nghe thuyết trình. Ở Mỹ, người ta cũng nghiên cứu các tổ sản xuất như những nhóm nhỏ và tác động (tích cực lẫn tiêu cực) của nó trên nhóm viên. Và từ đó người ta cũng rút ra vô số bài học để giúp các tổ trưởng hiểu tâm lý nhóm, tâm lý cá nhân trong nhóm mà vận động tổ viên một cách có hiệu quả.
Các nhà quản lý cũng được học về thuật lãnh đạo bằng cách tham gia nhóm nhỏ, vì trong nhóm nhỏ họ dễ dàng tự khám phá bản thân và trở nên nhạy bén với nhu cầu của người khác.
Một khoa học về nhóm nhỏ đã hình thành. Đó là môn năng động nhóm (group dynamics) hay tâm lý nhóm. Tham gia các khóa huấn luyện về năng động nhóm người ta tự hiểu mình, hiểu người và nhất là qui luật vận hành và phát triển của nhóm. Và nhóm đã trở thành công cụ cho nhiều mục tiêu giáo dục, phát triển nhân cách, trị liệu tâm lý, phục hồi tâm lý, hỗ trợ tâm lý cho người bệnh, người cai nghiện... Tổ chức Hỗ trợ phục hồi người nghiện rượu ở Mỹ (A.A.A) hoạt động trên cơ sở từng nhóm nhỏ. Những năm 1950 người ta học thực hành dân chủ cơ sở cũng thông qua huấn luyện trong nhóm nhỏ.
Trong phòng chống HIV/AIDS, người ta nhấn mạnh đến các nhóm đồng đẳng là vậy. Giáo dục thay đổi hành vi trong sức khỏe và sức khỏe sinh sản, giáo dục kỹ năng sống chỉ hiệu quả thông qua nhóm nhỏ. Tuy nhiên, để biến nhóm thành một công cụ hữu ích, người hướng dẫn nhóm phải được đào tạo để biết vận dụng các qui luật phát triển của nhóm nhằm giúp đỡ cá nhân. Nếu vận hành một cách tự phát nhóm sẽ có hại như một nhóm du đãng hay một gia đình bất hòa.
Ta quen sự rầm rộ và đồng hóa hiệu quả với số đông và quên rằng cá nhân là một đối tượng vô danh trước truyền thông đại chúng. Trong một buổi diễn thuyết, người nghe có thể thả hồn phiêu lưu tới tận mây xanh thay vì tập trung chú ý. Khán thính giả có thể tắt đài khi không muốn nghe. Không có tương tác với người nói, người nghe có thể cho rằng chuyện đang trình bày chẳng ăn nhằm gì tới mình. Đặc biệt các đối tượng có hành vi nguy cơ mà ta nhằm vào lại ít khi quan tâm đến báo đài.
Nhóm còn phục vụ cho quản lý, rèn luyện tinh thần hợp tác mà người VN chúng ta thiếu nhiều. Nhưng dĩ nhiên không phải muốn là có, cái gì cũng phải học hành, khổ luyện. Nhưng ta bám sát lời dạy của Lênin: thà ít mà tốt.
Thay đổi phương thức truyền thông sẽ góp phần vào công cuộc phòng chống căn bệnh thế kỷ và qua đó sẽ nâng cao tầm hiểu biết chung của xã hội.
NGUYỄN THỊ OANH
▪ Trung Quốc: Cấm mua bán máu để ngăn chặn HIV (03/09/2004)
▪ Pháp luật với HIV/AIDS: Gia đình và HIV/AIDS (31/08/2004)
▪ Vì một tương lai không có HIV/AIDS (30/08/2004)
▪ Dự án Phòng ngừa ma túy đồng bộ (29/08/2004)
▪ Thái Lan tái khởi động cuộc chiến chống ma tuý (26/08/2004)
▪ VN cam kết đẩy mạnh phòng, chống HIV/AIDS (25/08/2004)
▪ "Chống cuỡng bức vợ" ở Malaysia (25/08/2004)
▪ Khánh thành xưởng may cho người “hậu cai” (25/08/2004)
▪ Cuộc chiến còn dài (25/08/2004)
▪ Đưa vào cơ sở quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm đối với người sau cai nghiện ma túy (24/08/2004)