Thuốc men cho các nước nghèo: vấn đề kinh tế hay đạo đức?
Các Website khác - 15/04/2003

Nghèo đói và bệnh tật xưa nay vẫn đi đôi với nhau và như một cặp đồng loã, cái này tiếp tay cho cái kia để giam hãm trong một vòng lẩn quẩn tưởng như không lối thoát những con người xấu số hoặc cả một dân tộc không may. Ðây là thảm cảnh của nhiều nước châu Phi, trong mấy chục năm vẫn không vươn ra khỏi tình trạng tụt hậu, và từ khi bệnh sida (AIDS) xuất hiện và lan tràn thì lại càng lún sâu thêm trong sự kiệt quệ kinh tế.

Thường thì khi bất lực trước sự nghèo khổ, người ta hay qui cho số phận và hi vọng là ở hiền gặp lành, may ra lúc nào đó ông Trời có mắt, giải thoát cho khỏi kiếp lầm than. Các nước châu Phi cũng thế, hầu như bó tay trước dịch AIDS, trông cậy vào các chương trình cứu trợ của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y Tế Thế giới (World Health Organization - WHO) là chính và kêu gọi đến tinh thần nhân đạo và đoàn kết quốc tế trong những hội nghị về AIDS, hết năm này sang năm khác. Tuy nhiên, con giun xéo mãi cũng quằn, người dân cơ cực quá cũng có khi nổi loạn. Khi bệnh AIDS trầm trọng đến mức thành hiểm hoạ quốc gia thì một số nước cũng không ngần ngại lấy một số biện pháp quyết liệt, dẫu có vi phạm qui định quốc tế hay có thể phải đương đầu với các cường quốc vì đụng chạm đến quyền lợi của họ. Vấn đề thuốc trị bệnh AIDS hay nói rộng hơn, việc cung cấp thuốc men cho các nước nghèo trở thành một mối xung đột mới giữa các nước giàu và nghèo, một trong những đề tài bức xúc trong cuộc tranh luận về toàn cầu hoá. Với những mốc thời gian cũng di chuyển từ nước này sang nước khác.

Seattle, tháng 12. 1999

Vấn đề thuốc men và các nước nghèo lần đầu trở thành đề tài thời sự đối với công luận tại Hội nghị bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Seattle tháng 12 năm 1999. Không phải chỉ vì sự trùng hợp thời gian (hội nghị khai mạc ngày 30.11, một hôm trước Ngày Quốc tế chống AIDS, vẫn tổ chức ngày 1.12 hàng năm), mà chính vì một trong những chủ đề của hội nghị là xem xét lại hiệp ước TRIPs, văn kiện quản lý các phương diện của sở hữu tri thức liên quan đến thương mại. Lúc ấy hiệp ước TRIPs lại là cốt lõi của một vụ kiện kéo dài đã gần hai năm giữa 39 đại công ty dược phẩm quốc tế và chính quyền Nam Phi, trong đó các tổ chức phi chính phủ (NGO), đặc biệt tổ chức Médecins sans frontières (MSF) và các nhóm hoạt động chống AIDS đóng vai trò rất tích cực. Lần đầu tiên, do sức ép của các phong trào phản kháng, hội nghị bộ trưởng của WTO đã mời các tổ chức của " xã hội công dân " tham gia và MSF là một trong những tổ chức tích cực nhất, đề xuất nhiều ý kiến để tách rời vấn đề y tế khỏi lãnh vực thuần kinh tế trong khuôn khổ TRIPs.

Giữa sự hỗn độn và hơi lựu đạn cay tại Seattle lúc đó, đề tài AIDS và thuốc men không đi đến đâu, cũng như tất cả các chủ đề chính khác của hội nghị. Tuy nhiên khung cảnh đã được dàn dựng, các vai trò đã được phân chia, công chúng đã biết đến, các hồi sau có thể lần lượt tiếp diễn.

Pretoria, tháng 4. 2001

Sau Seattle, trong suốt năm 2000, các phong trào chống toàn cầu hoá thừa thế xông lên và đặt vấn đề thuốc men cho các nước nghèo như một trong những biểu tượng của sự xung đột Bắc-Nam, một bất công phải giải quyết cấp bách. Vụ kiện tại Nam Phi là trọng tâm và điển hình cho sự tranh cãi đó.

Năm 1997, tổng thống Nelson Mandela ký sắc lệnh ban hành đạo luật về dược phẩm (Luật 1997) cho phép chính quyền Nam Phi vượt qua các qui định về sở hữu tri thức bằng hai cách. Hoặc cho phép các nhà bào chế trong nước đơn phương sản xuất các thuốc men đã được bảo vệ bởi các bằng sáng chế mà không thông qua sự đồng ý của các công ty chủ các thương hiệu này, tức là biện pháp nhượng quyền bắt buộc (compulsory licensing), hoặc nhập các thuốc chép công thức (generic drugs) nhưng chế tạo trong các nước thứ ba, rẻ hơn, thay vì mua một cách " chính quy " nhưng rất đắt từ các công ty giữ bản quyền, tức là biện pháp nhập khẩu song song (parallel imports). Lý do là dịch AIDS tại Nam Phi đã trầm trọng tới mức trở thành tình trạng khẩn cấp cho phép dùng đến những biệt lệ đi ngược lại các qui định của luật sở hữu quốc tế.

Luật 1997 hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế vì hiệp ước TRIPs có dự trù hai khả năng nhượng quyền bắt buộc và nhập khẩu song song trong các trường hợp khẩn cấp. Tuy thế, chỉ ba tháng sau khi ban hành, hiệp hội Pharmaceutical Manu-facturer’s Association (PMA) của Nam Phi, cùng với hơn 40 công ty thuốc nội địa và quốc tế, trong đó có các đại công ty như Roche, Novartis, GlaxoSmithKline, đệ đơn trước toà án yêu cầu hoãn thi hành luật này, vì theo họ sẽ gây tiền lệ cho các nước khác vi phạm luật sở hữu tri thức và hiệp ước TRIPs. Vì Luật 1997 cho phép bộ trưởng y tế Nam Phi quyết định thế nào là tình trạng khẩn cấp, các biệt lệ này có thể được áp dụng cho bất cứ bệnh nào, dần dà vô hiệu hoá tất cả khung pháp lý về sở hữu tri thức.

Vụ kiện gây sôi nổi trong nước và nhanh chóng có tầm cỡ quốc tế, thu hút sự quan tâm của các nhóm chống AIDS và các NGO như Oxfam và MSF. Ðối với họ, đơn kiện này tiêu biểu cho sự ích kỷ và vô nhân đạo của các đại công ty đặt lợi nhuận lên trên hết mọi giá trị đạo đức. Các khẩu hiệu quen thuộc sau này xuất hiện từ đấy : " Mạng sống trước lợi nhuận ", " Sức khoẻ không phải là hàng hoá ", v.v.

Khí thế hừng hực sau Seattle, càng được củng cố sau khi MSF được giải Nobel hoà bình tháng 12.1999, cộng thêm thời điểm của mùa tranh cử tổng thống tại Mỹ, khiến các nhóm ủng hộ Nam Phi càng thành công trong việc gây áp lực, ép chính quyền Clinton, cho đến lúc ấy bảo vệ rất hung hăng quyền lợi các công ty thuốc, phải hoà hoãn. Phó tổng thống và ứng cử viên Al Gore, lúc ấy còn là Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Mỹ - Nam Phi, sau khi bị tố cáo là có liên hệ mật thiết với các công ty thuốc, cũng phải thối lui. Chính quyền Clinton cuối cùng phải tuyên bố sẽ không truy tố các nhà bào chế Nam Phi hay dùng đến biện pháp trừng phạt khác.

Vụ kiện Pretoria thành một cao trào quốc tế. Ngày 8.3.2001, MSF phát động chiến dịch xin chữ ký yêu cầu các công ty rút lại đơn kiện và chỉ trong 6 tuần đã nhận được 285 000 chữ ký thông qua 140 tổ chức trong 130 nước. Do đó không ngạc nhiên lắm khi tháng 4.2001, lúc vụ án được đưa ra xét xử trước Toà án tối cao tại Pretoria, bên nguyên, lúc ấy còn lại 39 công ty, tuyên bố rút lại đơn vô điều kiện sau khi đã đi đến một thoả hiệp với chính quyền Nam Phi. Các nhóm tranh đấu và các NGO ăn mừng chiến thắng của David trên Goliath, và coi đấy là cái mốc lịch sử trong một cuộc tranh đấu mới chỉ bắt đầu để giúp các nước nghèo thắng được bệnh tật.

Doha, tháng 11. 2001

Về phía WTO, vấn đề thuốc men và các nước nghèo cũng trở thành một chủ đề quan trọng. Tháng 9.2000, WTO họp cùng WHO, chương trình UNAIDS của Liên Hiệp Quốc và Liên hiệp Châu Âu, để bàn làm sao vừa bảo vệ quyền sở hữu tri thức vì đấy là động cơ đầu tư và kinh doanh, vừa bảo đảm cho các nước nghèo có khả năng mua đuợc những thuốc men cần thiết. Tháng 4.2001, WTO và WHO cùng tổ chức một buổi họp với 80 chuyên gia và các NGO tại Høsbjør (Na Uy) về việc lập ra một chế độ giá cả sai biệt cho phép các nước nghèo hưởng giá thấp nhất. Và tháng 6.2001, theo lời yêu cầu của các nước châu Phi, WTO tổ chức buổi họp chính thức đầu tiên về vấn đề TRIPs và nhu cầu thuốc men của các nước nghèo.

Từ đó việc khuyến khích các nước nghèo khai thác những biệt lệ đã dự trù trong hiệp ước TRIPS (" điều lệ uyển chuyển " hay flexibility) và việc định giá thuốc vừa với sức mua của họ (affordability) là hai khái niệm căn bản trong các buổi họp tại WTO về đề tài này.

Sau biến cố 11.9.2001, Mỹ và một số nước phương Tây đặt việc phát động vòng thương thảo đa phương để đẩy mạnh tự do hoá thương mại, mục tiêu không đạt được ở Seattle, thành một trong những trọng điểm của chiến lược chống khủng bố trên thế giới. Vì cần đồng minh nên ngoài những đặc ân ban phát cho Pakistan hay Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ cũng tỏ ra mềm dẻo hơn trước những đòi hỏi của các nước nghèo trong Hội nghị bộ trưởng WTO tại Doha tháng 11.2001. Ðể các nước này đồng ý phát động vòng thương thảo, các nước Tây phương đã nhượng bộ trên nhiều điểm, trong đó có bản tuyên ngôn về hiệp ước TRIPs và y tế quốc dân, được coi như thắng lợi lớn nhất của thế giới thứ ba tại Doha, tuy là chỉ giành được sau rất nhiều mặc cả vất vả.

Bản tuyên ngôn này có ba điểm chính : Thứ nhất, mỗi thành viên có quyền dùng biện pháp nhượng quyền bắt buộc và đuợc tự do ấn định lý do tại sao. Thứ nhì, mỗi thành viên có quyền ấn định thế nào là tình trạng khẩn cấp quốc gia hay hết sức cấp bách, và theo thoả thuận của hội nghị, các tình hình nguy kịch, kể cả khi do các bệnh HIV-AIDS, lao, sốt rét và các bệnh dịch khác gây ra, đều có thể đuợc coi là tình trạng khẩn cấp quốc gia hay hết sức cấp bách. Thứ ba, các thành viên có ít hay không có khả năng chế tạo dược phẩm có thể sẽ gặp khó khăn khi cần áp dụng biện pháp nhượng quyền bắt buộc theo hiệp ước TRIPs. Hội đồng TRIPs của WTO được uỷ thác nhanh chóng tìm ra giải pháp cho vấn đề này và báo cáo lên Ðại hội đồng WTO trước cuối năm 2002. Ðiểm này ghi trong điều lệ 6 của bản tuyên ngôn.

Vòng thương thảo phát động tại Doha mang cái tên rất hứa hẹn là Vòng thương thảo cho phát triển (Doha Development Round) vì đặt trọng tâm lên nhiều vấn đề thiết thân đối với các nước nghèo, trong đó có nhu cầu thuốc men thiết yếu. Bản tuyên ngôn về y tế quốc dân đánh dấu một thay đổi cơ bản : quyền bảo vệ sức khoẻ người dân được đặt cao hơn quyền sáng chế. Ðó là nguyên tắc, còn áp dụng thế nào trong thực tế thì các thành viên WTO tự cho mình một năm để bàn bạc hầu đi đến một cơ chế cụ thể.

Sydney, tháng 11. 2002

Tất cả vấn đề xoay quanh điểm thứ ba nêu ở trên, tức điều lệ 6. Vì bản tuyên ngôn chỉ giới hạn vào giải pháp nhượng quyền bắt buộc mà không nhắc đến nhập khẩu song song, nên không giải quyết đuợc gì cả cho nước nào không có khả năng tự chế tạo lấy các thuốc men. Nguyên tắc của nhượng quyền bắt buộc là đuợc phép vượt qua quyền sáng chế để đáp ứng nhu cầu cấp bách của dân chúng, và chỉ trong mục đích ấy thôi, nên không đuợc sản xuất dư ra rồi đem đi bán cho một nước nào khác, cũng đang rất cần mà lại không tự bào chế lấy đuợc. Ðiều oái oăm là phần đông các nước nghèo nhất, khổ nhất vì bệnh tật thì lại không có nền công nghiệp dược phẩm. Và nghịch lý nhất là hiệp ước TRIPs cho phép nhập các thuốc chép công thức nhưng lại không cho các nước sản xuất loại thuốc này xuất khẩu. Do đó tại Doha, Nam Phi và Brazil chỉ đồng ý thông qua bản tuyên ngôn với điều kiện phải giải quyết sự phi lý này trong vòng một năm, và ghi sự cam kết đó trên giấy trắng mực đen thành điều lệ 6.

Trong suốt năm 2002, các buổi họp về điểm này không đi đến đâu và đến tháng 11, khi WTO họp tiểu hội nghị ở Sydney (Úc) để chuẩn bị cho Hội nghị bộ trưởng sẽ tổ chức tháng 9.2003 tại Cancún (Mexico), thì việc giải quyết bế tắc này được đặt thành vấn đề một mất một còn, quyết định cho cả vòng thương thảo Doha.

Tuy thế, các bộ trưởng thương mại của 25 nước sau hai ngày họp tại Sydney cũng vẫn không đi đến kết quả nào khác là đồng ý... phải đi đến thoả thuận trước cuối năm !

Genève, tháng 12. 2002

Buổi họp cuối cùng, ngày 20.12.2002, trước khi WTO đóng cửa nghỉ Giáng Sinh và Tết tây, kết thúc trên sự bế tắc hoàn toàn sau khi Mỹ vẫn khăng khăng không chấp nhận dự thảo văn bản đã được tất cả các thành viên khác thông qua. Phái đoàn Mỹ nhận được trực tiếp từ phó tổng thống Dick Cheney lệnh không nhượng bộ. Ông Antonio de Aguiar Patriota, đại diện Brazil, nói với các phóng viên : " Bản dự thảo đã được sự ủng hộ của 143 trên 144 nước thành viên ". Bà Linnet Deily, đại sứ Mỹ, lúng túng từ chối không bình luận phát biểu của các nước trách Mỹ đã nuốt lời hứa, đi ngược lại những gì đã thoả thuận tại Doha, và chỉ một mình ngoan cố mà làm tê liệt cả những nỗ lực chung.

Những điểm bất đồng nào đã dẫn đến thất bại ?

Ðiểm khúc mắc là câu " kể cả khi do các bệnh HIV-AIDS, lao, sốt rét và các bệnh dịch khác gây ra " trong bản tuyên ngôn. Mỹ muốn khoanh lại định nghĩa các bệnh được coi là gây ra tình trạng khẩn cấp cho phép vượt qua quyền sáng chế, giới hạn vào các bệnh AIDS, sốt rét và lao và chỉ một số ít bệnh dịch truyền nhiễm khác. Mỹ tuyên bố sợ rằng nếu không thì các nước nghèo sẽ lợi dụng để mua rẻ (và Brazil, Ấn Ðộ để bán) thuốc cho các bệnh khác như hen suyễn, đái đường, ung thư và cả... Viagra !

Các nước nghèo muốn có một định nghĩa rộng hơn, trên cơ sở văn bản đã thoả thuận tại Doha, bao gồm các " vấn đề y tế quốc dân nghiêm trọng " nói chung. Vì khó có thể phủ nhận tác động của các bệnh khác trong tình trạng nguy kịch của các nước nghèo, nhất là ở châu Phi, điều này đã được tất cả các thành viên khác, kể cả các nước có công nghiệp dược phẩm lớn như Thụy Sĩ và Liên hiệp Châu Âu, chấp thuận. Trừ Mỹ.

Vấn đề khác là định nghĩa nước nào được dùng đến biệt lệ. Liên Hiệp Châu Âu đề nghị là giới hạn vào 49 nước nghèo nhất, theo danh sách các nước chậm phát triển nhất (LDC) của Liên Hiệp Quốc. Nhưng như thế là loại trừ ra khỏi danh sách 72 nước " đang phát triển " như Peru, Phi Luật Tân, Thái Lan, v.v. Tức là phần lớn thế giới thứ ba.

Ð? vớt vát danh dự và tránh mang tiếng là một mình làm hỏng hết đại sự, đầu năm nay, Mỹ đưa ra một giải pháp tạm thời là hứa sẽ bỏ qua, không gây khó khăn với nước nghèo nào nhập các thuốc chép công thức trong trường hợp 15 bệnh trong đó có sốt Ebola, dịch tả, sốt xuất huyết, bệnh ngủ, thương hàn và sốt phát ban,là các bệnh chủ yếu ở châu Phi. Văn bản Mỹ đề nghị là một " Quyết định tạm hoãn (moratorium) để đáp ứng nhu cầu các nước đang và chậm phát triển không có hoặc có ít khả năng sản xuất dược phẩm ". Chính sách khoan dung này tuy thế cũng kèm theo đủ thứ mọi điều kiện rắc rối.

Các thành viên khác, kể cả Liên Hiệp Châu Âu, không phấn khởi chi cả vì đề nghị này có tính cách đơn phương, tạm thời và chỉ là lời hứa. Lời hứa thì mong manh mà lời hứa của Mỹ thì lại càng khó tin. Các nước nghèo đòi hỏi phải có một cơ chế chính thức, có giá trị pháp lý bắt buộc, áp dụng trên cơ sở đa phương. Chỉ có cách ấy mới đảm bảo sự lâu dài và đứng đắn trong việc giúp họ khắc phục bệnh tật, trong tinh thần tôn trọng nhau.

Gần đây nhất, trung tuần tháng giêng, để ra khỏi bế tắc, Pascal Lamy, đại diện Liên Hiệp Châu Âu, đề nghị mời tổ chức WHO làm trọng tài, đánh giá tình hình và cho ý kiến về tình trạng y tế của nước liên can trong từng trường hợp. Ông Lamy tin rằng giải pháp ổn thoả nhất là kết hợp kinh nghiệm và chuyên môn của WHO với các cơ chế đã cải tiến của WTO.

Vấn đề hiện nay là thế. Nó sẽ còn làm các phái đoàn (và nhân viên WTO) bận rộn, nhức đầu nhiều trong các tháng tới, và chưa chắc gì đã có lời giải trước Hội nghị Cancún. Tuy thế, quá trình của sự việc cho tới nay cũng dẫn đến một số suy nghĩ.

Những thực tế đằng sau các nguyên tắc

Các công ty thuốc phân trần là họ kinh doanh thì phải dựa vào lô-gíc kinh tế, phải đảm bảo lợi nhuận cho các cổ đông, và qua đó đảm bảo sự tồn tại của công ty và công ăn việc làm của nhân viên. Vai trò " phúc lợi xã hội " của họ ở đó và chỉ là thế. Họ không phải là hội từ thiện. Nhìn từ quan điểm ấy thì quả là đúng. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn nữa thì bài toán kinh tế không đơn giản như vậy.

Lãi suất hàng năm của các đại công ty thuốc Âu Mỹ rất cao. Chẳng hạn, theo các con số của thông tấn xã thương mại Hoover’s cho tháng 6.2002, mức lãi gộp (gross) của Glaxo-SmithKline là 83,6 % và lãi ròng (net) là 21,7 %, trên tổng số doanh thu 8,8 tỷ đô la. Các công ty khác cũng không kém : Novartis, lãi gộp 81,6 %, lãi ròng 24,9 %, doanh thu 5,6 tỷ đô la ; Bristol-Myers-Squibb, lãi gộp 70,5 %, lãi ròng 15 %, doanh thu 4 tỷ đô la, v.v. Thời buổi này, mấy ai được như thế ! Do đó, khi các đại công ty Bristol-Myers-Squibb, Glaxo (hồi ấy còn là GlaxoWellcome), Merck và Hoffmann - La Roche tuyên bố trong tháng 5.2000 là sẽ giảm cho đến 80-90 % giá các thuốc trị AIDS cho các nước nghèo, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc, thì có thể đoán đuợc là nghĩa cử ấy cũng chẳng tốn kém cho họ là bao.

Từ khi các bệnh nhân AIDS trong các nước giàu được chữa trị bằng liệu pháp ba thành tố (tritherapy), và dùng các thuốc kháng tiền vi-rút (anti-retroviral drugs) thì họ có thể sống lâu hơn và thoải mái hơn, thậm chí có thể đi làm lại và sinh hoạt tương đối bình thường. Nhưng các thuốc này rất đắt. Tại Mỹ chẳng hạn, chi phí mỗi năm cho một người khoảng từ 10 000 đến 15 000 đô la. Khi công ty Ấn Ð? Cipla đề nghị bán cho MSF, với giá 350 đô la một năm, thuốc Duovir, cùng công thức với thuốc Combivir của GlaxoSmithKline (10 000 đô la một năm), thì người tiêu thụ ở châu Âu, ở Mỹ cũng phải tự hỏi là với một độ sai biệt như thế, mức lãi trên giá các thuốc bán trong các nước giàu trong thực tế khổng lổ tới đâu. Câu hỏi kế tiếp là tại sao mình cứ phải tiếp tục mua với giá cắt cổ mọi loại thuốc của Roche, của Bayer, mà không mua ngay của Ấn Ðộ hay Brazil. Và trong các nước Âu Mỹ, vì nhà nước là khách hàng chính của các công ty thuốc, thông qua hệ thống an sinh xã hội, lúc nào đó các chính quyền cũng có thể tự đặt ra câu hỏi này. Ðây là lý do chính tại sao các đại công ty Âu Mỹ quyết liệt ngăn chặn sự xuất hiện và phát triển của nền công nghiệp dược phẩm trong các nước bắt đầu đi lên như Ấn Ðộ, Brazil, Thái Lan và Ai Cập. Các đối thủ tương lai này, không những đang ti toe muốn gặm nhấm phần thị trường của họ trên thế giới mà còn có khả năng xâm nhập vào chính thị trường nội địa của họ trong các nước Âu Mỹ.

Bài toán kinh tế cũng rất rõ ràng đối với các nước sản xuất thuốc chép công thức. Không phải ngẫu nhiên mà các nước tiên phong trong lĩnh vực này, Thái Lan rồi Brazil, là các nước bị AIDS trầm trọng nhất ở thời đỉểm đó. Và cũng ngay từ đầu Thái Lan và Brazil đã phải đối đầu với chính quyền Mỹ, bị cho vào sổ đen, lôi ra kiện trước WTO, v.v. Nhưng túng quá thì phải liều, và liều mãi thì thành công : nhờ có thuốc rẻ nhập từ Ấn Ðộ và tự bào chế lấy trong nước, Brazil đã có thể chữa miễn phí cho gần 100 000 người, và so với năm 1996 đã giảm một nửa tỷ số người nhiễm HIV và chết vì AIDS, và giảm 80 % số bệnh nhân AIDS lệ thuộc vào nhà thương.

Bài toán kinh tế còn nhiều mặt khác nhưng chỉ nêu lên một điểm sau đây : ngay cả với các giá cắt cổ ấy, chi phí thuốc men trị AIDS cho một năm trong các nước giàu tương đương với thu nhập của 4 đến 6 tháng lương trung bình, và đa số các thuốc được hoàn lại tiền nhờ bảo hiểm sức khoẻ. Trong các nước nghèo, hệ thống bảo hiểm sức khoẻ hoặc không có hoặc rất hạn chế, đa số bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra và chi phí điều trị tương đương với thu nhập của khoảng 30 năm lao động.

Ðây chỉ là một trong rất nhiều bất công xoay quanh vấn đề thuốc men và các nước nghèo. Chỉ lấy thí dụ bệnh AIDS thôi cũng rõ : 95 % số người bị nhiễm HIV hiện nay sống trong các nước thế giới thứ ba, trong đó hơn 70 % tại châu Phi nhất là các nước ở phía nam sa mạc Sahara. Trên con số 42 triệu người bị AIDS trên thế giới, 29 triệu ở châu Phi. Nói đến châu Phi, người ta hay liên tưởng đến hạn hán, nạn đói, các vụ thảm sát chém giết lẫn nhau. Nhưng bệnh tật mới là tai hoạ lớn nhất. Năm 1998, trong các nước này, số người chết vì chiến tranh khoảng 200 000 và vì AIDS hơn 2 triệu. Với tỷ số trên 20 % người lớn bị nhiễm HIV và tổng số 5 triệu người bị nhiễm, Nam Phi đứng đầu thế giới về số người phải sống với bệnh AIDS.

Các hậu quả của dịch AIDS, và các bệnh hiểm nghèo khác, còn ảnh hưởng trầm trọng và lâu dài trên mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội, làm tiêu hao không những của cải vật chất của xã hội mà cả tài nguyên con người. Tại Botswana, một trong những nước có GDP cao nhất châu Phi nhờ các mỏ kim cương, nhưng với tỷ số kinh khủng 39 % người lớn bị nhiễm HIV, bệnh AIDS sẽ xoá đi 20 % thu nhập ngân sách quốc gia trong 10 năm tới. Các chiến lược phát triển vĩ đại, các chương trình mở mang tốn kém, các khẩu hiệu hô hào hội nhập vào thế giới toàn cầu hoá đều vô nghĩa nếu các nước nghèo tiếp tục sa lầy trong cái vòng bệnh tật và nghèo đói. Và việc hàng triệu con người phải chết vì họ không mua nổi những thuốc men có thể sản xuất hàng loạt ở mọi nơi là điều không ai có thể thản nhiên chấp nhận hay bào chữa. Quyền được chữa bệnh, đuợc có thuốc men là một quyền con người. Sức khoẻ, mạng sống con người không thể đặt ngang hàng với hàng hoá.

Vấn đề thuốc men và các nước nghèo là bài toán kinh tế phức tạp, xen lẫn với đủ mọi mưu toan quyền lực. Nhưng nó cũng là một sự nhức nhối cho lương tâm. Một vấn đề đạo đức.

Tháng 6.2001, Quỹ thế giới chống AIDS được thành lập sau lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan. Ðể cứu vớt hàng triệu người ra khỏi hiểm hoạ AIDS, quỹ này cần phải có 10 tỷ đô la một năm. Tháng 12.2002, số tiền hứa đóng góp mới chỉ lên đến 2 tỷ đô la và số tiền thực sự đã nhận được là vỏn vẹn 560 triệu. Bằng kinh phí của Mỹ cho một vài ngày chiến tranh. Năm 2003 bắt đầu trong tiếng giày đinh, tiếng xe tăng tập trận, và những tiếng kêu gọi hoà bình. Thế giới lo lắng nhìn chính quyền Mỹ sửa soạn nướng người nướng của trong một trận chiến phiêu lưu. Với trị giá của một chiếc phản lực dùng để ném bom giết người, đốt nhà, có thể xây được bao nhiêu trạm xá, mua được bao nhiêu năm thuốc, cứu được bao nhiêu con người ?

Ðỗ Tuyết Khanh


NHỮNG TRANG WEB LIÊN QUAN:
  • Wall Street Journal