Việt Nam dẫn đầu các nước đang phát triển về xoá đói giảm nghèo
Các Website khác - 18/12/2002

Liên Hợp Quốc tại Việt Nam vừa công bố báo cáo "Đưa các Mục tiêu Thiên niên kỷ đến với người dân" với kết quả xếp hạng 61 tỉnh/thành của Việt Nam về mặt phúc lợi xã hội. Báo cáo phân tích những kết quả đáng kể của Việt Nam trong quá trình thực hiện một loạt mục tiêu xã hội gọi là Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) mà Việt Nam đã cam kết đạt được vào nǎm 2015. Báo cáo này đưa ra một vài chỉ số mới xếp hạng các tỉnh/thành của Việt Nam về điều kiện sống và chất lượng mọi mặt của người dân. Theo Báo cáo, chỉ số MDG tổng hợp cho thấy, có một số chênh lệch lớn về phúc lợi giữa 61 tỉnh/thành, đặc biệt là các vùng nông thôn, nơi sinh sống của đại đa số người dân Việt Nam. Vị trí xếp hạng theo chỉ số MDG của Hà Nội là cao nhất (0,794). Vị trí xếp hạng của Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng thấp hơn (0,647 và 0,673) so với kỳ vọng, chủ yếu là do có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao hơn, đe doạ ảnh hưởng tới tương lai của những thành phố này khi Việt Nam tiến gần tới nǎm 2015. Trong 15 nǎm qua, Việt Nam vẫn đang dẫn đầu các nước đang phát triển về thành tích giảm tỷ lệ nghèo, từ trên 60% nǎm 1990 xuống còn khoảng 32% trong những nǎm gần đây, sớm hơn so với kế hoạch toàn cầu là đạt được mục tiêu này vào nǎm 2015. Việt Nam cũng đã tǎng cường đáng kể khả nǎng tiếp cận với giáo dục tiểu học, nước sạch và vệ sinh môi trường cũng như giảm tỷ lệ bất an ninh về lương thực, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ và tỷ lệ sinh.

Báo cáo này cho rằng, phần lớn kết quả mà Việt Nam đạt được cho đến nay là nhờ công cuộc đổi mới, song sẽ ngày càng khó đạt được tiến bộ xã hội do tình trạng cách biệt của những người dân có hoàn cảnh khó khǎn nhất. Do đó cần thiết phải tiến hành những điều chỉnh nhằm mục tiêu đối tượng phù hợp hơn trong các chính sách, thể chế, chương trình và trong việc phân bổ các nguồn lực, đặc biệt ở cấp tỉnh và các cấp dưới tỉnh. Ngoài việc đề cập một số chênh lệch xã hội rất lớn về khả nǎng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản trong cả nước, Báo cáo còn cho biết những tiến bộ đạt được về các chỉ tiêu chất lượng thường che lấp những hạn chế đáng kể về mặt chất lượng của các dịch vụ xã hội mà cần được khắc phục để hoàn thành trọn vẹn các MDG vào nǎm 2015. Đồng thời khuyến nghị tǎng cường nhiều hơn nữa sự hỗ trợ nhằm nâng cao nǎng lực để đảm bảo quản trị tốt ở cấp tỉnh và các cấp dưới tỉnh. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng phân tích tính bền vững của quá trình phát triển ở Việt Nam với tầm nhìn rộng hơn, trong đó xem xét không chỉ khía cạnh môi trường hiện đang chịu một sức ép to lớn do tốc độ tǎng trưởng kinh tế tương đối nhanh ở Việt Nam mà còn về khía cạnh xã hội, kinh tế và tài chính. Báo cáo cho rằng để xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ là những người có hoàn cảnh khó khǎn nhất thì phải tiếp tục nâng cao chất lượng và cải tiến các loại dữ liệu hiện có. Về mặt này, Tổng cục Thống kê có kế hoạch công bố kết quả của cuộc Điều tra Hộ gia đình đa mục tiêu vào nǎm 2003, như vậy sẽ cung cấp rất nhiều thông tin mới để tiếp tục điều chỉnh kết quả phân tích các MDG và những khuyến nghị có liên quan.