Có bệnh thì vái tứ phương, ai mách thuốc gì mà chẳng uống, nhất là thuốc ngoại. Mấy ai ngờ là 10% những viên “thần dược” ấy chỉ là đồ dỏm. Nhưng quái ác thay: Những thứ thuốc dỏm này chủ yếu lại được tiêu thụ tại các nước đang phát triển.
Thoạt nghe như một chuyện đùa ác: thuốc kháng sinh nhỏ mắt thật ra là nước máy, xirô Paracetamol chống đau và sốt cho trẻ em là một thứ nước đường sền sệt vô thưởng vô phạt, con nhộng kháng sinh thật ra chứa bột càri, còn trong vỉ thuốc chống thai toàn là những viên bột mì nén! Song khốn khổ thay, chuyện đó hoàn toàn có thật. Tạp chí y học Anh British Medical Journal số mới đây đã phanh phui một loạt các vụ lừa đảo như vậy. Nếu đó chỉ là mấy viên thuốc "bổ" dỏm thôi thì tác hại chưa có gì ghê gớm, nhưng anh bị rắn độc cắn hoặc lên cơn sốt rét mà vớ nhầm phải mấy liều thuốc bịp bợm ấy thì ắt phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Theo dự đoán dè dặt của Paul Newton, tác giả bài viết nói trên, thì ít nhất 10% -15% các loại dược phẩm đang lưu hành là hàng giả. Đây không phải là một phát hiện mới, song vì nhiều lý do khác nhau mà các công ty dược và chính phủ ở nhiều nước ngần ngại không muốn đưa ra ánh sáng, có thể vì sợ đổ thêm dầu vào lửa cơ chế điều tiết trên thị trường thuốc vốn cạnh tranh khốc liệt. Một nhóm tác giả dưới sự chủ trì của Robert Cockbum, nguyên biên tập viên tờ The Times (Anh) danh tiếng, vừa lên tiếng chỉ trích thái độ này trong tạp chí chuyên ngành PloS Medicine.
Hay còn lý do nào khác? Vì những nạn nhân của trò lừa đảo này chủ yếu ở thế giới thứ ba, nghĩa là người giàu cứ việc bình chân như vại khi nhà hàng xóm bén lửa? Điều tra sơ bộ của nhóm Cockbum cho thấy riêng ở châu Á và châu Phi có đến một nửa các loại thuốc là hàng nhái, hàng giả. Tổ chức Y tế Thế giới - WHO cũng chia sẻ nhận định rằng các nước nghèo là nơi chịu hậu quả chính. Ở vùng Nam Á, nơi bệnh sốt rét còn hoành hành, thuốc Artesunat bị làm giả tới 30% - 50%. Mỗi năm cả thế giới có 1 triệu người chết vì sốt rét, trong đó 200.000 người có thể cứu được nếu dùng đúng thuốc. Riêng trong năm 2001, nhà chức trách Trung Hoa đã xóa sổ hơn 1.300 xưởng làm thuốc giả. Nigeria buộc phải cấm cửa dược phẩm từ Ấn Độ vì tỉ lệ hàng dỏm quá cao, riêng dịch viêm màng não 1995 đã đem lại cái chết cho 2.500 nạn nhân vì tiêm chủng phải thuốc giả. Tại Haiti, Nigeria, Bangladesh, Ấn Độ và Argentina người ta đã thống kê được tổng cộng 500 trẻ em bỏ mạng vì dùng nhằm thuốc hạ sốt Paracetamol chứa dung môi diethylenglykol. Còn ở Trung Phi các bệnh nhân AIDS liên tục uống phải hàng nhái.
Doanh thu mỗi năm 30 tỉ USD
Những quốc gia giàu có thì ắt có đủ tài chính để tiến hành kiểm tra gắt gao hơn. Lấy ví dụ CHLB Đức trong 15 năm qua chỉ phát hiện ra ba vụ thuốc có quá ít hoạt chất trong đó không có vụ nào đáng đưa lên mặt báo vì thuốc chưa kịp tung ra thị trường, lại càng chưa có ai chết vì dùng nhầm thuốc dỏm, có chăng chỉ là mấy vỉ Viagra giả cầy mà nạn nhân ngại khiếu nại. Mọt phát hiện bê bối ở Tây Âu và Mỹ gần đây chỉ thu hút được sự chú ý của dư luận, sau khi vài hãng nhập khẩu thuốc men vì hám lợi mà mua hàng rẻ từ Đông Âu, Ấn Độ và Trung Quốc. Cục Kiểm tra dược phẩm Mỹ FDA ước tính mỗi năm thuốc giả đem lại doanh số khoảng chừng 30 tỉ USD - một ngành siêu lợi nhuận trong tay mafia hoặc đơn giản trong một căn phòng ẩm thấp mốc meo! Trong khi đó, khó lòng xác định chính xác con số nạn nhân, vì bệnh án của họ còn nhiều nguyên nhân khác xen vào, và nguyên nhân tử vong vì thuốc dỏm không phải dễ nhận ra.
Các công ty dược không thể không biết vấn đề này, song họ không dám chọc vào cái tổ ong vò vẽ, vì sợ mang tiếng cho cả những sản phẩm khác của mình. Công nghiệp dược phẩm chỉ có một ngân hàng dữ liệu duy nhất luôn được cập nhật về các loại thuốc giả với sự cộng tác của Viện An ninh dược phẩm PSL ở Virginia (Mỹ). Nhưng những thông tin này chỉ được cung cấp trong nội bộ, chứ không hề đem ra dư luận công khai, thậm chí không báo cho WHO, ngay cả các thành viên PSL cũng bị hạn chế tiếp cận nguồn dữ liệu. Không thể tin được rằng Hiệp hội Các nhà sản xuất dược phẩm Mỹ tuy nuôi một đội thám tử riêng để phát hiện và tiễu trừ các cơ sở làm thuốc giả, nhưng tất cả các hoạt động của đội quân này đều diễn ra trong bóng tối. Xin trích lời phát biểu của Chris Jenkins, một đồng sáng lập viên PSL, hồi cuối năm ngoái: “Vì lý do thương mại (...) cần giữ kín những tin tức về thuốc giả (...) để tránh bị đưa ra dư luận rộng rãi cũng như một số công ty cạnh tranh mượn gió bẻ măng bôi xấu địch thủ của mình".
Lợi bất cập hại
Đó là một cách xử sự “lợi bất cập hại”. Bởi lẽ về lâu dài, sự minh bạch sẽ không chỉ đem lợi thế cho các bệnh nhân, mà còn xây dựng lòng tin đối với công nghiệp dược phẩm. Ở Anh chẳng hạn, có một đạo luật quy định trách nhiệm phải thông báo cho nhà chức trách khi thấy nghi vấn nguồn gốc xuất xứ của phụ tùng máy bay, chắc chắn đó là một tiền lệ tốt để tiến tới mở rộng sang lĩnh vực thuốc men.
Giáo sư về y học nhiệt đới Nicholas White tại Trường Đại học Mahidol (Thái Lan) nói thêm: "Thuốc giả và thuốc ngoài luồng là một vấn nạn lớn và xem chừng ngày càng lan rộng, nhưng lại bị coi nhẹ”. Hậu quả là nhiều bệnh tật không thuyên giảm, nhiều cái chết thương tâm không đáng có, và cuối cùng là lòng tin giảm sút đối với các vị cứu tinh mặc áo trắng.
(TT&VH)
▪ 4 món ăn bài thuốc tăng cường trí thông minh (28/03/2005)
▪ Không tiếp thị mình, thuốc nội thua trên sân nhà (28/03/2005)
▪ Cơn gút cấp tính (28/03/2005)
▪ Cúm gà xuất hiện ở Bắc Triều Tiên (28/03/2005)
▪ Dị tật không hậu môn có thể chữa ngay khi mới sinh (28/03/2005)
▪ Nhức khớp, đau nhói ngực (28/03/2005)
▪ Nếu uống 6 tách cà phê mỗi ngày... (26/03/2005)
▪ Điều trị bệnh bằng liệu pháp gien có thể dẫn đến ung thư (27/03/2005)
▪ Bệnh loãng xương (26/03/2005)
▪ Có thể bị nhiễm SARS qua không khí (26/03/2005)