Bệnh nhiễm trùng tiết niệu
Các Website khác - 11/01/2005

Tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ ảnh hưởng xấu đến bàng quang hoặc thận ở cả nam giới và nữ giới. Nếu không được điều trị, hệ tiết niệu có thể bị tổn thương vĩnh viễn.

Triệu chứng phổ biến nhất là đi tiểu nhiều lần, đôi khi cả ban đêm. Bệnh nhân có thể mót tiểu đột ngột và dữ dội, có cảm giác đau hoặc nóng rát khi đi tiểu. Nếu nhiễm trùng nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị đái rắt và đái ra máu, cũng có thể sốt và đau lưng. Những triệu chứng trên có thể xuất hiện vài ngày rồi hết nhưng chưa hẳn đã khỏi bệnh.

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường do vi khuẩn xâm nhập cơ thể qua đường niệu đạo. Ở nữ, vì niệu đạo của nữ giới ở vị trí rất gần âm đạo và hậu môn nên dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn nam.

Chỉ có thể chẩn đoán chính xác nhiễm trùng đường tiết niệu khi căn cứ vào kết quả xét nghiệm nước tiểu. Các xét nghiệm phát hiện xem có bị nhiễm trùng hay không, và nếu có thì do loại vi khuẩn nào gây ra. Đây là thông tin cần thiết để kê đơn thuốc thích hợp. Một đợt điều trị 7-10 ngày bằng thuốc kháng sinh thường có thể chữa khỏi được nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu bệnh đã nặng, đặc biệt là nhiễm trùng không được điều trị đã lan rộng, bệnh nhân phải vào viện để làm xét nghiệm xác định nguyên nhân, mức độ lan rộng của nhiễm trùng và điều trị triệt để.

Nếu bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc dễ bị mắc bệnh này, nên uống nhiều nước để giúp đào thải các thành phần có hại. Một số người hay bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát nhiều lần do bất thường về niệu đạo, bàng quang hoặc ở thận. Nên đến khám bác sĩ tiết niệu để có sự đánh giá chính xác về bệnh của mình.

BS. Lê Vinh, Sức Khỏe & Đời Sống