Bệnh tự tỏa ở trẻ
Các Website khác - 17/12/2004
Trẻ mắc bệnh tự tỏa thường có những biểu hiện ban đầu như ngoan, ít khóc, chậm phát triển tâm thần rõ rệt. Điều trị cho các em chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý.
Nguy cơ dễ nhầm lẫn

Nhiều ông bố bà mẹ yên tâm rằng một đứa trẻ ngoan là ít đòi mẹ, đeo bám mẹ, ít khóc, đặt ở đâu cũng được, thậm chí khi đói cũng không gào bú. Rất có thể, nhận định của họ là... sai. Trẻ mang chứng bệnh tự tỏa thường hay có những dấu hiệu khởi đầu như vậy.

Hơn 6 tháng tuổi, bé Bi vẫn dường như vô cảm với những lời nựng nịu, trêu đùa của người thân. Một tuổi, suốt ngày bé cứ mân mê chiếc bánh xe quay tròn, quay tròn không biết chán. Đặt bé ở đâu, bé ngồi yên đó. Ai cũng bảo con bé thật ngoan. Nhưng đến hai, ba tuổi thì sự "ngoan quá" đã khiến mẹ của bé giật mình, người mẹ linh cảm đến một căn bệnh. Bốn tuổi, Bi được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh. Các bác sĩ cho biết, Bi hội đủ những dấu hiệu của bệnh tự tỏa... 6 tuổi, các trẻ khác đọc làu làu, Bi nhận được vài mặt chữ nhưng số thì... chịu. Bé không nhớ một con số nào ngoài số 0.

Bác sĩ Lâm Xuân Điền, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh cho biết, số trẻ mắc chứng tự tỏa như bé Bi không phải quá hiếm: Tỷ lệ khoảng từ 0,5 - 1%o, thường ở trẻ trai, bắt đầu trước ba tuổi.

Cho đến nay, các nhà khoa học chưa thống nhất về nguyên nhân gây bệnh này. Để chẩn đoán được bệnh, người ta dựa vào các tiêu chuẩn như: sự giảm thiểu về chất lượng các mối tương tác xã hội, giảm thiểu chất lượng của những dạng thức giao tiếp, sự giới hạn chủ yếu của các hành vi cùng các rối loạn kèm theo. Thường, trẻ tự tỏa có sự giảm sút trong việc bắt chước người khác và hiểu được những .thông điệp của môi trường, đặc biệt là những thông điệp có tính xã hội. Ngôn ngữ của trẻ thiếu đồng bộ và thiếu tự nhiên, thiếu nhịp điệu và thiếu cả sự qua lại. Trẻ thường có khuynh hướng đảo lộn các đại từ, không biết giả bộ, không hiểu những câu nói đùa hoặc những trò chơi.

Về hành vi, phần lớn hoạt động của trẻ cứng nhắc, lặp đi lặp lại vì không có mục tiêu. Có trẻ suốt ngày chỉ cầm ngắm mỗi một vật hoặc quay đi quay lại một bánh xe mà không biết chán. Ngoài những biểu hiện trên, một số trẻ còn có thể kèm theo chứng động kinh (chiếm khoảng 20-30%), rối loạn tâm bệnh lý (thường chiếm đến 75% có chỉ số IQ<70%). Trẻ có thể làm tốt những bài tập về tổ chức không gian và trí nhớ thính giác nhưng lại thường thất bại trong những bài tập hiểu ngôn ngữ và tổ chức theo chu trình. Một số khác rối loạn hành vi có thể làm thương tích, giảm chú ý tăng động hoặc hay tức giận, hung hãn.

Tiến triển, hậu quả và hướng điều trị

Bệnh tự tỏa là một rối loạn tâm thần mạn tính phát triển liên tục. Những dấu hiệu đầu tiên ở tuổi sơ sinh rất nhẹ nhàng: trẻ không phản ứng khi được bồng bế, tỏ ra thụ động, tách biệt hay co cứng lại. Trẻ không biểu lộ cảm xúc khi có người nhìn hoặc cười với nó, và có thể phản ứng rất mạnh với những tiếng động khác nhau nhưng không đáp ứng khi người ta gọi tên nó. Khi trẻ lên hai, chúng thường có khuynh hướng né tránh người lớn cũng như những trẻ em khác, thích cô độc. Hiếm khi trẻ tìm đến sự vỗ về hay làm cho người khác chú ý việc nó làm. Kèm theo đó là những khó khăn trong giao tiếp, những động tác cứ lặp đi lặp lại không mục đích và dấu hiệu chậm phát triển tâm thần dần rõ nét.

Những triệu chứng này nặng hơn khi trẻ lên 4-5 tuổi và không thay đổi trong suốt giai đoạn trẻ thơ. Khi sang tuổi thiếu niên, sẽ có những thay đổi lớn diễn ra: 30% nặng bệnh thêm trong một thời gian, 20% triệu chứng bệnh nặng thêm và kéo dài còn 40% có thể khả quan dần.

Hiện nay, giữa nhiều nước có sự khác nhau về phương thức điều trị. Có nơi dùng thuốc, có nơi dùng liệu pháp tâm lý. Tại TP Hồ Chí Minh, hiện đã có một số cơ sở bước đầu điều trị bệnh tự tỏa như Bệnh viện Tâm thần, Khoa tâm lý trẻ em (Bệnh viện Nhi Đồng 1), Trung tân giáo dục trẻ khuyết tật TP Hồ Chí Minh...

Bác sĩ Điền cho biết: Tiên lượng tốt nếu IQ< 50-70, cả với sự hạn chế khả năng nói trước 5 tuổi nếu trẻ được can thiệp giáo dục sớm và đặc biệt (khoảng 40 giờ/tuần). Thực tế, đã có nhiều trẻ sau can thiệp chuyên biệt ở bệnh viện đã vào học các lớp hội nhập, hòa nhập và trở thành những công dân bình thường. Tuy nhiên, vấn đề thách thức lớn hiện nay khi điều trị là sự hợp tác của gia đình. Sẽ tốt hơn nếu các bậc phụ huynh chấp nhận con mình vô điều kiện và tin tưởng ở con.

Theo Theo Tài hoa trẻ