Với áp lực tiếp nhận khoảng 2.500-3000 trẻ/ngày, 2 bệnh viện nhi lớn của thành phố đang gấp rút chuẩn bị để đáp ứng số ca dự đoán tăng đột biến sau 1/6, khi thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi chính thức phát hành. Bài toán khó là kinh phí thực hiện vẫn chờ xét duyệt.
![]() |
Cảnh thường thấy trong Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM. |
Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, nơi tiếp nhận điều trị bệnh nhi trong thành phố và các tỉnh phía Nam, đang dần hoàn chỉnh quy trình khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi. Theo Giám đốc Tăng Chí Thượng, quy trình sẽ có 3 bước, thành lập hoặc tăng cường những bộ phận chuyên phụ trách từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến phát thuốc, quyết toán thu chi.
Ông Thượng đánh giá, việc thực hiện khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ thay đổi toàn bộ hoạt động của bệnh viện, tác động hơn 1.000 cán bộ nhân viên. Khoa Khám bệnh sẽ chia 2 khu điều trị: khám theo yêu cầu và khám thông thường. Khu khám thông thường chia 2 luồng: trẻ dưới 6 tuổi và trên 6 tuổi, sau đó mới phân vào các phòng khám theo bệnh lý.
Tại khu xét nghiệm, bệnh nhi sẽ được miễn phí xét nghiệm công thức máu, tổng phân tích nước tiểu, sinh hóa, X-quang, siêu âm... Trên các phiếu xét nghiệm sẽ đóng dấu miễn phí, lưu sổ riêng cho trẻ dưới 6 tuổi. Sau đó là khâu kê toa, cấp thuốc tại nhà thuốc bệnh viện đối với ca ngoại trú và chuyển trại đối với bệnh nhi nội trú. Hồ sơ bệnh án được đóng dấu miễn phí.
Cuối buổi làm việc, điều dưỡng sẽ làm phiếu tổng hợp tình hình khám chữa cho trẻ dưới 6 tuổi, nộp về phòng máy tính của khoa Khám bệnh. Thông tin từ đây chuyển tiếp tới phòng Kế hoạch tổng hợp và phòng Tài chính kế toán để kịp thời quyết toán. Sẽ có 2 người làm việc cả ngày cho công đoạn này. Hiện, công suất phòng thường xuyên quá tải, dù số giường chỉ vỏn vẹn 850.
Những ngày này tại Bệnh viện Nhi đồng 2, các khoa, phòng đang được sắp xếp lại. Bác sĩ Trần Văn Thảo, Phó giám đốc cho biết, bệnh viện sẽ tăng cường thêm 10 phòng khám, bổ sung cho hơn 20 phòng khám hiện nay. Việc này sẽ đáp ứng số bệnh dự đoán gia tăng sau thời điểm 1/6 và giảm tải cho bác sĩ, khám từ 80-100 ca xuống còn 60-70 ca/ngày. Mỗi ngày tại đây đang tiếp nhận 2.500 lượt bệnh.
Bên cạnh đó, Nhi đồng 2 đang tuyển thêm 30 nhân viên gồm điều dưỡng và bộ phận hành chính, đảm nhận cấp phát thuốc, lưu toa và các thủ tục, giấy tờ. Bệnh viện cũng nâng cấp các giường dịch vụ: gắn máy lạnh, sửa sang, quét vôi ve để đáp ứng nhu cầu sắp tới.
Các bệnh viện hiện nóng lòng chờ ý kiến chỉ đạo và kinh phí từ thành phố. Bác sĩ Thượng băn khoăn, sức ép từ bệnh nhi đổ về có thể khiến bệnh viện ngưng hết các kỹ thuật cao, trượt dốc xuống thành bệnh viện huyện. "15 người phục vụ cho các phần việc mới cũng chưa biết tìm đâu", vị giám đốc bày tỏ.
Trong khi đó, với đại diện Ban Giám đốc Nhi đồng 2, mối lo lớn nhất là kinh phí không đủ đáp ứng điều trị đối với các ca bệnh nặng, trường hợp đặc biệt như sơ sinh nhẹ ký, dị tật bẩm sinh. Riêng mỗi ca ghép thận, hoạt động đang dần thành thường quy, cũng tốn khoảng 100 triệu, không kể tiền chạy thận và chi phí phục vụ với ekip trên 30 người. "Quan trọng nhất là phân tuyến rõ để biết ai đi trái tuyến, vượt tuyến", bác sĩ Thảo nói.
Lê Nhàn
▪ Bệnh viện ở Anh tăng cường sử dụng "bác sĩ" robot (19/05/2005)
▪ Dùng thuốc trị tiêu chảy (18/05/2005)
▪ Cháo bổ dưỡng, giải nhiệt cho người cao tuổi (18/05/2005)
▪ Chế độ tiết thực cho người bị suy tim (18/05/2005)
▪ Mệt mỏi, sợ ánh sáng (18/05/2005)
▪ Vì sao tuổi teen vụng về? (18/05/2005)
▪ Các thực phẩm chống nắng (17/05/2005)
▪ Hồ bơi - ổ bệnh trong mùa nóng (17/05/2005)
▪ Dùng mobile phone ở ngoại thành dễ bị u não (17/05/2005)
▪ Trẻ sinh non dễ bị bệnh lý võng mạc (17/05/2005)