Cách xử trí khi bị ngộ độc
Các Website khác - 26/01/2005
Xử lý cấp cứu ngộ độc thực phẩm, trước hết phải làm cho người bị ngộ độc nôn hết chất đã ăn vào. Vịêc này làm giảm sự hấp thụ chất độc ở ruột, phá hủy độc tính, đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Các lý do dẫn đến ô nhiễm thực phẩm đều có thể phòng tránh được nếu nắm vững kiến thức, kết hợp với thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm tốt.

Khi có trường hợp ngộ độc do thức ăn hoặc nghi ngờ ngộ độc do thức ăn thì phải dừng ngay việc sử dụng thức ăn đó và giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn, phân, nước tiểu để gửi đi xét nghiệm; báo ngay cho cán bộ quân y hoặc cơ quan y tế gần nhất đến điều tra, xác minh và kịp thời tổ chức cấp cứu người bị ngộ độc.

Nguyên tắc chung xử lý cấp cứu bước đầu là làm cho người bị ngộ độc nôn ra hết chất đã ăn vào, làm giảm sự hấp thụ chất độc ở ruột, phá hủy độc tính đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Trường hợp chất độc chưa bị hấp thụ:

- Phải rửa dạ dày càng sớm càng tốt, chậm nhất là sau 4-6 giờ. Thường rửa bằng nước ấm hoặc khi biết rõ chất độc có thể rửa bằng nước có pha thêm thuốc phá hủy chất độc như dùng dung dịch xanh methylen trong ngộ độc sắn.

- Gây nôn: cách thông thường nhất là ngoáy họng. Trường hợp bệnh nhân quá mệt mỏi có thể tiêm dưới da apomorphine 0,005g.

- Nếu thời gian ngộ độc đã tương đối lâu, chất độc còn lưu lại trong ruột thì cho uống thuốc tẩy (15-20g magiê sulfat).

Trường hợp chất độc đã bị hấp thụ một phần:

- Dùng chất trung hòa: ngộ độc do những chất axit có thể dùng những chất kiềm yếu như nước xà phòng 1% hoặc nước magiê oxyt 4%, cứ cách 15 phút lại uống 15ml; tuyệt đối không được dùng thuốc muối (bicarbonate) để tránh hình thành CO2, đề phòng thủng dạ dày - tá tràng nếu bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày - tá tràng. Trường hợp ngộ độc do chất kiềm thì cho uống dung dịch axit nhẹ như dấm, nước hoa quả chua.

- Dùng chất hấp thụ: uống than hoạt (5-10g) hoặc đất sét (30-40g).

- Dùng chất bảo vệ niêm mạc dạ dày, ngăn cản sự hấp thụ: có thể dùng bột mì, bột gạo, sữa, lòng trắng trứng gà, nước cháo...

- Dùng chất kết tủa: nếu ngộ độc kim loại (chì, thủy ngân...), có thể dùng lòng trắng trứng, sữa hoặc 4-10g natri sulfat.

- Dùng chất giải độc: trong ngộ độc glucoside, kim loại nặng, axit..., có thể uống hỗn hợp than bột, magiê oxyt, axit tanic và nước với tỷ lệ 2: 1: 1: 100.

Bác sĩ Hoàng Đức Hạnh

Theo Theo Sức khỏe đời sống