Bù lại thiệt thòi cho việc phải sống trong bóng tối, những người mù tự động phục hồi vùng thị giác trên não để đảm nhận nhiệm vụ định hướng âm thanh, do đó, khả năng nghe của họ siêu việt hơn nhiều so với người thường.
Phát hiện mới đây công bố trên PLoS Biology, đã cung cấp bằng chứng rõ ràng đầu tiên về mối liên hệ giữa khả năng nghe cực tốt ở người mù với việc tăng hoạt động của trung tâm thị giác trên não họ.
"Những kết quả này đã chỉ ra sự linh hoạt của não bộ", nhà khoa học thần kinh Franco Lepore thuộc Đại học Montreal, Canada, cho biết. Ông tin rằng nếu những người mù bẩm sinh hoặc từ khi còn nhỏ, sử dụng âm thanh để cảm nhận môi trường, đầu óc của họ sẽ thích nghi với điều đó.
Các thí nghiệm trước kia đã chỉ ra rằng những người bị mù trong giai đoạn đầu của cuộc đời thường trội hơn người khác trong những công việc không cần đến thị lực, như đánh giá tiếng nói, nhớ từ và khả năng âm nhạc. Một vài nhà khoa học khẳng định người mù có thể chỉ ra vị trí nguồn âm trong không gian tốt hơn so với người sáng mắt. Tuy nhiên, những người khác đã thất bại trong việc tìm ra lợi thế này.
Lepore và cộng sự quyết định điều tra xem tại sao một số người mù lại định vị âm thanh tốt hơn. Nhóm đã nghiên cứu trên 19 tình nguyện viên, 12 trong số họ mù bẩm sinh hoặc mất thị lực từ rất sớm. Mỗi tình nguyện viên ngồi trước một vòng bán nguyệt, với 16 cái loa phát ra âm thanh đột ngột, kéo dài một phần giây.
Nhóm nghiên cứu cho phát âm thanh từ một loa ngẫu nhiên và yêu cầu đối tượng xác định tiếng động phát ra từ đâu. Tình nguyện viên được tham gia hai loại thử nghiệm: một được dùng cả hai tai, và một chỉ nghe bằng một tai duy nhất.
Trước sự ngạc nhiên của Lepore, không có sự khác biệt nào giữa những người tình nguyện khi thử nghiệm với cả hai tai. "Chúng tôi cho rằng lý do khiến người mù không khá hơn người sáng mắt khi cả hai tai cùng mở là nhiệm vụ này quá dễ dàng. Cái loa cũng ở quá xa nhau".
Nhưng trong thử nghiệm với 1 tai, có 5 tình nguyện viên thể hiện tốt hơn số còn lại. Họ có thể định vị được cái loa trong vòng cung 15 độ. Không có người sáng mắt nào thực hiện được điều này. 7 người mù còn lại cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Nhóm nghiên cứu đã scan não những người tham gia thí nghiệm để tìm hiểu vùng nào bị kích động mạnh nhất. Ảnh chụp cho thấy những người mù có khả năng định vị âm thanh vượt trội thường có hoạt động mạnh hơn ở vùng vỏ não thị giác - vùng não vốn chỉ dành cho việc nhìn. Ngược lại, ở nhóm sáng mắt và những người mù nghe kém, không có hình ảnh của hoạt động này.
"Điều đó thật thuyết phục, tôi cho là vậy", Marcel Zwiers, nhà khoa học thần kinh tại Trung tâm y học Đại học ở Utrecht, Hà Lan, nhận định.
Lepore cho rằng nếu ai đó bị mù từ khi còn nhỏ, não bộ của anh (chị) ta có thể trải qua việc tái tổ chức tinh tế. Nhóm của ông cũng tìm thấy rằng những người bị mù ở giai đoạn sau của cuộc đời thường thiếu hoạt động trên vùng vỏ não thị giác. Phát hiện này đã ủng hộ ý kiến trên.
T. An (theo Nature)
▪ Sẽ có Diễn đàn nhà báo viết về HIV/AIDS (07/07/2004)
▪ Cần 20 tỷ USD để điều trị bệnh AIDS vào năm 2007 (07/07/2004)
▪ Gần 23 triệu USD cho phòng, chống sốt rét (09/07/2004)
▪ 4 quan niệm sai lầm về dinh dưỡng (26/01/2005)
▪ Thuốc nào có khả năng gây dị tật bẩm sinh? (26/01/2005)
▪ Thái Lan vạch kế hoạch chống cúm gia cầm (25/01/2005)
▪ Muốn tiểu mà khó tiểu là bệnh gì? (25/01/2005)
▪ Hỏi về sức khỏe của trẻ em (25/01/2005)
▪ Hoa gạo và những vị thuốc quen thuộc (26/01/2005)
▪ Trị ho bằng thuốc nam cho trẻ (26/01/2005)