Triệu chứng lâm sàng của bệnh thường chậm và kín. Trong giai đoạn tiến triển rõ rệt, bệnh biểu hiện qua ba nhóm hội chứng chính, đó là hội chứng da, niêm mạc; suy giảm chuyển hóa và thần kinh cơ. Trong hội chứng da niêm mạc, người bệnh thấy da mỏng, khô, có vảy, lạnh, xanh nhợt, đôi khi vàng, nhiều nếp nhăn và có những vùng sắc tố. Đặc biệt móng tay, móng chân giòn, dễ gãy. Tóc rụng, khô, xỉn, dễ gãy, mọc chậm. Lông mày rụng. Nhiều người bị phù niêm ở mặt, mi mắt khiến cho mặt căng phính, môi dày, mũi to. Một số khác lại có hiện tượng phù niêm ở lưng, bàn tay và chân. Ngoài ra người bệnh còn có hiện tượng teo cơ, thâm nhiễm niêm mạc, lưỡi to, thanh hầu và dây thanh tạo ra tiếng trầm, thậm chí mất tiếng, giảm thính lực (cả hai bên tai bị ù).
Với hội chứng suy giảm chuyển hóa, người bệnh thấy cơ thể suy nhược, không muốn hoạt động, toàn thân mệt mỏi, tâm thần chậm chạp, trí nhớ giảm, lãnh đạm, nhất là sự hào hứng thường ngày bỗng giảm đi. Người bệnh thường bị phì đại cơ khiến cho việc đi lại khó khăn. Khi nghỉ hoặc đêm ngủ, người bệnh hay bị chuột rút, mỏi cơ toàn thân, đặc biệt là nói chậm, khó và ồ. Bệnh nhân dần trở nên khó hiểu, khó quan hệ với người xung quanh, tâm thần không bình thường, hay bị hoang tưởng. Triệu chứng sớm ở hội chứng này là người bệnh thấy mất cảm giác ở ngón tay, đau cổ tay. Một số người bệnh hay bị nhức đầu, ngất mỗi khi xúc động. Các triệu chứng này xảy ra khi người bệnh bị mệt cơ, hạ huyết áp, đi lại.
Ngoài ba hội chứng trên, người bệnh có thể còn gặp một số triệu chứng khác dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh thường gặp ở người cao tuổi như rối loạn tim mạch, bài tiết, viêm khớp, tràn dịch màng ngoài tim, bướu giáp.
Mặc dù suy giáp trạng là bệnh có thể chữa khỏi, ít khi trở thành một bệnh mạn tính, nhưng bắt buộc phải được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu không suy giáp trạng sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm như cao huyết áp, suy tim, đau ngực, liệt nửa người, rối loạn thần kinh. Nặng hơn, người bệnh có thể hôn mê, co giật, mạch chậm, huyết áp hạ, thiếu máu, tăng cholesterol, tăng kali máu làm ảnh hưởng tới nhiều tuyến nội tiết khác... Hiện nay, việc phát hiện và chẩn đoán bệnh ở các tuyến y tế cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều thầy thuốc thường bỏ qua những hiện tượng kể trên và cho bệnh nhân dùng thuốc điều trị các bệnh thực thể kéo dài hoặc không điều trị gì, vì thế bệnh không khỏi, thậm chí nặng thêm, gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Để chẩn đoán bệnh này, Viện Lão khoa thường cho bênh nhân làm các xét nghiệm chuyển hóa như đo độ tập trung iốt, đo iốt niệu, chụp ký xạ... Từ đó có phác đồ điều trị cụ thể với từng thể bệnh. Những thuốc hiện được dùng vào việc điều trị suy giáp trạng là thyroxin, thyrobolin, dityrin, triodothyronin, thyroglobulin...
|