Những thắc mắc thường gặp về cảm, cúm
Các Website khác - 07/01/2005

Ra ngoài trời mùa đông sẽ dễ bị cảm? Thực ra, cái lạnh không phải là nguyên nhân gây cảm. Nhưng vào mùa đông, virus phát triển mạnh và sẽ tấn công chúng ta, nhất là khi cơ thể yếu đi do phải chống đỡ với giá rét.

Vào mùa đông, chúng ta hay ở trong nhà nên cơ hội tiếp xúc và lây nhiễm virus cũng cao hơn. Cảm cúm có thể xảy ra vào bất cứ tháng nào, nhưng thường xảy ra nhất từ tháng 11 đến tháng 3 hằng năm. Rửa tay xà phòng hay xoa tay bằng gel diệt khuẩn thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để tránh lây lan cảm cúm.

Khi trẻ bị cảm hay cúm, có nên cho uống aspirin để giảm bớt các triệu chứng khó chịu?

Không được cho trẻ uống aspirin vì trẻ sẽ dễ bị hội chứng Rey - một hội chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến máu, gan, não của trẻ nhỏ và vị thành niên sau khi nhiễm bệnh do virus.

Nên cho trẻ dùng các loại thuốc không có aspirin như acetaminophen (Tylenol...) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin...). Cần đọc kỹ hướng dẫn về liều lượng thuốc theo tuổi của trẻ. Nếu có gì nghi ngờ, phải hỏi ý kiến thầy thuốc nhi khoa.

Đột ngột đau mình mẩy, sốt, ho khan và mỏi mệt có phải là biểu hiện của cảm, cúm?

Cúm gây các triệu chứng nghiêm trọng hơn cảm. Các dấu hiệu của cúm bao gồm: sốt, rét run và vã mồ hôi, ho khan, nhức đầu, đau và nhức mỏi cơ, mệt và suy nhược, chán ăn. Đôi khi cúm cũng gây chảy mũi, hắt hơi và đau họng - những biểu hiện thường liên quan đến cảm. Nếu bị sốt cao trên 38 độ thì thường là bị cúm. Virus gây bệnh cúm có thời gian ủ bệnh 1-4 ngày nhưng các triệu chứng thường đến đột ngột. Trong hầu hết các trường hợp, sau khoảng 1-2 tuần, bệnh sẽ đỡ, trừ khi bị biến chứng liên quan đến cúm như viêm phổi thùy hay nhiễm khuẩn khác.

Tiêm vaccin phòng cúm thế nào?

Để không bị cúm, cần tiêm phòng hằng năm vì virus gây bệnh cúm luôn biến đổi. Do đó, vacxin phòng cúm của năm trước có thể sẽ không thích hợp để chống lại chủng cúm lưu hành trong năm sau. Hằng năm, các nhà sản xuất vacxin sẽ sản xuất vacxin phòng cúm mới dựa trên sự dự đoán chủng virus cúm nào sẽ hoạt động mạnh nhất trong mùa cúm năm sau. Thời gian tiêm phòng cúm tốt nhất là vào mùa thu, tức trước khi mùa cúm bắt đầu. Nếu không có điều kiện tiêm vào mùa thu thì vẫn có thể tiêm trễ hơn trong năm (ngay cả khi đã vào mùa cúm), thuốc cũng vẫn có tác dụng bảo vệ.

Có phải tiêm phòng cúm là gây một bệnh cúm nhẹ?

Thuốc tiêm phòng cúm không chứa virus sống nên sau khi tiêm, chúng ta không thể bị cúm. Thuốc được chế tạo từ các virus đã bất hoạt, nghĩa là đã chết. Một số người sau khi tiêm bị những tác dụng phụ nhẹ như đau ở cánh tay, có người sốt, đau cơ hoặc có mỏi mệt toàn thân tương tự như bị cúm. Những triệu chứng này thường không kéo dài.

Chúng ta vẫn có thể bị cúm sau khi đã tiêm phòng, nhưng sự cố này thường nhẹ hơn bệnh cúm thực sự nếu không tiêm phòng.

Dùng kháng sinh để điều trị cảm hay cúm có tác dụng không?

Hầu hết các kháng sinh chỉ có tác dụng chống viêm nhiễm do vi khuẩn gây ra, do đó không hiệu quả trong điều trị cảm cúm (là những bệnh do virus gây ra). Dùng kháng sinh khi không cần thiết có thể làm tăng tình trạng vi khuẩn kháng thuốc và giảm hiệu quả của những thuốc này. Người dùng kháng sinh cũng có thể phải chịu tác dụng phụ như ban đỏ, tiêu chảy hoặc bệnh nấm, trong khi bệnh cúm vẫn không khỏi.

Hiện nay, không loại kháng sinh nào được công nhận là có tác dụng chữa cảm. Một số kháng sinh được coi là có tác dụng chống virus và bệnh cúm chỉ khi được dùng sớm. Vì vậy, tiêm phòng vẫn là cách tốt nhất để tránh bị cúm.

Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy có phải là triệu chứng của cảm, cúm?

Mặc dù một số người, nhất là trẻ em, bị nôn khi mắc cúm nhưng đó thường không phải là triệu chứng chính. Thể bệnh cúm có biểu hiện dạ dày cũng thường gặp, nhưng đó hoàn toàn không phải là bệnh cúm đích thực mà là bệnh của dạ dày và đường ruột (trong khi cúm ảnh hưởng đến đường hô hấp).

Triệu chứng cảm khác với cúm như thế nào?

Điểm phân biệt cảm với cúm là cảm thường không kèm sốt cao, diễn biến từ từ, thường không nặng, ít khi gây mệt mỏi nhiều và không đau nhức cơ như cúm. Những dấu hiệu và triệu chứng của cảm thường là: chảy nước mũi, ngứa hay đau họng, niêm mạc mũi xung huyết, hắt hơi, ho, có thể sốt nhẹ, hơi mệt, giảm vị giác hoặc khứu giác. Các dấu hiệu và triệu chứng nói trên xảy ra trong vòng 1-3 ngày sau khi bị phơi nhiễm với virus gây cảm. Phần lớn các trường hợp cảm chỉ diễn ra trong 1 tuần, đôi khi có thể dẫn đến nhiều biến chứng như xung huyết ở xoang hay đau tai.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)