Chấn thương nặng do tai nạn giao thông ngày càng tăng
Các Website khác - 30/12/2004

Anh Tân, 19 tuổi ở Bình Dương nhập viện trong tình trạng đã hôn mê, gồng mất não, đồng tử hai bên giãn. Đây là một trong nhiều trường hợp chấn thương sọ não do tai nạn giao thông mà khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận vào những ngày cuối năm.

Bệnh nhân cấp cứu tai nạn giao thông trong phòng hồi sức
Bệnh nhân tai nạn giao thông trong phòng hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: L. Thanh

Chuyển từ Bệnh viện đa khoa Bình Dương, bệnh nhân Huỳnh Văn Tân, ngụ tại ấp Hoà Lân, xã Thuận Giao, huyện Thuận An phải đặt nội khí quản, bóp bóng thở. Hình chụp cắt lớp não CT. Scan cho thấy, máu tụ dưới màng cứng bán cầu trái, lượng nhiều; bệnh nhân dập phù não nặng cả hai bán cầu.

Bác sĩ phụ trách Huỳnh Văn Lo giải thích: "Nếu chỉ có máu tụ ngoài màng cứng thì còn khả năng phẫu thuật bằng cách mổ nắp sọ, lấy máu tụ và cầm máu. Chứ hiện tại, chúng tôi chỉ có thể điều trị hồi sức cấp cứu, nâng đỡ vì gần như không còn hy vọng sống".

Phòng hồi sức hiện có 7 bệnh nhân, trong đó 3 trường hợp tai nạn giao thông tình trạng tương tự như anh Tân. Có người tuần trước bố vừa chết do tai nạn giao thông, nay đến lượt con nằm viện, tiên lượng tử vong. "Mỗi ngày phải có vài trường hợp nặng như vậy. Số chuyển đi hoặc đã chết hoặc nặng quá, người thân đành xin về", bác sĩ Lo nói.

Theo Trưởng khoa Cấp cứu, bác sĩ Tôn Thất Quỳnh Ái, hiện mỗi ngày khoa tiếp nhận không dưới 250 ca, phân nửa là tai nạn giao thông với đa phần chấn thương sọ não. Số ca đang có xu hướng chững lại, nhưng mức độ tổn thương nặng gia tăng. "Năm trước, 30% số bệnh nhân nhập viện chỉ cần sơ cứu rồi cho về, so với hiện nay hơn 80% số ca nhập viện tình trạng nặng, phải mổ cấp cứu, mổ chỉ định hoặc nằm điều trị lâu dài. Tỷ lệ tử vong cũng tăng theo".

Nguyên nhân, theo bác sĩ Ái, dân ta vẫn chưa có ý thức đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, mặc dù Nhà nước, công luận đã nhiều lần cảnh báo. Mặt khác, do thời điểm cuối năm, nghỉ tết dài ngày, nhu cầu đi lại, thăm hỏi, mua bán nên số ca tai nạn tăng, số chấn thương nặng tương ứng tăng theo. Chưa kể nhiều chủ phương tiện, sau khi chuyển đến nhà thương, trong miệng vẫn còn mùi... rượu. Ghi nhận sơ lược trong tháng 11 đã có gần 170 trường hợp bệnh nhân xỉn khi lái xe, gây tai nạn. "Nếu thử hết các trường hợp, con số này còn cao hơn", ông Ái thừa nhận.

Chợ Rẫy cũng là "cái túi" đổ về của các bệnh viện tuyến trước. Mỗi khi có tai nạn giao thông, công an, taxi chở nạn nhân đến trung tâm y tế gần nhất, rồi chuyển thẳng đến đây. "Chúng tôi hoàn toàn thụ động, không biết tình trạng bệnh nhân nặng, nhẹ thế nào trước khi đến. Cũng không biết trước ngày nào, giờ nào, số lượng bao nhiêu để chuẩn bị vì thiếu mạng lưới thông tin liên lạc", ông Trưởng khoa bức xúc.

Đối phó với khó khăn, khoa chỉ còn cách "chờ" bệnh nhân, chuẩn bị tinh thần đón nhận số cấp cứu tai nạn giao thông gồm nặng, nhẹ nhiều mức độ gia tăng trong dịp Tết nguyên đán. Dự đoán, đỉnh cao số ca Tết nguyên đán Ất dậu nhiều bằng mùng 3 Tết năm ngoái: 470 bệnh nhân, gấp đôi hiện tại. Trong khi, hiện năng lực tối đa cả khoa giới hạn trong 100 băng ca và giường. Nhân lực khoảng 130 người gồm hơn 30 bác sĩ, 80 điều dưỡng, tạp vụ.

Lê Nhàn