Ung thư tiền liệt tuyến (UTTLT) là một trong những dạng UT thường được phát hiện trong đàn ông có tuổi.
Trong các yếu tố gây nên UTTLT, tiếp xúc hay bị nhiễm độc chất hóa học được xem là nguy cơ hàng đầu. Trong các hóa chất có khả năng gây UT, độc chất da cam (ĐCDC) thường được quan tâm, vì chất này có chứa dioxin, một độc chất số một có khả năng làm rối loạn quá trình sản sinh và tái sản sinh tế bào. Tuy nhiên, trong thời gian qua, có rất ít nghiên cứu về mối liên hệ giữa ĐCDC (hay dioxin) và UTTLT, và kết quả thường không rõ ràng, vì những khiếm khuyết trong phương pháp nghiên cứu.
Trong báo cáo của Viện Y khoa (trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Mỹ) năm 2002 về tác hại của ĐCDC đến sức khỏe cựu chiến binh Mỹ, các nhà khoa học nhận xét rằng bằng chứng về mối liên hệ giữa ĐCDC (hay dioxin) và UTTLT vẫn còn hạn chế, nhưng đồng thời cũng không loại trừ khả năng ĐCDC là yếu tố gây nên UT.
Hai năm qua, đã có vài nghiên cứu quan trọng làm sáng tỏ vấn đề hơn. Theo kết quả các nghiên cứu này, những cựu quân nhân Mỹ từng rải ĐCDC trong khi tham chiến tại Việt Nam có tỷ lệ bị UTTLT cao hơn các cựu quân nhân không tham gia vào chiến dịch rải độc chất. Bài viết này sẽ tóm lược qua các nghiên cứu đó để cung cấp cho bạn đọc, nhất là gia đình nạn nhân ĐCDC ở trong nước, có thêm những thông tin mới nhất.
Vài nghiên cứu ban đầu
Một nghiên cứu đối chứng về ảnh hưởng của ĐCDC được công bố vào năm 2001 cho thấy số lớn các cựu quân nhân được chẩn đoán UTTLT là những người từng bị phơi nhiễm ĐCDC trong thời chiến. Trong công trình nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu phân tích kết quả thử nghiệm UT trên 400 cựu binh. Trong số này, có 32 người (hay 8%) báo cáo rằng từng bị phơi nhiễm ĐCDC trong chiến tranh ở Việt Nam. Các nhà nghiên cứu từ đó so sánh 32 trường hợp này với một nhóm đối chứng gồm 96 trường hợp không từng nhiễm ĐCDC. Hai nhóm này được chọn sao cho họ có cùng độ tuổi và sắc tộc để đảm bảo tính khách quan trong nghiên cứu.
Kết quả phân tích cho thấy, trong số 32 cựu binh từng bị phơi nhiễm độc chất, có 13 người (tức 41%) bị UTTLT; trong khi đó trong nhóm đối chứng có 33 người (tức 34%) bị UTTLT. Tuy nhóm bị phơi nhiễm độc chất có tỷ lệ UT cao hơn nhóm đối chứng, mức độ khác biệt (7%) được đánh giá là nằm trong khoảng dao động giữa mẫu đối tượng nghiên cứu. Nói cách khác, số liệu từ nghiên cứu này vẫn chưa cho ra một bằng chứng thuyết phục để kết luận rằng phơi nhiễm ĐCDC có ảnh hưởng đến nguy cơ bị UTTLT.
Tuy nhiên, nghiên cứu này có nhiều khuyết điểm về phương pháp. Chẳng hạn như cách chọn đối tượng thiếu tính ngẫu nhiên, số lượng trường hợp còn quá nhỏ (chỉ 32 người bị phơi nhiễm), không đo nồng độ dioxin, và cách phân tích số liệu còn quá thô sơ để có thể cho một kết quả đáng tin cậy.
Tiếp theo nghiên cứu trên là một nghiên cứu đối chứng khác vừa mới công bố trên Tập san Niệu khoa (urology) vào đầu năm nay, và kết quả có phần cao hơn so với nghiên cứu vừa đề cập trên. Trong công trình nghiên cứu mới này, 47 đối tượng có chẩn đoán UTTLT được so sánh với 142 đối tượng không bị UTTLT. Hai nhóm có cùng độ tuổi (56 tuổi), cùng sắc tộc, và cùng nghề nghiệp. Cả hai nhóm đều được chọn từ các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu cho thấy trong nhóm UTTLT, có 11 người (tức 23%) từng bị phơi nhiễm ĐCDC; con số này cao hơn gần gấp hai lần so với nhóm đối chứng với 12% từng bị phơi nhiễm ĐCDC. Và mức độ khác biệt này có ý nghĩa thống kê. Nói cách khác, kết quả này cho thấy những cựu binh từng bị phơi nhiễm ĐCDC cũng là những người có nguy cơ bị UTTLT cao hơn những người không từng bị phơi nhiễm độc chất.
Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có một số nhược điểm về phương pháp. Chẳng hạn như số lượng trường hợp còn quá nhỏ, không đo nồng độ dioxin, và cách phân tích số liệu còn quá thô sơ để có thể cho một kết quả đáng tin cậy. Có lẽ vì những điểm yếu này mà các nhà nghiên cứu khiêm tốn gọi là pilot study - nghiên cứu thí điểm sơ bộ.
Điều cần phải nhấn mạnh thêm là cả hai nghiên cứu này đều sử dụng một phương pháp nghiên cứu không có giá trị khoa học cao, bởi vì kết quả nghiên cứu phải diễn dịch "ngược" thời gian. Nói một cách khác, các nhà nghiên cứu làm một cuộc khảo sát đảo ngược: tìm hiểu xem trong số người đang bị (hay trong số người không bị) UTTLT, có bao nhiêu người đã từng bị phơi nhiễm độc chất. Đây là một phương pháp nghiên cứu có tên là "case-control study" hay "retrospective", tức nghiên cứu đối chứng đi ngược thời gian, và kết quả thường mang tính gợi ý hơn là khẳng định.
Nghiên cứu mới
Để khắc phục điểm yếu trên, các nhà khoa học trong chương trình nghiên cứu quy mô Ranch Hand tiến hành một phân tích "viễn cảnh", xuôi theo thời gian. Trong chương trình này, các nhà nghiên cứu theo dõi và quan sát một nhóm 1.196 cựu binh Mỹ từng tham dự chiến dịch xịt độc chất da cam (ĐCDC), còn gọi là chiến dịch Ranch Hand, tức "Bàn tay nông dân", trong thời gian từ 1962 đến 1971. Để so sánh một cách khoa học, họ chọn thêm một nhóm 1.785 cựu binh không tham gia chiến dịch này hay bị phơi nhiễm độc chất trong thời chiến. Để bảo đảm khách quan, các nhà nghiên cứu đối chiếu hai nhóm sao cho họ có cùng sắc tộc độ tuổi nghề nghiệp và binh chủng.
Các cựu binh đồng ý tham gia chương trình nghiên cứu này được đo nồng độ dioxin, được khám sức khỏe và theo dõi theo định kỳ (mỗi hai năm) suốt 20 năm, từ 1982 đến 2002. Trong thời gian đó, các nhà nghiên cứu quan sát xem có bao nhiêu ca ung thư tiền liệt tuyến (UTTLT) trong hai nhóm và dùng các phương pháp phân tích thống kê để biết mức độ khác biệt về nguy cơ bị ung thư có ý nghĩa hay không. Cần nói thêm rằng cụm từ "có ý nghĩa" ở đây có nghĩa là mức độ khác biệt về UTTLT giữa 2 nhóm và cả nước không phải do các yếu tố ngẫu nhiên gây nên, mà có thể do bị phơi nhiễm độc chất trong thời gian tham chiến ở Việt Nam.
Tháng 2 năm nay, tập san Y học và môi trường công bố phân tích của công trình nghiên cứu này và kết quả có thể tóm lược như sau: Thứ nhất, các cựu quân nhân từng tham gia chiến dịch Ranch Hand có tỷ lệ bị ung thư hắc tố (còn gọi là melanoma) cao gấp 2 lần so với người thường. Cả hai nhóm cựu binh đều có tỷ lệ bị UTTLT khoảng 50- 60%, cao hơn tỷ lệ trong toàn nước Mỹ.
Thứ hai, phân tích chi tiết hơn cho thấy các cựu binh từng tham gia chiến dịch Ranch Hand trong thời gian từ 1966 đến 1970 (giai đoạn cao điểm) có tỷ lệ UTTLT và ung thư da hắc tố cao gấp 2-4 lần so với tỷ lệ trung bình trong dân số. Tất cả những chỉ số nguy cơ này đều có ý nghĩa thống kê.
Sau cùng, khi phân tích mối liên hệ giữa thời gian phục vụ và xác suất bị ung thư, các nhà nghiên cứu phát hiện những cựu binh từng tham chiến ít nhất 2 năm ở Việt Nam hay những cựu binh từng tham gia vào chiến dịch xịt độc chất toàn thời có tỷ lệ bị ung thư da hắc tố và UTTLT cao từ 6-7 lần so với tỷ lệ trong toàn nước Mỹ. Nói cách khác, thời gian phơi nhiễm độc chất càng lâu, nguy cơ bị hai chứng ung thư vừa nói càng cao.
Một vài nhận xét
Dioxin và ĐCDC từng được biết như là những yếu tố gây nên một số bệnh ung thư như ung thư tế bào mềm (soft-tissue sarcoma), ung thư máu dạng Nonhodgkin's và Hodgkin's lymphoma), và bệnh ban clor (chloracne). Đầu tháng 1-2003, một thông cáo báo chí từ Viện Y khoa Mỹ cho biết, sau khi duyệt xét qua sáu công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của dioxin (trong vòng 2 năm trước đó) các nhà khoa học tuyên bố họ đã có đủ bằng chứng để kết luận rằng dioxin là nguyên nhân gây ra chứng ung thư bạch cầu mãn tính (chronic lymphocytic leukemia hay CLL). Trước đây, người ta từng nghi ngờ CLL có liên hệ với dioxin, nhưng bằng chứng khoa học chưa được rõ ràng; nay thì mối liên hệ đó coi như đã được khẳng định.
Qua ba công trình nghiên cứu, nhất là công trình nghiên cứu quy mô Ranch Hand, đã có thêm bằng chứng cho thấy phơi nhiễm ĐCDC và dioxin còn là yếu tố gây nên bệnh TTLT (và ung thư da hắc tố). Thực ra phát hiện này cũng không phải hoàn toàn mới, vì trước đây có ít nhất hai nghiên cứu trong các nông dân cũng đi đến kết luận rằng phơi nhiễm hóa chất có khả năng làm tăng nguy cơ bị UTTLT.
UTTLT, như đề cập trên, là một trong những dạng ung thư nghiêm trọng trong đàn ông cao tuổi, vì đây chính là nguyên nhân gây tử vong cao vào hàng thứ hai trong các dạng ung thư. Nhưng các yếu tố gây nên ung thư vẫn chưa được biết một cách rõ ràng. Vì thế phát hiện về mối liên hệ giữa phơi nhiễm ĐCDC hay dioxin và TTLT là một cống hiến có ý nghĩa lâm sàng và y tế công cộng lớn chẳng những đối với cựu binh Mỹ mà còn đối với người Việt Nam từng bị phơi nhiễm độc chất.
Trong thời gian từ 1962 - 1971, quân đội Mỹ rải khoảng 77 triệu lít ĐCDC xuống miền nam và trung Việt Nam, gây ảnh hưởng và tác hại đến môi trường của 2,63 triệu ha và gần 5 triệu người sống trong 25.585 thôn ấp. Tuy chưa có một nghiên cứu quy mô nào trong những người dân trên, nhưng dựa theo kết quả nghiên cứu vừa điểm qua trên đây, có thể đoán được số đàn ông Việt Nam có nguy cơ bị TTLT chắc không thấp hơn tỷ lệ trong các cựu binh Mỹ, vì họ là nạn nhân và phải sống với độc chất cả sau cuộc chiến. Đây là một vấn đề nhức nhối mà giới nghiên cứu y khoa có thể đóng góp một phần vào việc hệ thống hóa những tác hại lâu dài của ĐCDC ở Việt Nam.
|