Chỉ có trẻ em mới mắc bệnh thủy đậu ?
Các Website khác - 31/12/2004

Bệnh thủy đậu (hay còn gọi là bệnh trái rạ) thường xảy ra nhiều từ tháng 1 đến tháng 4 hằng năm. Nhiều người thắc mắc có phải bệnh này chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ, còn thiếu niên và người trưởng thành thì không. Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng I, TP.HCM) cho biết:


Bác sĩ Trương Hữu Khanh.
- Bệnh trái rạ "tập trung" nhiều vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 4, là thời điểm siêu vi trùng dễ phát triển. Đây là bệnh do siêu vi trùng (varicella Zoster hepes) gây ra, rất dễ lây qua đường hô hấp, một số trường hợp lây do tiếp xúc với mụn nước của trái rạ, cũng có thể lây từ mẹ qua bào thai. Bệnh khởi phát sau 10 - 14 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh, với các triệu chứng nổi mụn nước (nốt rạ) rất nhanh ở khắp cơ thể (từ 12 - 24 giờ).

* Có phải bệnh chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ?

- BS Trương Hữu Khanh: Bệnh thường gặp ở trẻ em, mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng I tiếp nhận điều trị từ 800 - 1.000 trường hợp. Tuy nhiên, người lớn vẫn có thể mắc bệnh này và khi mắc thì tình trạng trầm trọng hơn so với trẻ em. Ngoài việc bị nổi những mụn nước, trẻ nhỏ mắc bệnh còn kèm theo sốt nhẹ, biếng ăn; còn ở thiếu niên và người trưởng thành thì kèm theo sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày, nếu không gây biến chứng thì các nốt rạ khô dần, không để lại sẹo, nếu các nốt rạ nhiễm trùng có thể để lại sẹo vĩnh viễn. Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da, nặng hơn có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não... Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh sẽ rất nguy hiểm vì dễ bị biến chứng nặng (nhất là viêm phổi). Cách phòng ngừa bệnh trái rạ hiệu quả hiện nay là tiêm chủng ngừa.

Thanh Tùng (thực hiện)