Rối loạn tiền đình chiếm 30% tổng số người mắc chứng chóng mặt, và được chia ra hai thể:
- Rối loạn tiền đình do rối loạn thần kinh ngoại biên.
- Rối loạn tiền đình có nguồn gốc từ tổn thương thần kinh trung ương. Các bệnh chứng nói trên đều có chung chứng chóng mặt nặng, nhẹ khác nhau.
* Chứng rối loạn tiền đình do tổn thương thần kinh:
Liên quan tới bộ phận chức năng giữ thăng bằng, ít nhiều có quan hệ tới đôi dây thần kinh số III; hoặc những nhân thần kinh trong não, có rối loạn chức năng mê nhĩ ở tai trong...
* Rối loạn tiền đình ngoại biên:
Biểu hiện chóng mặt, và các biểu chứng kèm theo như cảm thấy mất thăng bằng, quay cuồng, nhìn mọi vật đảo lộn, đi đứng lảo đảo, buồn nôn, hoặc nôn nếu đã ăn, uống, diễn biến kịch phát, tuy nhiên lại lành tính, chữa trị có triển vọng hiệu quả.
* Rối loạn tiền đình do tổn thương thần kinh trung ương:
Có những biểu chứng khu trú như rung giật nhãn cầu và những dấu hiệu khu trú tương ứng với tổn thương, rối loạn... ở não bộ, hoặc có viêm nhiễm, u bướu... Vì vậy, rung giật nhãn cầu theo chiều thẳng đứng (liên quan ở cuống não); theo chiều ngang (liên quan cầu não), xoay chiều (có quan hệ ở hành tủy). Đó là những biểu chứng cùng với chóng mặt. Diễn biến có khi âm ỉ, có khi dữ dội, đương nhiên không lành tính, chữa trị nhiều khi phải có kỹ thuật chuyên khoa.
Phương hướng chữa trị:
- Cần phải cai rượu dẫn đến thôi hẳn.
- Thiếu máu do các bệnh lý khác nhau cần sớm chữa trị phòng tránh đột quy.
- Nhiễm độc cần sớm giải độc thuốc tại bệnh viện chuyên khoa.
- Nhiễm trùng cũng vậy, trị liệu kháng sinh đúng theo chỉ định của thầy thuốc.
- Những tổn thương, rối loạn có nguồn gốc ở thần kinh trung ương cần có sự can thiệp của chuyên môn nội, ngoại khoa.
- Khi đã có biểu hiện chóng mặt và diễn biến kịch phát có thể dự đoán là rối loạn tiền đình ngoại biên. Tuy lành tính, nhưng không được xem nhẹ vì dễ bị choáng, huyết áp có tiền sử bất thường có thể tăng, giảm huyết áp đột ngột, nhất là khi nôn. Trước khi đưa tới phòng khám chuyên khoa, đa khoa... cần xử trí ban đầu như sau: Người bệnh nhắm mắt, nằm ngửa trên giường trong 5 - 10 phút. Nhẹ lật người nghiêng sang trái, phải, rồi lật sấp để mặt hướng xuống nền nhà. Làm như vậy 1 -2 lần. Mỗi lần cách nhau 5 phút, chuẩn bị sẵn đồ hứng chất nôn. Mục đích nhằm làm cho mê nhĩ ở tai trong nếu có trục trặc thì chỉnh chuẩn lại chức năng thăng bằng, chóng mặt, quay cuồng, lảo đảo có thể giảm đi.
Thuốc điều trị
Tanganil: 1,5 - 2g một ngày, chia ra 3 lần uống vào giữa bữa ăn.
- Serc (béta histidin dittil): loại viên 8mg: 3 - 6 viên một ngày, uống sau ăn.
Magne B6 viên: Ngày uống 1 - 2 viên sáng 1 viên, chiều 1 viên sau bữa ăn.
Có thể kết hợp với viên hỗn hợp thần kinh ngày dùng 4 viên sau bữa ăn sáng, chiều mỗi lần 2 viên.
Ngoài ra có thể day huyệt:
- Lấy một bút bi hết mực, chí vào mô ngón cái ở 2 gan chân trái, phải. Thực hiện 5 phút. Day huyệt dũng tuyền ở giữa gan chân chỗ ranh giới 1/3 trên với 2/3 dưới gan chân trái, phải. Day khoảng 5 - 10 phút.
- Dùng thuốc đông dược thông khí hoạt huyết để cân bằng khí huyết.
Bác sĩ Phạm Sỹ Cảo
|