Phòng bệnh mùa đông cho trẻ khi rét đậm
Các Website khác - 04/01/2005
Chàm hay các bệnh về tai mũi họng rất dễ mắc khi trời rét đậm... Để phòng bệnh, cần giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
Trong đợt rét đậm và rét hại vừa qua, bệnh chàm (eczema) có dấu hiệu tăng khi mà số bệnh nhân đến các bệnh viện Da liễu và Việt Pháp ở Hà Nội nhiều hơn ngày thường.

BS Nguyễn Duy Hưng,Tổng Thư ký Hội Da liễu Việt Nam, cho biết chàm là bệnh da dị ứng với hai yếu tố cơ bản gây nên là địa tạng dị ứng và các dị ứng nguyên, tức là chất gây dị ứng ở trong hay ngoài cơ thể, thường này hay gặp vào mùa đông. Biểu hiện là những đám da viêm đỏ không có ranh giới rõ, trên có mụn nước nhỏ như rôm, tụ thành từng đám. Giai đoạn cấp tính các mụn nước tiết dịch nhiều, tổn thương luôn luôn ướt, kèm theo phù nề đỏ rực. Giai đoạn bán cấp thường có đỏ, tiết dịch ít còn chàm mạn tính thì da dày, thâm và bị "liken hóa" khiến da dày bì, như da đã thuộc. Vết chàm thường rất ngứa, bệnh nhân gãi nhiều gây biến chứng như nhiễm khuẩn (chàm chốc hóa). Sau một thời gian trở thành chàm mạn tính, da trở nên dày và thâm (gọi là liken hóa hay hằn cổ trâu).

Một số trẻ nhỏ được đưa đến BV Nhi Trung ương với những đám da đỏ ở hai bên má. Có trẻ xuất hiện mụn nước và tiết dịch. Có bệnh nhi tổn thương lây lan lên trán và xuống cằm.

Điều trị bệnh chàm rất phức tạp đòi hỏi phải dùng thuốc điều trị triệu chứng và căn nguyên theo chỉ định của bác sĩ. Riêng về thời tiết mùa đông, các bác sĩ khuyên nên mặc ấm, giữ thân thể sạch sẽ và tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như hóa chất và các đồ dùng hằng ngày như dây hồng hồ, gọng kính, giày dép, nữ trang mạ niken.

Ho và nhiễm trùng đường hô hấp mấy hôm rét vừa qua, nhất là ở trẻ nhỏ, cũng khá phổ biến. Theo BS chuyên khoa II, Quách Thị Cần, Khoa Cấp cứu, BV Tai-Mũi-Họng Trung ương, cần gọi ngay cấp cứu nếu trẻ trong nhà có mấy biểu hiện như tím tái khắp mặt, miệng và lưỡi, thở nhịp rất mau, nghe tiếng rất mạnh, lơ mơ một cách bất thường, không nói hay phát âm như thường lệ được.

Đề phòng một số bệnh mùa đông ở trẻ nhỏ, các bác sĩ đưa ra một số lời khuyên như sau. Với bệnh viêm thanh quản, bệnh nhân khó thở, khi hít vào tạo âm thanh như gà gáy, ho như sủa. Bệnh thường xảy ra vào ban đêm và kéo dài khoảng 2 tiếng. Trước hết có thể tạo ra bầu không khí có hơi nước bằng cách để một ấm nước sôi trên bếp hoặc đưa con vào nhà tắm và mở bên vòi nước nóng chảy ra. Không khí ẩm sẽ làm dịu khí quản, phế quản, khiến bệnh nhi dễ thở hơn. Sau đó có thể cho trẻ nằm đầu và thân được nâng cao bằng cách chèn gối sau lưng hoặc ôm trẻ trong hai tư thế ấy để dễ thở hơn.

Nếu trẻ có tiếng ho từ ngực lên, cố giúp trẻ ho lên hết đờm để thông ngực. Đặt trẻ nằm sấp ngang qua đùi bạn rồi vỗ lưng một cách nhịp nhàng mà không mạnh. Sau đó khuyến khích trẻ khạc ra bất cứ đờm nào mà chúng ho ra. Những ngày trời lạnh thế này, cần hết sức đề phòng tiếng ho từ ngực có thể lan xuống khiến trẻ viêm phế quản.

Nếu trẻ ho khan, cho trẻ uống một đồ uống gì đó nóng ấm lúc đi ngủ để làm dịu họng. Chẳng hạn một muỗng cà phê mật ong hòa vào một tách nước ấm và vắt thêm một vài giọt nước ép chanh. Có thể nâng đầu trẻ bằng một chiếc gối tránh cho đờm chảy xuống họng. Đừng cho trẻ uống thuốc ho trừ khi bác sĩ kê toa.

Với bệnh viêm phế quản, trẻ có triệu chứng ho khan, rát cổ, tiếng thở hơi rít, sốt nhẹ, sổ mũi. Trước hết, để giúp trẻ bớt thở rít và làm thông phổi trong cơn ho, cho trẻ nằm sấp ngang đùi bạn và vỗ lưng cho cháu. Nếu sốt, cho uống paracetamol với nhiều nước. Cho đến khi bớt bệnh nên để trẻ trong nhà ấm nhưng không được bí hơi. Nếu sau hai ngày, tình hình không khá hơn và trẻ ho ra đờm mầu vàng xanh, cần phải đưa đến bác sĩ.

Theo Theo Tiền phong