Co giật là gì?
Co giật là hậu quả do hoạt động phóng điện ngắn và mạnh trong não làm mất khả năng kiểm soát hoạt động cơ thể của não. Não kiểm soát các chức năng như cảm giác, cảm xúc và vận động, vì thế cơn co giật làm thay đổi cảm xúc và hành vi của người bệnh. Co giật hình thành do sốt cao, chấn thương đầu đột quy u não, nhiễm trùng, cai rượu, lượng đường trong máu cao hoặc quá thấp và động kinh.
Động kinh là gì?
Động kinh là một tình trạng của những cơn co giật tái phát. Nguyên nhân gây ra động kinh có thể xác định vào khoảng 30% - 40% bệnh nhân nhưng phần lớn không tìm ra nguyên nhân.
Nhận biết cơn co giật
Cơn co giật ảnh hưởng trên bệnh nhân ra sao tùy thuộc phần nào của não bị ảnh hưởng. Có thể là:
- Sự thay đổi tình trạng tri giác người bệnh.
- Cử động cơ thể không kiểm soát được.
- Thay đổi trong chức năng cảm giác, tiếp nhận xúc cảm hoặc kèm theo các rối loạn hệ thần kinh tự chủ.
Bốn loại cơn co giật thường gặp là:
1) Co giật cơn lớn (tonic-clonic)
2) Cơn vắng ý thức
3) Cơn co giật cục bộ
4) Cơn co giật cục bộ phức tạp.
Sơ cứu bệnh nhân co giật
- Nói chung, nên tránh cho bệnh nhân những nguy hiểm cơ học như té ngã, hoặc ở gần những nơi có vật sắc nhọn, lửa hoặc độ cao...
- Không nên ghì hoặc đè chặt bệnh nhân trong cơn.
- Không đặt bất kỳ một vật gì vào miệng bệnh nhân tránh bệnh nhân cắn và nuốt trong khi đang giật.
- Đặt bệnh nhân nằm nghiêng để các chất dịch và nước dãi, chất nôn ói hoặc máu từ trong miệng được chảy ra dễ dàng.
- Sau cơn giật, không cố gắng kềm giữ bệnh nhân vì như thế có thể làm bệnh nhân kích động và có phản ứng bạo lực do bệnh nhân còn ở trong trạng thái lú lẫn.
- Nên có người ở bên cạnh bệnh nhân giúp bệnh nhân tránh các rủi ro do té ngã, hít sặc chất ói... cho đến khi bệnh nhân tỉnh hẳn.
- Không cho người bệnh ăn hoặc uống bất cứ thứ gì cho đến khi bệnh nhân tỉnh.
- Nếu cơn co giật kéo dài hơn 10 phút hoặc các cơn xảy ra liên tục, cơn này tiếp nối cơn kia cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay.
Làm gì cho bệnh nhân?
Quan trọng là phải được chẩn đoán xác định là động kinh hay không? Và sau đó xác định loại cơn động kinh của họ. Dựa trên bệnh sử, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm sau:
- Điện não đồ ghi nhận các hoạt động điện của não và phát hiện những vùng phát sinh cơn co giật.
- Chụp CT (cắt lớp vi tính) hoặc MRI (cộng hưởng từ) để phát hiện những cấu trúc bất thường của não.
- Xét nghiệm máu nhằm phát hiện tình trạng rối loạn đường máu, sự mất cân bằng các chất điện giải hoặc độc tố có thể gây ra cơn co giật.
Các phương pháp điều trị
Bệnh nhân sau khi được chẩn đoán sẽ được cấp thuốc điều trị động kinh phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể. Khoảng 60%-70% bệnh nhân, đáp ứng với thuốc và cơn co giật được kiểm soát. Một số bệnh nhân có thể chỉ cần một loại thuốc, trong khi một số khác cần phối hợp thuốc. Khoảng 20%-30% bệnh nhân động kinh không kiểm soát được bằng thuốc và được xem xét điều trị phẫu thuật. Những bệnh nhân này phải được khảo sát theo dõi cẩn thận tại một một đơn vị chuyên khoa thần kinh và đánh giá khả năng đáp ứng với điều trị phẫu thuật nào thích hợp.
Đối với nhiều người do chưa được biết đến hoặc chưa rõ về động kinh có thể gây ra một số vấn đề đôi khi có hại cho người bệnh. Các bạn nếu muốn biết thêm thông tin về tình trạng bệnh lý này, hãy đến bệnh viện hoặc các phòng khám có bác sĩ chuyên khoa về nội thần kinh để được tư vấn.
|