Trẻ nhập viện tăng đột biến ở TP HCM đầu mùa nóng
Các Website khác - 04/04/2005
Trẻ được khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM. Ảnh: Lê Thanh

Khoảng 3 tuần nay, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM trung bình khám, chữa bệnh cho khoảng 3.500 lượt trẻ/ngày, tăng hơn 20% so với tháng 2. Các bệnh dễ mắc trong thời tiết nắng nóng là viêm hô hấp trên, tiêu chảy, quai bị, thủy đậu.

Hiện tại, cả Khoa Khám bệnh và Khoa Khám trẻ em lành mạnh thuộc Bệnh viện Nhi đồng 2 đều hoạt động hết công suất, trung bình mỗi bác sĩ khám gần 100 bệnh nhi/ngày.

Ở Khoa Khám bệnh, tất bật với hàng chục bệnh nhi đang chờ đợi, quấy khóc, bác sĩ Trưởng khoa Nguyễn Thị Phương Huệ nói: "Tình trạng quá tải đã bắt đầu từ tháng 3, khi con số trung bình lên tới 3.000 ca/ngày".

Số bệnh nhi cũng tăng đột biến 30-50% ở Khoa khám trẻ em lành mạnh, so thời điểm 300 ca/buổi sáng vào cuối tháng 2. Tỷ lệ khám đột xuất từ 40% tăng thành 60%, áp đảo so với số bệnh nhân khám và theo dõi định kỳ.

Theo bác sĩ Huệ, mùa nóng năm nào, số bệnh nhiễm đều tăng, trong đó bệnh đường hô hấp chiếm ưu thế. Nguyên nhân do các cháu ở nhà có máy lạnh, nằm quạt, bước ra ngoài đường nóng hừng hực, thường xuyên uống nước đá lạnh, ăn kem. Thời tiết nắng nóng là điều kiện lý tưởng lây lan các bệnh truyền nhiễm như quai bị, phát ban siêu vi, thủy đậu, nhất là trong môi trường các em đi học, ở bán trú chung với các bạn cùng lớp.

Bác sĩ Nguyễn Công Viên, Trưởng khoa khám trẻ em lành mạnh giải thích, sở dĩ trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm do siêu vi vào mùa nóng vì đổ mồ hôi nhiều, dẫn đến mất nước, mỏi mệt, sức đề kháng của cơ thể giảm.

Ông Viên dẫn chứng: Có khoảng hơn 1/2 trong tổng số 400-450 ca khám buổi sáng ở Khoa khám trẻ em lành mạnh mắc 2 bệnh viêm mũi, họng và tiêu chảy nước. Các bệnh còn lại là viêm tai giữa, viêm phế quản ... Diễn biến bệnh tiêu chảy đang có chiều hướng tăng, dù không phải mùa mưa. Về mức độ nguy hiểm, qua xét nghiệm, một số ca tiêu chảy ở khoa đã có kết quả dương tính với rota virus. Đây là loại virus có khả năng lây lan mạnh, gây mất nước và nôn ói nhiều hơn ở trẻ, tần suất đi tiêu hàng chục lần/ngày, so với tiêu chảy nước thông thường chỉ 3-5 lần/ngày.

Bác sĩ Viên khuyến cáo, để tránh cho trẻ lây nhiễm siêu vi gây bệnh này, các bậc phụ huynh cần lưu ý vệ sinh phân, nước, rác; thực hiện ăn chín uống sôi; rửa tay trước và sau khi ăn cho trẻ và người cho ăn; rửa các vật dụng, đồ chơi của bé. Bố mẹ cũng cần lựa chọn gửi con mình vào các nhà trẻ hợp pháp, đảm bảo tiêu chuẩn, quy trình vệ sinh để con mình không bị lây nhiễm từ môi trường sinh hoạt chung với các bạn.

Lê Nhàn