Đái dầm không thực tổn ở trẻ em
Các Website khác - 19/01/2005

Rất nhiều trẻ đái dầm không phải do những tổn thương hay dị tật của cơ thể mà do các yếu tố tâm lý. Bệnh hay gặp ở trẻ thiếu cá tính, ngượng ngùng, ngại giao tiếp và có các xung đột trong gia đình.

Khoảng 20% số trẻ đái dầm có vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhất là đối với trẻ gái và trẻ đái dầm cả ban ngày lẫn ban đêm. Với trẻ đái dầm không thực tổn, bố mẹ thường không biết phải đưa đi khám và điều trị ở đâu, chuyên khoa nào. Trẻ đái dầm không được điều trị sớm thường có những phát triển về nhân cách không tốt, luôn có tâm lý căng thẳng, lo lắng, buồn phiền, đặc biệt là những cháu sắp đến tuổi dậy thì.

Đái dầm không thực tổn có thể là sự kéo dài hiện tượng đái không tự chủ sinh lý ở trẻ em, cũng có thể là thứ phát sau khi đã hết đái dầm không tự chủ sinh lý. Nó có thể là triệu chứng của một bệnh lý tâm thần hoặc cùng xuất hiện với các rối loạn cảm xúc và rối loạn hành vi.

Cho đến nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân của đái dầm không thực tổn. Trẻ trên 5 tuổi được coi là mắc bệnh này nếu đái không tự chủ ra quần áo, chăn đệm ít nhất hai lần mỗi tháng nhưng không có tổn thương thần kinh, đường tiết niệu, không bị động kinh. Tần số đái dầm thay đổi khác nhau ở các trẻ: hằng ngày hoặc từng giai đoạn liên quan đến hoàn cảnh gia đình: chia ly, thay đổi môi trường sống, học tập, thi cử...

Việc chăm sóc của bố mẹ ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách trẻ; và đái dầm có thể là hậu quả sự tác động thiếu khoa học của bố mẹ. Ví dụ: Bắt trẻ ngồi bô ở lứa tuổi quá nhỏ; gò ép, thiếu thoải mái cho trẻ khi đi đại, tiểu tiện; quát mắng, đánh đập khi trẻ không thực hiện giờ giấc của bố mẹ đặt ra.

Một số trường hợp bố mẹ trẻ trước đây cũng bị đái dầm. Khi có con họ lo lắng, sợ hãi con mình cũng bị di truyền bệnh này (có một số tài liệu đề cập đến vấn đề di truyền của đái dầm nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về gen di truyền). Sự lo lắng và tâm lý mặc cảm của quá khứ khiến họ có thái độ không đúng, huấn luyện cho trẻ quá sớm, áp dụng các quy tắc quá máy móc và chặt chẽ, khiến trẻ bị ức chế và sinh đái dầm.

Một số trẻ có em bé, những tác động tâm lý do ghen tị với em (được bố mẹ chăm sóc, chiều chuộng hơn) cũng dẫn đến đái dầm, nhất là khi đứa em được sinh ra vào thời kỳ trẻ đang tiếp nhận kiểm soát cơ tròn.

Để điều trị đái dầm không thực tổn, cần kết hợp thuốc với liệu pháp tâm lý có sự hướng dẫn của các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần. Liệu pháp này không chỉ cần cho trẻ mà còn cả cho bố mẹ. Phải làm cho trẻ bớt căng thẳng, hết cảm giác tội lỗi, hợp tác và chủ động với các biện pháp điều trị. Bố mẹ trẻ cũng cần cảnh giác với việc trẻ sử dụng chứng bệnh này vào việc đòi hỏi được chiều chuộng.

Tuy đái dầm không thực tổn ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm lý, hành vi của trẻ nhưng nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, trí tuệ của trẻ ít bị ảnh hưởng bởi chứng bệnh này.

ThS Cao Tiến Đức, Sức Khỏe & Đời Sống