Để bé có hàm răng đẹp
Các Website khác - 28/11/2004
Răng khôn mọc lệch, răng ngầm, mọc xiên... là những biến chứng bất thường ở răng trẻ. Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám định kỳ lúc 5 tuổi, 14 tuổi để phát hiện và điều trị kịp thời.

Số liệu thống kê tại BV Răng Hàm Mặt TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 651 ca điều trị nha khoa - tiểu phẫu thuật dưới gây mê, có hơn 10% ca phải nhổ răng khôn và 10% nhổ răng cửa, nanh ngầm. Răng khôn mọc lệch tạo khe hở để thức ăn lọt xuống và nếu chọc tăm vào để xỉa răng hằng ngày sẽ dẫn đến sâu, viêm nướu, và 100% răng kế cận cũng sẽ sâu. Do đó, nên cho trẻ đi khám răng vào lúc 14 tuổi để bác sĩ "dọn" sạch răng lệch, tránh ảnh hưởng răng vĩnh viễn và các biến chứng.

Bác sĩ Hứa Thị Xuân Hòa - Phó giám đốc BV Răng Hàm Mặt, Trưởng khoa Phẫu thuật trong miệng - đã trao đổi về những điều cần chú ý để trẻ có hàm răng vĩnh viễn chắc, khỏe, đẹp.

* Hàm răng không chỉ có vai trò đối với sức khỏe mà còn cực kỳ quan trọng trong thẩm mỹ. Nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa biết cách chăm sóc đúng mức?

- Khi trẻ 5 tuổi, sắp thay răng sữa, cha mẹ cần đưa con đi kiểm tra tại các bệnh viện nha khoa để biết mầm răng mọc có bình thường không. Nếu mầm răng mọc không đúng vị trí sẽ gây tình trạng răng thưa, mọc chồng lên nhau... sau này chỉnh sửa rất tốn kém. Hiện nay giá thành trung bình không dưới 15 triệu đồng/lần chỉnh nha!

Có trường hợp, em bé bốn tuổi mà không mọc răng. Chụp phim thấy có răng, nhưng là... răng ngầm. Gia đình thấy sự việc chưa gây hậu quả gì nên... bỏ qua. Tám năm sau bé quay lại BV thì răng ngầm đã phá hủy hết xương hàm, gây hậu quả trầm trọng. Hoặc có bé cũng 4 tuổi bị chấn thương khi té: hàm răng bập xuống đất đến nỗi văng cả răng sữa ra. Đến tuổi thay răng, răng vĩnh viễn không ra được vì tầng xương quá dày!

Thông thường, khi trẻ 6 tuổi, sẽ thay chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên. Đây cũng là chiếc răng dễ sâu sớm nhất. Trẻ phải được khám để điều trị kịp thời. Có trường hợp: trẻ bị mất chiếc răng số 6, do không mọc được, sẽ bị các răng cửa "đổ" ra trông rất xấu. Có em thì bị thưa răng cửa hoặc xáo trộn hàm răng do trước đó bị xáo trộn "khớp cắn" (khớp cắn là sự sắp xếp tự nhiên của hàm răng, bị tác động một phần không nhỏ bởi di truyền hoặc những thói quen xấu, gây nên răng hô, móm...), gây mất thẩm mỹ! Chưa kể, xáo trộn khớp cắn có thể gây nên đau khớp thái dương với các dấu hiệu ù tai, chóng mặt, nhai có tiếng kêu lụp cụp trong hàm... Khi có các triệu chứng này nên đi khám, điều trị ngay để tránh biến chứng.

* Khi bé 14 tuổi, cần đưa trẻ đi khám răng một lần nữa, thưa bác sĩ?

- Đúng vậy, vì đây là thời điểm bốn răng khôn sắp mọc để hoàn thiện hàm răng. Theo nghiên cứu của chúng tôi, răng khôn của người dân thành phố đa số không mọc ngay ngắn, hay bị mọc xiên, thậm chí ngang phè! Hiện nay, tại các nước tiên tiến, thanh thiếu niên 14 tuổi đều được khám răng toàn diện, nếu thấy các răng khôn có khuynh hướng mọc kẹt, lệch, ngầm... thì họ sẽ loại bỏ ngay. Khi chân răng chưa thành hình thì việc nhổ lấy răng ra tương đối dễ dàng.

* Nếu không nhổ thì sẽ gây nên những hậu quả gì?

- Những biến chứng thường thấy là: khi có răng ngầm, nếu không can thiệp kịp thời, nó không chỉ phá hủy xương hàm mà còn làm cho răng vĩnh viễn không mọc được, trường hợp chấn thương răng sữa cũng gây hậu quả tương tự. Trẻ em Việt Nam hay bị sâu răng với tỷ lệ cao, thường gây mủ khiến rất đau đớn. Trong trường hợp này nên mổ trước khi trẻ tròn bốn tuổi. Hoặc khi không thấy trẻ mọc răng, cha mẹ đừng quan niệm: con chậm mọc răng càng tốt, vì răng... đỡ làm việc sớm. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Vì một đứa trẻ có sức khỏe tốt sẽ hoàn thành việc mọc răng khá sớm, tròn 1 tuổi là đủ hàm răng. Thông thường, bé thay răng trong khoảng thời gian 5 - 7 tuổi, không được quá 8 tuổi. Trẻ bị suy dinh dưỡng có thể bắt đầu việc mọc răng muộn hơn một năm.

* Xin cảm ơn bác sĩ.

Theo Theo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh