Đối phó với cúm gà theo cách của Hong Kong
Các Website khác - 06/04/2005

Một số biện pháp kiểm soát cúm gia cầm hiệu quả của Hong Kong cần được áp dụng rộng rãi ở châu Á trước khi virus gây đại dịch ở người.

Cách ly vịt và ngỗng ra khỏi gà là một phương pháp rất hiệu quả mà không tốn kém, tiến sĩ Robert Webster đến từ Bệnh viện Nhi St. Jude, Tennessee, Mỹ, cho biết. Webster cũng là thành viên trong nhóm xây dựng công thức điều chế một loại vacxin cúm gà đang được thử nghiệm trên cơ thể người. Sở dĩ cần phải cách ly là vì trong khi virus H5N1 làm chết gà, nó lại không nguy hiểm đối với vịt, nghĩa là vịt có thể mang virus mà không hề có biểu hiện bệnh. Do đó, H5N1 tha hồ lây lan mà không bị phát hiện.

Hong Kong còn phát động phong trào "Hai ngày sạch" mỗi tháng, trong đó tất cả các khu chợ sẽ không họp và được làm vệ sinh sạch bóng. Nhiều chuyên gia phải công nhận chính sách này đã giúp Hong Kong loại bỏ được cúm H5N1 vào năm 1997.

Hong Kong là nơi đầu tiên ghi nhận cú nhảy vượt rào từ gia cầm sang người của virus cúm gà, làm 6 người tử vong trong số 18 ca nhiễm virus. Lúc đó, các chuyên gia y tế địa phương ngay lập tức tiến hành nhận dạng virus, bất chấp sự thiếu thốn các thiết bị an toàn và chuyên dụng.

Ngày nay, các quốc gia có dịch cúm gà lại gửi mẫu bệnh phẩm tới những trung tâm thí nghiệm hàng đầu thế giới như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc Trung tâm kiêm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). "Đây là một sai lầm", Webster nhấn mạnh, "thay vì thực hiện công đoạn mất thời gian này, họ nên bắt tay xây dựng một cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu dịch bệnh ngay ở nước sở tại".

Tính từ cuối năm 2003 cho đến nay, virus H5N1 đã làm thiệt mạng 49 người và đang trở thành một vấn đề nhức nhối khó giải quyết triệt để ở Thái Lan, Việt Nam và Campuchia. Theo giới chuyên môn, nếu virus phát triển khả năng lây nhiễm giữa người và người, nó sẽ tiêu diệt hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu người trên toàn thế giới.

Cả WHO và CDC hiện nay đã thống nhất: Cúm gà là mối đe dọa duy nhất mà cộng đồng thế giới đang phải đối mặt. "Vấn đề cấp bách là giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan trong cộng đồng người bằng cách làm giảm tối đa lượng virus trong gia cầm", Webster nhận định.

Tiêm phòng cũng là một biện pháp hạn chế phần nào khả năng đột biến của virus. Tuy nhiên, chất lượng của vacxin lại là một vấn đề nan giải. Một số quốc gia hiện nay thiếu sự kiểm soát của chính phủ trong việc sản xuất vacxin, dẫn tới sự chênh lệch về chất lượng giữa các mẻ. Hậu quả là sau khi tiêm phòng, gia cầm vẫn có khả năng lây truyền virus mặc dù bề ngoài trông rất khỏe mạnh, trong khi đó con người lại chủ quan tin tưởng rằng việc tiêm phòng đạt hiệu quả.

Mỹ Linh (theo Reuters)